(CMO) Khó phân biệt đâu là lộ, đâu là sông đang là thực trạng diễn ra tại các tuyến lộ giao thông nông thôn nội đồng ở khắp các xã vùng ngọt hoá của huyện Trần Văn Thời những ngày này. Mặc dù mấy ngày nay nắng đã lên nhưng cảnh tượng nước tràn bờ hay lộ ngập sâu cả mét vẫn còn hiện hữu. Bên cạnh những nỗi lo mùa màng thất bát, cuộc sống túng quẫn bủa vây, người dân thôn quê lại phải gánh chịu thêm nỗi lo bất an mỗi khi lưu thông trên những tuyến đường.
Chiếc xe máy cà tàng cùng nghề xe ôm là “cần câu” kiếm sống của ông Lý Minh Tùng (ấp Kinh Giữa, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) bấy lâu nay. Bởi vậy, dù hàng ngày phải thấp thỏm khi chạy xe chở khách vượt qua nhưng đoạn lộ ngập sâu nhưng ông Tùng cũng đành bấm bụng chịu. Ông Tùng than thở: “Chạy xe những đoạn lộ ngập thế này hồi hộp lắm, trơn trượt, có khi xe tắt máy, rồi khó phân biệt được mép lộ nữa. Mà không chạy không có tiền, hơn nữa, bà con quê mình muốn đi khám bệnh này kia, mình không chở cũng tội nghiệp người ta”.
Tiềm ẩn tai nạn cho người tham gia giao thông. |
Khổ cực nhất là các em học sinh THCS đang theo học tại các trường ở vùng nông thôn. Lộ ngập sâu, ngoài chuyện xắn quần tới đầu gối còn là nỗi lo sợ té sông, gặp nguy hiểm.
Em Đỗ Trúc Phương, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Khánh Hải, cho biết: “Lộ ngập sâu, đi học cực lắm. Chúng em còn sợ không may té xuống sông nữa”.
Mặc dù con đã học lớp 9, biết bơi kha khá, nhưng những ngày này, mấy tiếng con đến trường là bấy nhiêu thời gian chị Phạm Ngọc Diễm (ấp Kinh Giữa, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) đứng ngồi không yên. Chị Diễm bộc bạch: “Nhà bao công chuyện đồng áng nên không bỏ theo con được. Con đi học, lo sợ lắm, cho con lội bộ dò dẫm từng bước để đỡ an tâm hơn”.
Lộ ngập sâu, gây khó khăn cho học sinh đến trường. |
Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời Nguyễn Bích Loan cho biết: “Do ảnh hưởng của các cơn bão, mưa nhiều, mực nước trên sông dâng cao, nhiều tuyến lộ trên địa bàn xã ngập sâu. Để đảm bảo tính mạng cho người dân, nhất là các em học sinh, xã khẩn trương chỉ đạo ấp phối hợp với người dân, nơi có các đoạn lộ ngập nước treo biển cảnh báo, căng đường dây, cột mốc để bà con biết được giới hạn của lộ từ đâu đến đâu, để khi lưu thông chú ý. Bên cạnh đó, tuyên truyền các trường phổ biến đến phụ huynh học sinh thực hiện các giải pháp phòng, chống đuối nước, như treo băng rôn tuyên truyền, hướng dẫn học sinh không được đùa giỡn khi lưu thông trên các đoạn lộ ngập nước”./.
Ngọc Minh