(CMO) Từ khi có chủ trương đưa xe buýt vào hoạt động, đến nay loại hình xe công cộng này đã và đang phát huy được tính hiệu quả tiện lợi của nó đối với việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, ngoài sự tiện lợi thì hạ tầng phụ trợ vẫn đang bỏ ngỏ. Đáng chú ý nhất là hệ thống nhà chờ chưa được đầu tư đồng bộ.
Khu vực nội ô TP Cà Mau, hệ thống nhà chờ dành cho khách đón xe tại các bến dừng, đỗ xe buýt gần như chưa được đầu tư. Hiện tại, trên địa bàn thành phố chỉ vỏn vẹn có khoảng 3 nhà chờ nằm trên tuyến đường Phan Ngọc Hiển và đường Lý Thường Kiệt, còn lại chỉ là các bến cắm biển báo ngoài trời, người dân đội nắng mưa để đón xe.
Hành khách đi xe phải nghỉ chân tại các hàng quán tạm của các hộ kinh doanh ven đường. |
Mỗi lần đi xe buýt, người dân vật vờ đón từng chuyến xe mà không hề có một chỗ trú chân. Những hôm nắng thì tạm ổn, nhưng nếu trời mưa thì việc đón xe vô cùng khó khăn. Nhiều bến, người dân phải vào quán của những hộ kinh doanh để có chỗ nghỉ chân trong thời gian chờ.
Đón xe dưới cái nắng đổ lửa của mùa hè, chị Trần Thị Giang, ngụ Ấp 15, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh phải núp nhờ bóng cây ven tuyến đường Phan Ngọc Hiển để chờ xe. Chị Giang chia sẻ: “Tôi thường đi chợ ở Cà Mau, nếu được bố trí nhà chờ để có chỗ trú mưa, trú nắng lúc chờ xe tới thì hay quá”.
Đó cũng là hình ảnh dễ bắt gặp tại các trạm dừng, đỗ xe buýt trên tuyến đường Phan Ngọc Hiển, tuyến mà hầu như tập trung các đầu xe buýt về các địa phương và ngược lại. Người dân có nhu cầu đi xe buýt phải leo lên những bồn cây xanh trên vỉa hè để trú nắng lúc chờ xe tới.
Xe buýt được đưa vào khai thác từ năm 2010, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp đang kinh doanh loại hình vận tải này với hơn 90 đầu xe của 6 tuyến đi về các địa phương trong và ngoài tỉnh. Trong tương lai, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Kiên Giang lựa chọn đơn vị kinh doanh vận tải để đưa vào khai thác tuyến xe buýt từ bến xe Cà Mau đi thị trấn Thứ 7 của Kiên Giang theo lộ trình trên tuyến đường hành lang ven biển phía Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các nhà chờ phục vụ hành khách di chuyển trên loại phương tiện công cộng này chỉ lác đác vài ba điểm.
Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT Cà Mau Nguyễn Quang Hải cho biết, do nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, nên ngay từ khi hình thành các tuyến xe buýt, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tự bỏ tiền ra để đầu tư các nhà chờ. Những nhà chờ hiện tại là do doanh nghiệp tự lắp đặt và để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải loại hình này, Sở GTVT xem xét tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về mức hỗ trợ lãi suất để các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đầu tư phương tiện, đầu tư hạ tầng phục vụ hành khách. Cùng với đó, sở sẽ lấy nguồn duy tu cầu đường hàng năm để hỗ trợ các doanh nghiệp này vẽ lại các điểm dừng, lắp đặt biển báo, lắp đặt nhà chờ để phục vụ hành khách bằng xe buýt.
Người dân đi xe vất vả chờ xe dưới những bóng cây ven đường, trên vỉa hè. |
"Thời gian qua, do nguồn vốn này ít nên Sở GTVT chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ các doanh nghiệp xe buýt vẽ lại các ô trạm dừng trên mặt đường, đầu tư bổ sung biển báo cho hoàn thiện để phục vụ hoạt động này, nhà chờ xe buýt chưa làm được. Sở GTVT vẫn đang kêu gọi theo hình thức xã hội hoá đối với việc đầu tư nhà chờ để thu quảng cáo”, ông Nguyễn Quang Hải cho biết thêm.
Trong khi chờ sự đầu tư từ phía doanh nghiệp, sau hơn 9 năm đi vào hoạt động, vận tải xe buýt trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong tình trạng thiếu trầm trọng nhà chờ. Hành khách di chuyển bằng loại phương tiện này vẫn ngày ngày đội mưa nắng, vất vả chờ những chuyến xe và câu hỏi đến bao giờ mới có nhà chờ vẫn chưa có lời giải đáp./.
Lê Chí