“Cho tới bây giờ, tôi chỉ biết chồng mình chết là do tai nạn giao thông (TNGT), còn nguyên nhân thế nào thì… chịu. Lâu nay công việc mưu sinh đều do ảnh lo liệu, nên khi ảnh đột ngột qua đời, cuộc sống hiện tại của mẹ con tôi không biết phải lo liệu ra sao. Đôi lúc nhìn con, nghĩ về tương lai bọn chúng mà thấy não lòng”, chị Phan Thị Tiên ngậm ngùi.
“Cho tới bây giờ, tôi chỉ biết chồng mình chết là do tai nạn giao thông (TNGT), còn nguyên nhân thế nào thì… chịu. Lâu nay công việc mưu sinh đều do ảnh lo liệu, nên khi ảnh đột ngột qua đời, cuộc sống hiện tại của mẹ con tôi không biết phải lo liệu ra sao. Đôi lúc nhìn con, nghĩ về tương lai bọn chúng mà thấy não lòng”, chị Phan Thị Tiên ngậm ngùi.
Cách đây hơn 12 năm, Nguyễn Hoàng Anh và Phan Thị Tiên (ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình) cưới nhau. Cũng như bao cặp vợ chồng trẻ, họ có nhiều ước vọng cho tương lai, nhất là khi đứa con gái đầu lòng chào đời, hạnh phúc gia đình anh chị càng nhân lên. Tuy nhiên, mọi toan tính của Anh và Tiên thay đổi hoàn toàn khi đứa con trai thứ 2 chào đời, chứng bệnh bại não của thằng bé buộc chị Tiên phải kề cận chăm sóc, công việc ruộng rẫy giao hết cho Hoàng Anh. Rồi làm ăn thất bát, lại phải tốn kém tiền bạc lo chạy chữa bệnh cho con, 2 công đất ruộng của gia đình phải bán đi. Người quen thương tình cho mượn miếng đất nhỏ, vợ chồng mới có nơi để nương tựa.
Từ nhiều năm nay, hằng ngày Hoàng Anh chạy xe ôm, thường thì chạy mối đưa khách đường dài vì ở ấp Phủ Thờ này ít có khách vãng lai, lúc nào không mối đi xe, Hoàng Anh nhận công việc làm thuê cho người dân địa phương. Vất vả là thế nhưng thu nhập cũng chỉ đủ 2 bữa cơm cho gia đình, tiền thuốc men cho thằng con trai phải vay mượn hàng xóm. Mong muốn tăng thu nhập để lo cho gia đình, gần đây Hoàng Anh thường nhận chở khách đi tuyến đường dài, tiền công nhiều hơn nên có khi Anh đi liên tục trong ngày và có lúc đến tối mịt mới về nhà.
Khoảng tháng 4/2015, buổi sáng trước khi đưa khách đi huyện Thới Bình, anh dặn vợ ở nhà chăm sóc con trai cẩn thận, lo cho con gái đi học đàng hoàng… nào ngờ, tối đó chị Tiên nhận được tin báo chồng chị đã tử vong do TNGT. “Lúc đó tay chân tôi như rụng rời, nhờ hàng xóm chở đến hiện trường thì thấy ảnh nằm chết. Bà con gần đó nói không biết ảnh bị tai nạn ra sao, khi phát hiện có người té nằm trên đường, người ta tìm thấy điện thoại nên họ lấy gọi về báo tin cho tôi”, chị Tiên thuật lại.
Hơn 8 tháng kể từ ngày Hoàng Anh qua đời, cuộc sống của mẹ con chị Tiên chủ yếu nhờ sự giúp đỡ khi thì bên ngoại, khi thì bên nội. Thằng con trai bị bệnh lúc nào cũng đòi ở bên mẹ nên chị không thể đi làm kiếm tiền. Tranh thủ lúc nó ngủ chị nhận giặt đồ, làm lặt vặt cho bà con hàng xóm, công việc này không thường xuyên nên thu nhập chẳng bao nhiêu.
Đốt 3 nén nhang cắm lên bàn thờ chồng, chị Tiên lẩm bẩm than trách số phận kém may mắn của mình: “Ảnh đi làm xa, đi đêm hôm cũng chỉ cố gắng kiếm tiền lo trị bệnh cho con, lo cho cuộc sống gia đình, nhưng rồi ảnh lại đi luôn! Tôi bây giờ không biết phải làm sao. Cha mẹ hai bên không phải khá giả lắm, lại ở cách xa và tuổi tác đã cao nên sự trợ giúp của người thân cũng có giới hạn. TNGT sao mà khủng khiếp quá!”.
Ông Trần Văn Liêm, công chức phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội xã Trí Lực, chạnh lòng: “TNGT đúng là vấn nạn xã hội, bởi hậu quả nó gây ra là khôn lường. Ở góc độ địa phương, chúng tôi cố gắng giúp đỡ chị Tiên trong khả năng có thể, song, “tay xách nách mang” mà thằng con trai lại bệnh bại não, thỉnh thoảng cũng cần hỗ trợ thuốc men, nhưng chị thì không thể rời con để lao động kiếm sống và đất đai sản xuất cũng không còn nên vấn đề tự lực cánh sinh đối với chị Tiên rất khó”
Mỹ Pha