Chiều 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả nửa nhiệm kỳ, đồng thời triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ (2021-2026). Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Chủ trì tại điểm cầu Cà Mau có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân (thứ 2 từ trái sang).
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, năm 2023, Bộ, ngành Tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực quản lý, đồng thời bám sát mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và của từng địa phương.
Từ số liệu thống kê cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngành thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được thực hiện kịp thời với khối lượng công việc lớn, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. Việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được đánh giá cao.
Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật, hòa giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện hiệu quả. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng, vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý nhà nước.
Công tác trợ giúp pháp lý có nhiều kết quả ấn tượng, nhất là việc thiết lập cơ chế trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự trên toàn quốc; số vụ việc trợ giúp pháp lý tố tụng cao nhất từ trước đến nay.
Trong nửa nhiệm kỳ qua, công tác trợ giúp pháp lý có nhiều kết quả ấn tượng, nhất là việc thiết lập cơ chế trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự trên toàn quốc, số vụ việc trợ giúp pháp lý tố tụng cao nhất từ trước đến nay. (Ảnh: Một phiên toà sơ thẩm tại Toà án Nhân dân TP Cà Mau, bị cáo là đối tượng được trợ giúp pháp lý)
Hội nghị cũng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác tư pháp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật chưa cao; tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực chưa được khắc phục triệt để; hiệu quả quản lý nhà nước về công tác bổ trợ tư pháp chưa được như mong muốn.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng vi phạm trong một số lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, lý lịch tư pháp. Việc kiện toàn, sắp xếp bộ máy cơ quan tư pháp gặp nhiều khó khăn; bất cập giữa việc gia tăng khối lượng công việc nhưng biên chế ngày càng phải cắt giảm. Số vụ việc thi hành án chuyển kỳ sau vẫn còn cao; hiệu quả thi hành án hành chính chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, trong năm 2024, toàn ngành cần có nhiều cố gắng hơn trong công tác tư pháp. Trong đó, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu trong hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý kịp thời, có chất lượng; đề xuất sửa đổi, ban hành Luật Ban hành văn bản vi phạm pháp luật; sửa đổi và tính toán lộ trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh của năm 2024 và xây dựng cho năm 2025.
Tiếp tục thực hiện công tác thẩm định đề nghị các dự án, dự thảo trình Chính phủ, Quốc hội một cách kịp thời, chuẩn chỉnh hơn. Nâng cao công tác thi hành pháp luật, đặc biệt chú trọng đưa pháp luật vào cuộc sống; nghiên cứu giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong những quy định hiện hành./.
Văn Đum