ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 11:33:19
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ đất mặn

Báo Cà Mau (CMO) Tôi có hai người anh làm vuông ở huyện Ngọc Hiển. Thỉnh thoảng lên Cà Mau chơi, mấy ảnh lại xách cho hai đứa con tôi ít quà quê. Khi thì mớ tôm, vài con cua, dăm con cá hay một bọc ruột hàu. Thật tình thì trước đây, tôi nhận quà trong tâm trạng rất thoải mái, chẳng “lăn tăn” gì. Nhưng khoảng hai năm nay, cầm túi đồ mấy anh cho mà lòng gợn chút tâm tư. Nuôi tôm dạo này thất bát quá, giá cả thì khi thăng khi giáng; nước nôi lên xuống thất thường, người có kinh nghiệm cũng khó mà đoán trúng.

Minh hoạ:  Kiều Loan

Nhờ sự “mai mối” của người bà con, khoảng năm 1990, gia đình tôi sang được miếng vuông ở huyện Ngọc Hiển. Lúc đó, tôi mới vô đầu cấp hai. Mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại háo hức theo ba má, anh chị xuống vuông tôm chơi, dù phải ngồi xuồng chèo cả ngày trời mới tới. Sau này, khi sắm được máy đuôi tôm thì hành trình đi từ đất ngọt sang đất mặn cũng mất nửa ngày. Và mỗi lần cả nhà nép vào nhau trên chiếc xuồng mỏng manh, cưỡi sóng vượt sông Cửa Lớn thật sự là kỷ niệm không thể nào quên.

Trong con mắt của đứa trẻ quanh năm quanh quẩn ở vùng đất ngọt như tôi, thì xứ mặn Ngọc Hiển quả thật là “thiên đường” để khám phá. Tôi “gặp gỡ” đất mặn được chừng 30 năm, quãng thời gian không dài, nhưng cũng kịp chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị, mà nếu chậm kể thì e sau này đám trẻ nghe được sẽ tưởng rằng tôi đang kể chuyện… bác Ba Phi.

Trước hết, cần khẳng định rằng thời ba má tôi còn làm vuông tôm, chẳng bao giờ tồn tại khái niệm “con giống”. Tất cả đều nhờ vào nguồn lợi tự nhiên.

Mỗi tháng hai lần, vào con nước Rằm và Ba mươi, nhà nhà lại háo hức xổ tôm. Mỗi con nước kéo dài từ 3-5 ngày, tuỳ biên độ thuỷ triều. Vào con nước xổ, sáng sớm nước lớn mênh mông, kéo dài đến trưa đứng bóng, chủ vuông mở cống lấy nước sông vô cho đầy vuông. Sập tối, khi nước từng dòng cuồn cuộn chảy về phía biển thì cả nhà bắt đầu rút cống, xổ tôm.

Thời gian từ lúc xổ tôm đến khi đổ lú hồi ấy được mấy anh trai tôi canh bằng … độ dài của điếu thuốc. Cứ kéo cống lên là một anh châm thuốc hút, người khác thì bơm đèn măng-xông nghe “óc óc”, đốt lên sáng rực một góc rừng. Ðiếu thuốc chớm tàn thì bốn năm người lật đật xách đèn pin đi kéo, đổ lú. Nếu để lâu chút thì một là kéo… không nổi, hai là đứt đuôi lú như chơi.

Trong làn nước chảy ầm ầm như thác, người ta dùng những cây “cù ngoéo” dài, móc ngang hông lú kéo lên. Những chàng lực điền, sức vóc “ngon lành” mà kéo đuôi lú nghe è ạch. Hai ba cái cần xé lớn đầy lặc lè tôm. Anh trai, chị dâu, chị gái hè nhau khiêng từ miệng cống vô nhà, đổ xuống ván nhà sàn nghe cái “xào”. Già trẻ, trai gái thi nhau dùng cây đố, chân tay gạt tôm cho chúng đừng tràn ra, rơi xuống đất. Một đêm, đổ ba lần chừng 6 cần xé thì đống tôm đã bự như đống lúa, lù lù giữa nhà.

Tôm xổ ra sạch như gạo cội, chỉ lẫn chút ít lá đước mới rụng, cuống còn đỏ tươi. Cả nhà quây tròn quanh đống tôm, dùng củi đước cào ra để phân loại, cho vào từng cái thau, cái thùng riêng. Tôm bạc, tôm đất thì hốt mệt nghỉ; bự con nhứt và có số lượng ít hơn một chút là những con tôm thẻ trắng ong, cỡ 50 con một ký mang cái đuôi đỏ chót rất đặc trưng. Tuyệt nhiên không có tôm sú.

Thú vui lớn nhứt của tôi hồi đó là đứng canh chừng, mỗi lần đổ cần xé, ngoài đám tôm búng tanh tách là những con cua, kéo nhau chạy tán loạn. Lúc đó, tôi dùng thanh củi đước bự tầm cái cán búa để đè bắt những con cua lớn hay cua gạch son. Nhiều con ngoài tầm với hoặc chạy quá nhanh thì cứ “khỏ” cho lật ngang rồi bắt. Cua nhỏ thì mặc kệ, chúng chạy đâu thì chạy. Bên dưới nhà sàn, mấy con mèo nuôi ú na ú núc nằm phục, chờ xơi những con cá vô tình rơi xuống.

Màn lựa tôm, phân loại thường kéo dài đến khuya, sau đó cả nhà xúm lại “xử” cả thúng tôm bầu luộc nóng hổi. Cái bếp than đước luộc tôm xong còn đỏ rực thường được tôi tận dụng để nướng mấy con cua bị “khỏ” rụng càng ngoe khi nãy. Ở xứ vuông này, người ta kiêng cữ chuyện nướng tôm, vì suy nghĩ “nướng” là … mất hết. Riêng con cua thì ngoại lệ. Một đêm xổ vuông, ngoài tôm là “sản phẩm” chính thì những thứ bắt được rất đáng kể là cua, cá đối, cá kèo, cá thòi lòi, bạch tuộc… lớp đem luộc, nướng ăn tại chỗ, lớp rọng lại hôm sau làm đồ ăn cơm. Hồi đó, một đêm xổ thế nào cũng bắt được vài con sam, cua đá, hay cá mao ếch. Những thứ này toàn bị vứt đi vì chẳng ai ăn, bây giờ lại là đặc sản tiền triệu trong các nhà hàng, quán nhậu hạng sang, muốn ăn cũng chưa chắc có.

Con nước xổ cũng cùng với thời điểm cua trong vuông ăn mồi. Chỉ cần chừng 20 cần câu, choàng ngang thắt lưng một bó dây lác ngâm nước cho dẻo, “thợ câu” một tay cầm cây vợt vành sắt gắn lưới đan thưa, miệng rộng cỡ cái rổ, tay kia cầm cây nọc để buộc đám cua bị bắt, là có nửa ngày hết sức bận rộn. Khi tháo cống lấy nước từ sông vào vuông là lúc đi chọn vị trí cắm câu, vô nhà ăn cơm lưng bụng là tới lúc đi thăm. Mê nhứt là khi đang bắt con cua ở cần câu này, nhìn sang những cần câu gần đó thấy cua đang ăn mồi, kéo dây “liệt liệt”. Có những ngày trúng đậm, cua xách không nổi, muốn dọn câu mà “tụi nó” cứ ăn hoài. Hết ngày câu, cua đựng lưng lửng cần xé bự, có khi hôm sau bán được năm sáu trăm ngàn - một món tiền đáng kể trong những năm trước 2000. Một mùa hè cắm câu, tôi dư sức mua sắm đồ dùng học tập, quần áo mới cho năm sau, còn thêm một mớ bỏ túi khá là rủng rỉnh.

Kể về sự trù phú của đất mặn là cả những câu chuyện dài. Chẳng hạn, đi làm ngoài vuông, chỉ cần xách theo tay lưới, neo ở ngã ba, ngã tư hoặc các trảng nước; khi về là có một tay lưới dính đầy cá, phải bè nguyên tay lưới dưới nước mang vô nhà, chứ không tài nào xách hay gỡ tại chỗ cho nổi.

Cá vùng này ngon đặc biệt, thịt dẻ, ngọt, thơm. Nhà tôi xưa mỗi bữa cơm là cả một mâm cá đầy. Cá phi thì chỉ ăn… cá phi cái, làm sạch, cặp gắp nướng than thơm nức mũi. Cá đối thì nướng hoặc chiên xù; cá nâu thì kho với trái giác mọc đầy theo bờ vuông.

Lâu lâu ngán cá, mấy anh trai tôi lại rủ nhau đi bắt vọp rừng, lội một buổi là “na” về cả thúng. Vọp ăn không xuể, nhà tôi hay vô cần xé chở về xứ ngọt, lớp ăn, lớp đem cho hàng xóm. Vỏ vọp ăn xong đổ từng đống sau hè. Mưa xuống, các chị gái lại chọn những mảnh vỏ lớn, đem vô nhà úp xuống, dùng búa hoặc cây “khỏ” cho bám đất để đi cho sạch chân. Mấy chỗ mưa hay tạt làm ướt đất, hay đường ra mấy lu nước mưa cũng được “lát” bằng vỏ vọp…. nhìn cũng “sang chảnh”.

Tôi thì tranh thủ những khi nước lớn lên thật cao, bơi xuồng dạo quanh mấy con rạch để bắt ốc len leo tránh nước bám từng chùm trên chang đước. Hôm khác, tôi và mấy đứa bạn cùng trang lứa ở gần đó rủ nhau đi săn cá thòi lòi. Hồi này, cá thòi lòi ở xứ rừng Ngọc Hiển nhiều vô số. Ði xuồng dọc sông hoặc trong vuông tôm, nghe tiếng động là từng bầy kéo nhau “chạy” đùng đùng trên mặt nước.

Bắt thòi lòi thường có hai cách, một là đặt lọp đan bằng lá dừa nước, hai là dùng mồi tép cắm câu. Người ta chọn những hang miệng còn ướt, sình láng lẫy để đặt lọp hoặc mồi câu. Ðiều thú vị là mồi dụ thòi lòi phải được đặt ngay ngắn trên một chiếc lá còn mới, ngay cửa hang thì chúng mới xơi, còn để mồi dưới đất thì đừng hòng bắt được chúng. Ði bắt cá thòi lòi, mỗi người thường đem theo một hai cọng dây gân dài chừng một thước để xỏ xâu. Có ngày, bắt được hai xâu đầy cá, vừa dài vừa nặng phải quấn lên cổ mang về. Kỳ lạ là thời đó, người ta bắt cá thòi lòi chỉ để cắt ra làm mồi đặt vó, hoặc làm mồi cắm câu cua; không biết chúng trở thành đặc sản dành cho con người tự bao giờ?

Trước những năm 2000, vùng mặn Cà Mau tuy trù phú, nhưng lại buồn đế… nao lòng. Xứ này nhà cửa thưa thớt, sông rạch thì quanh co, uốn lượn nên trong nhà nhìn ra bốn phía chỉ thấy rừng và rừng. Không điện, màn đêm buông xuống, chỉ còn những ánh đèn leo lét. Không đường bộ, muốn đến nhà nhau chỉ có cách đi bộ trên bờ vuông, hoặc đi xuồng. Mà đi xuồng thì cứ nhấp nhổm sợ gặp nước ròng, hoặc nước ngược chảy băng băng thì vô cùng vất vả. Vào con nước xổ vuông, những con sông, con rạch sâu hút hàng ngày chỉ còn một lạch nước bề ngang chừng vài tấc, không cách nào đi lại được.

Tôi khi ấy, chiều chiều lại ra ngồi vắt vẻo trên cầu thang ngắm những con cá bống sao sặc sỡ đùa giỡn trên mặt bùn. Nước ròng rút, lộ bãi là lúc hàng ngàn, hàng vạn con còng gió đủ kích cỡ, màu sắc rời hang đi kiếm ăn, giành mồi đánh nhau loạn xạ, trông thật vui mắt. Xứ này cũng có nhiều sóc cùng một loài rất giống con sóc, gọi là con “nhen”. Khi mấy cây cốc trước nhà trổ bông, kết trái là từng bầy sóc, “nhen” kéo đến ăn, chúng leo cây và nhào lộn đại tài. Quan sát và sống hòa mình với thiên nhiên là trải nghiệm tuyệt vời để những người trẻ như tôi tích luỹ thêm vốn sống.

Xứ mặn tuy buồn, nhưng bù lại là sự bình yên hiếm có. Phần lớn nhà ở vùng này là nhà sàn và không hề có cửa. Ngày cũng như đêm, nhà mở “tênh hênh”, gia chủ cứ đi tứ tán mà không cần trông coi gì. Ðêm về, những chiếc xuồng máy đuôi tôm trị giá vài cây vàng thoải mái đậu dưới sông nhưng chẳng khi nào nghe mất trộm. Người ta đối đãi với nhau bằng cái tình, cái nghĩa chân thành, hào sảng, mặn mòi như mùi của đất, của nước ở xứ này vậy.

Vùng mặn bây giờ khác xưa nhiều lắm. Xe hơi đã đến nhiều nơi. Ðiện sáng choang, vừa để sinh hoạt vừa để nuôi tôm công nghiệp. Xa xa, bên cạnh những căn nhà sàn truyền thống, lại bắt gặp những căn nhà tường bề thế. Trước phần lớn là nhà không cửa, giờ dường như tỷ lệ này đã đảo ngược rồi. Một lần ghé nhà người quen cũ, tôi được bạn đãi một bữa toàn tôm sú, thẻ chân trắng thay vì tôm thẻ đuôi đỏ và tôm đất, tôm bạc như xưa. Cá kèo cũng là cá nuôi, còn đâu cái thuở gần nước xổ vuông, chúng nổi đầu như trái mù u rụng ở gần miệng cống. Nhắc lại kỷ niệm đi câu cá thòi lòi, bạn tôi nói nghe đâu địa phương đang có kế hoạch bảo tồn loài cá đặc sản này để phục vụ ngành du lịch, một trong những thế mạnh kinh tế mới của huyện Ngọc Hiển, bên cạnh con tôm, con cua vốn là niềm tự hào của ngành thuỷ sản Cà Mau. Phải bảo tồn, nếu không e là chúng… tuyệt chủng vì bị khai thác quá mức.

Giờ đây, bà con xứ mặn không còn sản xuất độc canh mà đã “nuôi đa con, trồng đa cây” trên cùng một diện tích. Sự đa năng là cần thiết khi sản xuất phải thích ứng với nhu cầu của thị trường và sự biến đổi của khí hậu, thời tiết. Có điều, con giống, cây giống tất tần tật phải mua, không phải “của trời cho” như trước.

Quy luật của xã hội là phát triển, nhưng sự phát triển ấy phải phù hợp với các quy luật tự nhiên. Có “tử tế” với thiên nhiên thì phát triển mới bền vững được.

Ðất mặn vẫn là vùng đất trẻ. Và một cách nào đó, nó vẫn mang trong mình niềm khao khát “hồi sinh”!

 

Tuấn Ngọc

 

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.