ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 21:49:16
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những người lính trên tuyến đầu chống dịch

Báo Cà Mau (CMO) Thời gian qua, đặc biệt là Tết Nguyên đán, mọi người ai cũng mong muốn được về đoàn tụ cùng gia đình đón xuân mới, nhưng trên dọc dài tuyến biên giới biển của tỉnh Cà Mau, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BÐBP) vẫn căng mình trực gác, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào hoạt động trên biển, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.

Kiểm soát chặt từ bên ngoài

Ðại tá Lương Hoàng Ðông, Chỉ huy trưởng BÐBP tỉnh, cho biết, vì sự an toàn của Nhân dân, đơn vị đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ nâng cao bản lĩnh chính trị, vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, vùng biển trong mọi tình huống. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh chỉ đạo các đơn vị tăng cường thêm các tổ chốt phòng, chống dịch tại các cửa biển trên dọc tuyến bờ biển 254 km của tỉnh. Toàn đơn vị duy trì nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, theo đó, thường xuyên duy trì 20 tổ, chốt kiểm soát lưu động; kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào địa bàn. Từ tháng 3/2020 đến nay, BÐBP tỉnh kịp thời phát hiện trên 100 người nhập cảnh trái phép vào địa bàn và phối hợp địa phương, cơ quan chức năng đưa đến cơ sở cách ly, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào nội địa. Vì vậy, công tác kiểm soát ngay tại cửa biển được duy trì nghiêm ngặt. Ðặc biệt, vận động các chủ phương tiện không được cho người lạ đi nhờ từ ngoài biển vào bờ, hoặc phải khai báo thành khẩn với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Hòn Chuối đo thân nhiệt cho ngư dân khi vào neo đậu tại đảo.

Trong thời gian cao điểm, lực lượng BÐBP tỉnh kịp thời phát hiện, ngăn chặn 2 vụ tàu cá ngư dân Cà Mau đưa người nhập cảnh trái phép từ Malaysia vào khu vực biên giới biển của tỉnh. Ðiển hình, vào tối 2/2/2021, lực lượng tuần tra Ðồn Biên phòng Sông Ðốc tổ chức tuần tra ven biển. Khi đến khu vực cách vàm Ba Tĩnh, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời khoảng 2 hải lý về hướng Tây Nam, phát hiện tàu đánh cá mang số CM 91651 TS của ông Phạm Văn Chín, sinh năm 1981, ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh làm chủ, kiêm thuyền trưởng có nhiều nghi vấn. Tiến hành kiểm tra, lực lượng tuần tra của Ðồn Biên phòng Sông Ðốc phát hiện trên tàu có 34 người (gồm 9 nam, 25 nữ) là người Việt Nam. Ðiều tra nhanh, cả 34 người đi trên tàu đều có quốc tịch Việt Nam, ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, xuất cảnh qua Malaysia bằng đường hàng không, nhưng do dịch Covid-19 nên trốn về bằng đường biển. Sau khi tiến hành các bước kiểm tra y tế, cơ quan chức năng đã đưa 34 người này đi cách ly tập trung theo quy định.

Ngày 8/2, Ðại tá Lương Hoàng Ðông đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự về “Tổ chức cho người nhập cảnh Việt Nam trái phép” quy định tại Ðiều 348, Bộ luật Hình sự Việt Nam. Ðồng thời, tiến hành bàn giao hồ sơ vụ án cho cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Cà Mau tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào ngày 5/2, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Cà Mau ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Thảo, sinh năm 1963, ngụ Khóm 5, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời về hành vi tổ chức môi giới cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép. Theo hồ sơ điều tra, vào sáng 22/1, tàu cá CM 99323 TS, do Lê Văn Thảo làm thuyền trưởng đã chở theo 38 công dân Việt Nam từ vùng biển giáp ranh với Malaysia nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Khi vào cách cửa biển Sông Ðốc khoảng 3 hải lý, Thảo thuê phương tiện nhỏ trong bờ ra biển đón 38 công dân nói trên đưa vào bờ thì bị lực lượng BÐBP phát hiện. BÐBP đã bàn giao hồ sơ, vụ việc cho cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Cà Mau theo quy định.

Vì an toàn cho cộng đồng

Tại Trạm Kiểm soát biên phòng Sông Ðốc, nơi có lưu lượng tàu đánh cá của ngư dân ra vào nhiều nhất tỉnh Cà Mau, sự căng thẳng, mệt mỏi thể hiện rõ trên từng khuôn mặt của cán bộ, chiến sĩ vì thiếu ngủ và làm việc quá tải. Ðại uý Ðỗ Văn Lanh, Trạm trưởng trạm Kiểm soát biên phòng Sông Ðốc, chia sẻ, từ lúc dịch Covid-19 bùng phát, cán bộ, chiến sĩ ở trạm phải làm việc gấp đôi, gấp ba ngày bình thường. Vào thời gian cao điểm, hết con nước đánh bắt trên biển, ngư dân vào bờ, bình quân mỗi ngày có gần 100 phương tiện, với trên 500 người ra vào cửa biển. Vì vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát kết hợp phòng, chống dịch Covid-19 phải duy trì nghiêm ngặt theo quy định. Ðối với phương tiện trong tỉnh thì kiểm tra đối chiếu qua thiết bị giám sát hành trình để biết phương tiện hoạt động ở khu vực nào, các thuyền viên có thay đổi so với ngày xuất bến. Ðối với phương tiện ngoài tỉnh vào địa bàn, công tác kiểm tra phải chặt chẽ hơn, sau đó kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế từng người…, đồng thời kiểm tra, kiểm soát, đăng ký, đăng kiểm thủ tục hành chính để phương tiện và người được ra vào đúng quy định.

Việc ra vào cửa biển của ngư dân không theo giờ giấc cố định, hoặc những vụ việc xảy ra trên biển hàng ngày như tai nạn, rủi ro trong lao động, tranh chấp ngư trường giữa các ngư dân… nên chuyện thức xuyên đêm để làm thủ tục và giải quyết vụ việc cho bà con là chuyện hàng ngày của đơn vị.

Ðặc biệt, trong 2 vụ đưa người nhập cảnh trái phép mà Ðồn Biên phòng Sông Ðốc phát hiện vừa qua là thách thức, minh chứng cho tinh thần thép của những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm việc với thuyền trưởng và những người nhập cảnh. Vì trong điều kiện chưa xác định được có nhiễm Covid-19 hay không, trong khi họ nhập cảnh từ nước ngoài, nơi dịch đang bùng phát phức tạp vào địa bàn. Mặc dù khi làm nhiệm vụ có trang bị đồ bảo hộ chống dịch, nhưng số lượng người lên vài chục, trong khi số cán bộ chuyên môn trực tiếp làm việc khai thác, đấu tranh có hạn. "Không chỉ phải đảm bảo an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ, mà còn phải tuyệt đối an toàn cho Nhân dân trên địa bàn khi áp tải, đưa những người nhập cảnh lên bờ đi cách ly. Tất cả đều cố gắng nhưng vẫn hồi hộp, cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính của những người nhập cảnh trái phép lần 1, lần 2 và thời gian qua gần 1 tháng anh em thật sự mới thở phào nhẹ nhõm", Trung tá Phan Xuân Huyền, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Sông Ðốc, chia sẻ. 

Với tinh thần chống dịch như chống giặc, những ngày này, những người lính quân hàm xanh trên tuyến biên giới biển tỉnh Cà Mau tiếp tục căng mình thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biên giới biển, vừa ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, bảo vệ sức khoẻ cho Nhân dân./.

 

Anh Vy

Cập nhật các vấn đề thiết yếu trong bệnh lý tim mạch và siêu âm

Chiều 14/9, Phòng khám Đa khoa Thành Lợi phối hợp với Viện Tim mạch TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo cập nhật các vấn đề thiết yếu trong bệnh lý tim mạch và siêu âm.

Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững

Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ của mỗi con người, đặc biệt là trẻ em.

Ðiểm sáng công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình

Với sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền, thời gian qua, Phòng khám Ða khoa khu vực xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGÐ), tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng dân số ở địa phương.

Kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh trung thu tại TP Cà Mau

Sáng nay (5/9), theo kế hoạch đã đề ra, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2024 có buổi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên toàn địa bàn TP Cà Mau.

Nhóm đối tượng dễ mắc bệnh tim mạch

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, số người tử vong do tim mạch hơn cả tử vong do ung thư, COPD và đái tháo đường cộng lại. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong và xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Chọn lựa và bảo quản thực phẩm đúng cách

Thực phẩm luôn được xem là một trong những thứ thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của mọi gia đình. Khi mức sống người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về thực phẩm sạch, nhất là đối với những loại thực phẩm tươi sống càng cấp thiết hơn. Tuy nhiên, cách chọn lựa và bảo quản thực phẩm như thế nào vừa để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, vừa an toàn vệ sinh trong quá trình chế biến và sử dụng, đòi hỏi người tiêu dùng cần có những kỹ năng cơ bản.   

Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết trung thu 2024

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho mọi người, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết trung thu 2024. Nội dung chính của kế hoạch gồm công tác tuyên truyền và công tác kiểm tra.

Bệnh ung thư và gánh nặng tài chính

Ung thư không những là nỗi ám ảnh từ sự đau đớn về thể xác, tinh thần, tuổi thọ của người bệnh mà còn là gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình bệnh nhân. Bởi thực tế cho thấy, có rất nhiều loại thuốc đặc trị ung thư không nằm trong danh mục được thanh toán theo chế độ của bảo hiểm y tế hiện nay.

Không để lây lan dịch bệnh trong trường học

Hiện nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hoá và các bệnh dù có vắc xin phòng bệnh ở trẻ nhưng có thể quay trở lại. Ðể chủ động kiểm soát các loại dịch bệnh truyền nhiễm có thể lây lan trong trường học và bảo vệ sức khoẻ học sinh, trước khi bước vào năm học mới, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Cà Mau triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Nơi ánh đèn không bao giờ tắt

Đó là Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh, nơi các y, bác sĩ, thiết bị y tế luôn trong trạng thái sẵn sàng, tất cả vì cuộc đua giành lấy sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.