ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 6-7-25 02:27:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Niềm tin được khẳng định từ đại dịch - Bài 1: Quyết liệt và đồng lòng

Báo Cà Mau (CMO) Việt Nam đã có những thành công bước đầu trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, được nhiều nước lớn và cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận. Mặc dù chưa phải là nước có nền y tế phát triển, hiện đại, nhưng công tác chống dịch lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Hệ thống chống dịch được thiết lập, củng cố từ Trung ương đến địa phương; nhiều giải pháp phòng, chống được đưa ra từ rất sớm, được các địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt nhưng vẫn đảm bảo không xáo trộn quá mức hoạt động kinh tế, đời sống của doanh nghiệp, người dân. Thành công trên chứng minh sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước song hành với sức mạnh đoàn kết của Nhân dân khi đối mặt với thử thách.

Ngay thời điểm dịch bệnh mới bắt đầu, Cà Mau kịp thời thông tin đến người dân, đồng thời quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Không chỉ chỉ đạo bằng văn bản, triển khai các giải pháp cụ thể ở các cấp mà ngay khi phát hiện có biểu hiện lơ là, thiếu quyết liệt của cán bộ, tỉnh kiên quyết xử lý. Người dân rất đồng thuận với các giải pháp mà Cà Mau đưa ra, đồng thời tuân thủ tốt, đặc biệt đến giai đoạn giãn cách xã hội, mặc dù ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh tế nhưng mọi người vẫn chấp nhận để cùng cả hệ thống chính trị ngăn chặn, không để dịch bệnh xuất hiện tại địa phương.

Không lơ là

Điều mà nhiều nước và tổ chức trên thế giới công nhận hiệu quả của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là sự lãnh đạo hiệu quả, quyết liệt và xuyên suốt từ Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng cho đến các địa phương. Nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Cà Mau đã làm tốt nhiệm vụ của mình khi thực hiện triệt để, linh hoạt các giải pháp, chỉ thị của Chính phủ đề ra.

Cuối tháng 2, tại xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời có một người phụ nữ trở về từ vùng dịch của Hàn Quốc. Sau đó, chính quyền địa phương yêu cầu bà phải đi cách ly tập trung nhưng người này từ chối. Xã Phong Lạc loay hoay xử lý vấn đề mất mấy ngày nên người phụ nữ đã xuất cảnh trở lại Hàn Quốc. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo đình chỉ 3 cán bộ gồm: Chủ tịch UBND, Trưởng Công an và Trưởng trạm Y tế xã Phong Lạc để làm rõ trách nhiệm. UBND tỉnh Cà Mau xác định: “Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương thiếu kiên quyết, chưa nắm rõ quy định của pháp luật nên lúng túng, thiếu chặt chẽ để bà H rời khỏi địa phương”. Đáng nói là chỉ đạo này được đưa ra vào ngày thứ 7, ngay sau khi tổ công tác của tỉnh nắm rõ vụ việc và báo cáo tình hình. Đây là bài học để các địa phương nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tạo hiệu ứng tích cực.

Ngay sau vụ việc này, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước đã tiến hành họp khẩn trong ngày nghỉ cuối tuần để kiểm điểm trách nhiệm xã Hưng Mỹ vì sự chậm trễ trong phát hiện người về từ vùng có dịch. Trước đó, trong chuyến kiểm tra tình hình phòng, chống dịch Covid-19 ngày 12/2 tại huyện Năm Căn, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã nhắc nhở các địa phương việc “trên nóng dưới lạnh” trong triển khai các nhiệm vụ nói chung và công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (thứ hai từ trái sang) kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại huyện Cái Nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, việc phòng, chống dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh vào cuộc quyết liệt nên các địa phương cần nghiêm túc thực hiện và một lần nữa nhắc lại phương châm: “Quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời, bình tĩnh”: “Phải làm hết sức chặt chẽ, kịp thời. Nhưng không phải chỗ này, chỗ kia có ca nghi ngờ mà mình làm rối lên, làm hoang mang trong dân, ảnh hưởng hoạt động chung của xã hội. Bình tĩnh không có nghĩa là chậm chạp, không có nghĩa là rề rà. Dịch bệnh này không cho phép chúng ta chậm chạp, không cho phép mình sơ hở dẫn đến dịch bệnh lây lan, nguy hiểm. Các cấp, ngành, địa phương phải hết sức lưu ý phương châm này”.

Dân đồng lòng tham gia chống dịch

Khi các biện pháp phòng dịch ngày càng siết chặt, thậm chí phải thực hiện cách ly cộng đồng, người dân đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế nhưng họ vẫn chấp nhận. Thực hiện giải pháp cách ly xã hội, Cà Mau kịp thời hỗ trợ người nghèo, người yếu thế trong giai đoạn khó khăn, nhưng Chính phủ, tỉnh Cà Mau không hành động một mình. Các tầng lớp Nhân dân đã chung tay hành động “chống dịch như chống giặc” như lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Các cụ neo đơn sống trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau đã gom góp người vài trăm, người vài triệu đồng tiền tiết kiệm của mình để đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thiệt hại do hạn hán trên địa bàn tỉnh, tổng cộng 23 triệu đồng. Với hành động cao đẹp đó, các cụ được UBND tỉnh Cà Mau tặng bằng khen. Nhưng nếu biết rõ hơn về hoàn cảnh của các cụ, mọi người càng khâm phục cốt cách của các cụ.

Cụ Hai Tân (Nguyễn Thị Chao) năm nay đã 85 tuổi, mái tóc bạc phơ, dáng người nhỏ nhắn, bước đi từng bước khó nhọc ra sân ngoài của khu nhà ở Trung tâm Bảo trợ xã hội. Cán bộ trung tâm phải dìu khi cụ bước xuống bậc thang bởi căn bệnh thoái hoá đa khớp, thoát vị đĩa đệm làm những bước chân của cụ không còn vững. Cụ Hai Tân góp 5 triệu đồng ủng hộ, đó là số tiền dành dụm được qua nhiều năm tiết kiệm của mình.

“ATM gạo” đã giúp đỡ nhiều người hoàn cảnh khó khăn.

Năm 13 tuổi, cụ tham gia hoạt động giao liên. Toàn bộ thời gian của tuổi trẻ nhiệt huyết cụ đóng góp cho cách mạng. Chứng kiến cảnh quê hương biết bao thay đổi, giàu đẹp lên từng ngày, vừa qua “cuộc chiến quái ác mang tên dịch Covid-19 nổ ra”. Với cụ Hai Tân, cuộc chiến chống dịch này ác liệt không thua kém chống giặc ngày xưa, nên người phụ nữ 55 tuổi Đảng một lần nữa góp phần vào cuộc chiến này.

“Tôi làm không được gì nên đóng góp 5 triệu đồng. Với tôi số tiền này rất lớn, nhưng trong cuộc chiến này thì không đáng gì. Tôi đóng góp để chung tay đánh thắng cuộc chiến này”, cụ Hai Tân tâm sự.

Trong giai đoạn cách ly xã hội, từng tốp người đổ về trụ sở UBND Phường 8, họ xếp hàng với khoảng cách 2 m để đảm bảo giãn cách, hết sân họ xếp hàng kéo dài ra ngoài vỉa hè. Đây chính là nơi đặt cây “ATM gạo” đầu tiên trên địa bàn tỉnh Cà Mau để hỗ trợ những hộ gia đình gặp khó khăn trong dịch Covid-19. Cây “ATM gạo” này mỗi ngày cung cấp khoảng 2,5 tấn gạo cho hơn 1.200 lượt người. Với phương châm: “Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn thì nhường cho người khác”, rất nhiều người bán vé số, bán hàng rong, người bị thất nghiệp... được giúp đỡ. 

Ít ai biết rằng, “cây ATM gạo” đầu tiên tại Cà Mau ra đời từ sự trăn trở của một lãnh đạo phường khi làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch UBND Phường 8 Trần Quang Vinh là người ký quyết định xử phạt hàng loạt người dân không đeo khẩu trang khi ra đường. Chính ông nhiều lần kiến nghị xử phạt một số hàng quán trên địa bàn sai phạm trong thực hiện giãn cách xã hội và ông là người “xây nền” cho cây “ATM gạo”. 

“Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, không cho phép sai phạm. Nhưng thực tế khi làm thấy nhiều hộ trên địa bàn rất khó khăn. Tôi nghĩ cần phải làm gì đó và nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, kết quả là cây ATM gạo này được lập ra”, ông Trần Quang Vinh chia sẻ.

Ban đầu chỉ có 4 tấn gạo để cây ATM đi vào hoạt động. Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau, các nhà hảo tâm đóng góp thêm hơn 10 tấn gạo để đảm bảo “dòng gạo yêu thương” không ngừng chảy. Cứ thế, số người đóng góp ngày càng nhiều và cây “ATM gạo” tiếp tục tuôn chảy, qua đó toả rộng hơn vẻ đẹp sẻ chia giữa người với người trong thời điểm khó khăn./.

Đặng Duẩn - Trần Hiếu

Bài 2: Nỗ lực vượt khó

Nuôi cá bảy màu phòng bệnh sốt xuất huyết

Hằng năm, đến mùa mưa, muỗi vằn phát triển mạnh, nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát cao. Những năm qua, ngành y tế Cà Mau đẩy mạnh các giải pháp phòng bệnh, trong đó, mô hình nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao.

Mối đe doạ thầm lặng với trẻ nhỏ

Hút thuốc lá không chỉ là thói quen có hại với chính người hút thuốc mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Cà Mau tăng cường quản lý, phòng chống bệnh không lây nhiễm

Các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và gánh nặng y tế tại Việt Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng. Cần có bước tiến trong công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm để tạo nền tảng vững chắc hướng đến một cộng đồng khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Tập huấn sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”

Sáng nay (30/6), Sở Y tế Cà Mau phối hợp Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh, Trung tâm thông tin Y tế Quốc gia và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức tập huấn khám chữa bệnh từ xa, sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” dành cho cán bộ nòng cốt ngành y tế tỉnh Cà Mau. 

Viện Pasteur nâng cao năng lực xét nghiệm cho y tế tuyến tỉnh, huyện

Sáng 25/6, Viện Pasteur phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau tổ chức khóa tập huấn “Đánh giá nội bộ về quản lý chất lượng xét nghiệm y học”.

Triển khai rộng rãi dịch vụ xét nghiệm HIV Online

Sau hơn 3 năm triển khai mô hình xét nghiệm HIV Online thông qua website: “tuxetnghiem.vn” tại tỉnh Cà Mau, cho thấy sự tiện ích rõ rệt từ mô hình này. Hiện nay, ngành y tế tăng cường các hoạt động truyền thông để đưa dịch vụ thực hiện rộng rãi trong cộng đồng.

Vì đôi mắt trẻ thơ

Với mong muốn mang lại ánh sáng và sự tự tin cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn bị các bệnh về mắt, vừa qua, Bệnh viện Mắt - Da liễu tỉnh phối hợp cùng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, các chuyên gia đến từ TP Hồ Chí Minh và Quỹ Chăm sóc mắt Hà Lan (ECF) tổ chức đợt phẫu thuật mắt miễn phí cho hơn 60 trẻ dưới 15 tuổi mắc các bệnh lý lé mắt, sụp mi.

Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch từ hút thuốc lá

Ngày càng có nhiều bằng chứng về mối liên quan giữa hút thuốc lá và bệnh tim mạch. Để phòng bệnh tim mạch, một trong những biện pháp đơn giản là không sử dụng thuốc lá và sống trong môi trường không khói thuốc lá.

Tận tâm vì sức khoẻ Nhân dân

Phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành y tế, những năm qua, đội ngũ thầy thuốc trẻ tỉnh Cà Mau nỗ lực học tập, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao y đức. Qua đó, đã có những tấm gương sáng, điển hình tiên tiến vì sức khoẻ của người dân.

Vì môi trường không khói thuốc

Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hoá học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản của cả nam và nữ giới. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.