(CMO) Xã Khánh Bình Tây là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống và số lượng học sinh đồng bào Khmer hoàn thành chương trình tiểu học khá đông. Trước đây, khi chưa có nội trú, mỗi năm trường chỉ có khoảng vài chục em người dân tộc theo học.
Thầy Đoàn Văn Lạc, Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS Danh Thị Tươi, vui mừng chia sẻ: “Từ khi trường tổ chức nội trú năm 2014, số lượng học sinh dân tộc tăng lên đáng kể. Hiện nay có đến 209 học sinh Khmer đang học tập tại trường. Qua quá trình đầu tư xây dựng, trường lớp giờ khang trang hơn rất nhiều”.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Quê ở tận Sóc Trăng, thầy Tăng Quốc Đạt (giáo viên dạy tiếng Khmer) tìm đến vùng quê này cũng vì một chữ "duyên". Thầy hiện là Tổ phó Tổ Quản lý nội trú của trường, cũng là một trong những thầy cô theo sát các em nhất, từ việc ăn, ở, giờ học chính khoá, rồi tự học vào mỗi tối.
Thầy Đạt chia sẻ: “Trong đồng bào dân tộc Khmer hiện nay có một số em không biết nói tiếng của dân tộc mình, một số trường hợp có thể giao tiếp được nhưng vẫn chưa thành thạo về chữ viết. Trường có nội dung và giáo trình dạy chữ viết, tiếng nói, phong tục tập quán, các lễ hội của đồng bào Khmer để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Khi được học tiếng dân tộc mình, các em rất thích thú và tích cực học tập. Việc học nội trú tại trường là một việc làm hiệu quả, giúp các em rèn luyện kỹ năng học - hiểu được nhiều hơn về bản sắc dân tộc mình, đồng thời rèn luyện kỹ năng tự lập và tinh thần tập thể cho các em”.
Học sinh trường PTDT Nội trú THCS Danh Thị Tươi đọc sách trong thư viện. |
Năm học 2016-2017, nhà trường có 8 lớp với 228 học sinh, trong đó có 209 em là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy số học sinh học tập tại trường không nhiều nhưng trường luôn tham gia đủ các phong trào do ngành phát động. Ở các môn văn hoá, trường đưa đi thi học sinh giỏi 4 em, đậu được 3 em vòng huyện, văn hay chữ tốt đưa 3 em thì đậu được 2 em, kiến thức liên môn đưa đi 2 em thì cả 2 cùng đoạt giải, thi an toàn giao thông đưa đi 1 em và cũng đoạt giải. Kết quả học tập của học sinh toàn trường năm sau luôn cao hơn năm trước. Đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường là 21 người, trong đó có 14 giáo viên dạy giỏi cấp trường. 3 giáo viên dự thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện đều đạt 100%.
Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường luôn quan tâm sâu sát công tác chăm sóc các em. Về chế độ, các em học sinh có nhiều ưu tiên, được miễn học phí, được trang bị 1 bộ đồng phục và đầy đủ học phẩm cho một năm học.
Ngoài ra, mỗi tháng các em được hưởng chế độ học bổng là 968.000 đồng. Ngoài giờ học chính khoá, vào mỗi buổi chiều các em ở nội trú còn được tổ chức sinh hoạt vui chơi thể thao. Từ 19-21 giờ các em được thầy cô giáo dạy kèm.
Nhà ở xã Trần Hợi, cách trường hơn 20 km nên em Danh Mỹ Loan được cha mẹ gửi vào trường ở nội trú. Loan bộc bạch: “Từ khi vào trường em có nhiều thời gian học bài hơn, mỗi tối còn được thầy cô dạy kèm. Hầu như thầy cô luôn trực suốt để quan tâm, lo lắng cho chúng em. Em rất thích ở nội trú vì có thể ở chung với nhiều bạn, luôn đoàn kết, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, được ăn uống đầy đủ, lại không phải tốn tiền phòng, tiền mua sắm đồ dùng học tập… nên hằng tháng số tiền còn dư em đều gởi về cho cha mẹ”.
Vẫn còn trăn trở
Tuy đã được đầu tư xây dựng, song về cơ sở vật chất của trường gặp khá nhiều khó khăn. Trường có 8 lớp nhưng chỉ có 5 phòng học, nên phải tận dụng các phòng chức năng làm phòng học cho các em. Số học sinh ở nội trú đăng ký tự nguyện, chứ nhà trường không bắt buộc, chủ yếu là vận động các em nhà ở xa, không có điều kiện đi về trong ngày hoặc một số em tuy ở gần nhưng do cha mẹ đi làm xa không có điều kiện chăm sóc.
Mặt khác, trường chưa thể thực hiện nội trú 100%, vì nếu bắt buộc tất cả học sinh ở nội trú thì số lượng phòng ở không đủ đáp ứng. Trường chỉ có 13 phòng, mỗi phòng có thể ở 8 em, vì vậy, phòng ở sẽ không đủ để phục vụ cho toàn bộ học sinh trong toàn trường. Đây là một vấn đề trăn trở của lãnh đạo và giáo viên nhà trường. Bởi nếu học sinh ở nội trú thì nhà trường có thể tổ chức dạy kèm vào buổi tối hoặc tổ chức các hoạt động sinh hoạt vào các buổi khác.
Thầy Lạc cho biết thêm: “Mong muốn lớn nhất của trường hiện tại là cơ sở vật chất sớm hoàn thiện đúng nghĩa của một trường dân tộc nội trú. Hy vọng trong thời gian sớm nhất, trường có thể tổ chức nội trú 100% học sinh”.
Thảo Nguyên