(CMO) Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế lần này sẽ giúp cả doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng hưởng lợi. Ðặc biệt, việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm 2% chi tiêu bình quân, điều này góp phần kiềm chế, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng.
Việc giảm thuế cũng sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sớm phục hồi và giảm áp lực lạm phát, đưa nền kinh tế tăng trưởng những tháng cuối năm.
Chính sách giảm 50% thuế trước bạ lần đầu đối với ô tô lắp ráp trong nước nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định nền kinh tế vĩ mô. (Ảnh minh hoạ)
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ - Dự toán - Pháp chế thuế, Cục Thuế tỉnh, cho biết: “Nhằm tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô trong tình hình mới, Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, trong đó đáng chú ý là Nghị định 41/2023/NÐ-CP quy định giảm 50% mức lệ phí trước bạ lần đầu đối với các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu theo Nghị quyết số 30/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 theo Nghị quyết số 30/2022 và Quyết định số 01/2023 của Chính phủ. Cùng với đó là chính sách giảm, gia hạn thời gian nộp thuế GTGT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023 theo Nghị định số 12/2023... Ðây là những chính sách hỗ trợ quan trọng giúp người nộp thuế khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững”.
Theo ông Tuấn, dự kiến tổng số tiền thuế giảm, miễn và gia hạn khoảng 345 tỷ đồng. Trong đó, giảm mức thuế 50% bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng dầu mỡ nhờn, ước giảm thu 300 tỷ đồng; khi giảm 30% tiền thuê đất năm 2023 thì số tiền giảm là 5 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 7, đã gia hạn 117 tỷ đồng tiền thuế GTGT, thu nhập DN và tiền thuê đất của 439 người nộp thuế - số gia hạn này sẽ nộp trong năm 2023. Ðối với lệ phí trước bạ giảm 6 tháng cuối năm khoảng 18 tỷ đồng; giảm 2% thuế GTGT làm hụt thu, 6 tháng cuối năm, khoảng 22 tỷ đồng.
“Từ khi các chính sách giảm, miễn, giãn thuế có hiệu lực thi hành, Cục Thuế đã chỉ đạo các phòng, chi cục thuế khu vực tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ nội dung chính sách đến với người nộp thuế”, ông Bùi Quốc Khánh, Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh, cho biết.
Ðiều đáng chú ý là tất cả các sắc thuế, khoản thuế được miễn, giảm, gia hạn... đã được đăng tải công khai trên Cổng giao tiếp điện tử của ngành thuế để người nộp thuế và các cơ quan, ban, ngành, địa phương cùng giám sát. Nhờ vậy, ý thức tự giác chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế trên địa bàn ngày càng nâng cao. Ðặc biệt, thông tin tuyên truyền thường xuyên, liên tục theo nhiều hình thức, bảo đảm mọi người nộp thuế tiếp cận và hiểu rõ phạm vi, đối tượng, thời hạn, trình tự, thủ tục thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất để người nộp thuế thực hiện đúng và kịp thời chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho người nộp thuế.
Ðể bù đắp khoản hụt thu ngân sách do thực hiện các chính sách giảm, miễn, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí năm 2023, ông Nguyễn Văn Bé, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cà Mau, cho biết: “Ngành đang phối hợp với các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương và các đơn vị có liên quan tăng cường các biện pháp quản lý đối với các khoản thu liên quan đến các lĩnh vực: kinh doanh bất động sản, các khoản thu liên quan đất đai, hoạt động xây dựng cơ bản; hoạt động vận tải, thương mại điện tử”.
Ðồng thời, rà soát khoản thu ngân sách địa phương bị sụt giảm do chính sách, tác động của nền kinh tế trong năm 2023 như lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thuế bảo vệ môi trường, tiền thuê đất... để lập kế hoạch khai thác từng nguồn thu còn dư địa để bù đắp. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch chống thất thu trên tất cả các lĩnh vực để chủ động triển khai thực hiện ngay, nhằm huy động kịp thời các khoản thu vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
“Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế; triển khai kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhằm hỗ trợ, phục hồi sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, sớm đưa các dự án đầu tư ngoài ngân sách vào hoạt động. Ðặc biệt, ngành thuế tích cực, chủ động, tăng cường tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế; thanh tra, kiểm tra, cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo đúng quy định. Với việc triển khai thực hiện nhiều giải pháp, công tác thu ngân sách năm 2023 sẽ hoàn thành dự toán được giao”, ông Bé tin tưởng./.
Trung Ðỉnh