ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 27-9-24 06:16:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những người "đưa đò" đặc biệt

Báo Cà Mau (CMO) Công việc giảng dạy tương đối vất vả, thường xuyên có nhiều áp lực do tính chất đặc thù, mức lương hằng tháng thấp, chỉ dao động từ 2-3 triệu đồng/tháng... nhưng điều đó không làm mất đi nhiệt huyết của những người đưa đò, những thầy cô tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật - mồ côi Nhân Ái tỉnh Cà Mau (trung tâm).

Được thành lập từ năm 2009, đến nay, trung tâm có 7 lớp học với 65 học sinh là trẻ câm điếc bẩm sinh. Độ tuổi phổ biến khi vào trung tâm thường là 7-9 tuổi nên lưỡi đã phát triển và cứng, việc chỉnh âm hay dạy phát âm của giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thức và tiếp thu của các em khá chậm nên để hoàn thành chương trình tiểu học, phần lớn học sinh tại trung tâm phải mất khoảng 10 năm (do có những lớp phải chia chương trình đến 2 năm để việc dạy và học hiệu quả).

Lớp dạy kỹ năng sống cho trẻ tại trung tâm.

Gian nan gieo... chữ

Bên cạnh sự chênh lệch về tuổi tác gây khó khăn trong việc sắp xếp lớp học, mặt khác, độ khiếm thính của các em thường không giống nhau. Có em bị điếc sâu (máy trợ thính không thể hỗ trợ được), có em gia đình khó khăn không mua được máy trợ thính thì việc học của các em chủ yếu là học "chay" (bằng cách nhìn khẩu hình miệng và ngôn ngữ ký hiệu của giáo viên).

Theo cô Phạm Thị Dung, phần lớn giáo viên ở trung tâm đều tốt nghiệp những chuyên ngành khác nhau, thường không được đào tạo chuyên môn chương trình giáo dục chuyên biệt dành cho đối tượng khiếm thính nên các cô phải cố gắng rất nhiều trong việc học hỏi, tìm tòi về ngôn ngữ ký hiệu để từng bước dạy cho học sinh theo các cấp độ.

Việc hướng nghiệp thường được bắt đầu cho học sinh lớp 3, nhằm giúp các em sớm xác định và chọn con đường phù hợp với mình. Thông thường đối với các em nữ sẽ được các cô, các sơ cho học đan móc len, may dân dụng, các em nam được giới thiệu học nghề hớt tóc.

Đối với những em có khiếu nghệ thuật và hoa tay sẽ được giới thiệu đến các cơ sở điêu khắc ở TP Hồ Chí Minh để học nghề. Khi tay nghề đã thành thạo sẽ được trung tâm dạy nghề giữ lại hoặc bố trí việc làm tại các cơ sở có việc làm ổn định.

Cô Vũ Thị Tươi, phụ trách chuyên môn tại trung tâm, cho biết: "Thông thường khi học xong chương trình tiểu học, các em đã lớn nên khó dung nạp kiến thức ở những bậc tiếp theo, chính vì thế, hướng cho các em một nghề là điều được quan tâm hơn hết".

Các em học nội trú ngày 2 buổi, giáo viên đứng lớp theo sát các em qua các năm học nên nắm rõ từng ưu, khuyết điểm của mỗi em, từ đó kịp thời điều chỉnh hoặc phát triển thêm. Do đa phần các em vào trung tâm đang ở độ tuổi vị thành niên nên những kiến thức giáo dục sức khoẻ giới tính, rèn luyện đạo đức, nhân cách... thường xuyên được lồng ghép qua các buổi sinh hoạt ngoại khoá nhằm giúp các em ngày một trưởng thành.

Bao la tấm lòng

Hầu hết giáo viên ở đây đều đặt chữ tâm trên hết khi nói về nghề giáo của mình. Bởi theo các cô, đó là một trong những yếu tố quan trọng để gắn bó với nghề và hoàn thành nhiệm vụ dạy dỗ các em nên người. Các giáo viên đang giảng dạy tại trung tâm có những hoàn cảnh khác nhau, song, điểm chung của họ là sự đồng cảm và tình thương đối với những học trò đặc biệt của mình.

Năm 2009, cô Phan Thị Tú Trinh về trung tâm. Bản thân là người khuyết tật nên hơn ai hết cô Trinh dễ tìm được sự đồng cảm đối với những người khiếm khuyết.

"Thèm nghe được tiếng gọi cô, ngày 8/3 hay 20/11, nghe những câu chúc đơn giản như Chúc cô vui vẻ, tuy không rõ tiếng nhưng đầy sự cố gắng của học trò, lòng cảm thấy xúc động vô cùng, rất vui vì sự cố gắng của các em", cô Trinh bộc bạch.

Sau nhiều năm giảng dạy, mức lương hiện tại của cô Trinh chỉ gần 3 triệu đồng/tháng. Gia đình khó khăn, con nhỏ và chồng cũng đi làm công hằng ngày nên áp lực cuộc sống luôn đè nặng đôi vai. Song, không vì thế mà cô Trinh có ý nghĩ chán nản hay bỏ nghề, vì đối với cô đó là lòng sẻ chia, đồng cảm.

Mặc dù tốt nghiệp đại học ngành kế toán, song, cô Lê Thị Cam không theo nghề mình định hướng từ trước mà rẽ sang con đường giảng dạy.

Cô Lê Thị Cam hướng dẫn các em vẽ trong giờ học Mỹ thuật.

Khi được hỏi cảm xúc của các cô như thế nào khi tiếng nói tri ân thường không được nghe từ chính miệng những học trò của mình, cả cô Cam, cô Trinh và hầu hết giáo viên ở đây đều cho rằng, cảm giác cũng giống những thầy cô đang làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục khác, thiêng liêng và yêu nghề, yêu học trò của mình hơn.

"Các em khiếm khuyết nhưng những cảm xúc vui buồn và suy nghĩ không khác bạn bè cùng trang lứa bên ngoài. Những cảm xúc được bộc lộ tự nhiên không giấu giếm, rất hồn nhiên và đáng yêu", cô Cam xúc động.

 Hằng năm, mỗi khi gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam, các em thường vẽ thiệp tặng và tỏ lòng tri ân đối với các cô giáo đã dạy dỗ. Những tấm thiệp nguệch ngoạc kèm những câu chúc giản đơn không trọn vẹn nhưng các cô rất vui vì tình cảm các em dành cho mình.

Điều các cô tại trung tâm vui nhất là được chứng kiến sự trưởng thành của những lứa học trò. Nhiều em khi hoàn thành xong chương trình tiểu học, được tạo điều kiện học nghề, có công việc ổn định, có em vào ngày khai giảng, 20/11... về thăm lại "Mái ấm Nhân Ái" không quên mang theo những tác phẩm do chính tay mình sáng tạo để tặng trường. Những món quà tri ân làm ấm lòng người đưa đò nơi đây./.

Hoàng Phúc 

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.