(CMO) Tuyến Tỉnh lộ 986B từ trung tâm huyện Phú Tân nối Quốc lộ 1 dài hơn 28 km. Hiện tuyến này mặt đường cao hơn nền nhà dân, cốt đường chính cao hơn cốt đường nhánh. Hạ tầng kết nối, biển báo chưa đầy đủ, ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế đang làm nảy sinh nguy cơ TNGT.
Những năm gần đây, tuyến lộ này được xây dựng, nâng cấp nên cải thiện rất nhiều về điều kiện lưu thông. Là một trong những tuyến đường huyết mạch về trung tâm huyện nhưng tuyến đường này cũng tồn tại không ít vấn đề cần xử lý.
Muốn di chuyển qua 2 đường nhánh, phải đi cắt ngang ngay chân cầu. |
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Thanh nằm gần đường dẫn ngay chân cầu Cả Tính, thuộc xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, hàng ngày phải chứng kiến cảnh người dân và học sinh di chuyển rất nguy hiểm qua nút giao 2 đường nhánh ngay dưới chân cầu. Bà Thanh cho biết: “Vừa qua cầu là đến 2 đường nhánh về các ấp, thế nên nhiều khi xe từ trên cầu đổ xuống, xe từ 2 bên đường nhánh đổ lên rất mất an toàn. Đặc biệt là lúc trời mưa hay ban đêm, tôi chứng kiến nhiều vụ va quẹt lắm rồi”.
Thực tế, điểm giao cắt này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT, do ngay dưới chân cầu không có đường thông qua, người điều khiển phương tiện muốn đi qua điểm giao cắt này phải di chuyển ngay đường dẫn của dốc cầu.
Theo Đại uý Lê Văn Thật, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an huyện Phú Tân, tính từ trung tâm huyện ra đường Quốc lộ 1 có trên chục đường nhánh. Tại các nút giao này, hầu hết đều có biển báo, thế nhưng do người tham gia giao thông chưa có ý thức cao nên qua đây thường thiếu quan sát, chạy xe với tốc độ cao nên thường xảy ra va quẹt, tai nạn.
Ngoài ý thức của người tham gia giao thông, lực lượng chức năng cũng cho rằng, hệ thống cảnh báo an toàn tại nhiều nút giao đường nhánh với đường chính cũng là nguyên nhân gây tai nạn. Ở một số đoạn đường chính là đường cong, lại giao cắt với đường nhánh nên rất dễ xảy ra tai nạn nếu người tham gia giao thông chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu, hoặc không quen đường. Hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn một số điểm chưa hợp lý, cây xanh che khuất tầm nhìn, các tuyến đường lại không có hệ thống chiếu sáng. Bởi vậy, người tham gia giao thông chỉ cần sơ suất là tai nạn thương tâm có thể xảy ra.
Từ thực tế trên, lực lượng chức năng cần có “sổ tay giao thông”, trong đó ghi chép theo dõi tình trạng va chạm, tai nạn tại từng điểm nút giao cắt để đưa ra phán đoán, nắm bắt xu hướng giao thông, từ đó có những điều chỉnh cần thiết để ngăn ngừa những điểm đen phát sinh.
Đại uý Lê Văn Thật cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ liên tục tuần tra, nắm bắt những hạn chế ở các nút giao đường nhánh trên tuyến đường để kịp thời khắc phục những hạn chế mà người tham gia giao thông kiến nghị”.
Ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, để giảm thiểu va chạm và tai nạn giao thông, quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi người tham gia giao thông cần tự nâng cao ý thức. Có như vậy mới góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn và văn minh./.
Song Khuê