(CMO) Quốc lộ 1, đoạn từ TP. Cà Mau tới huyện Ngọc Hiển có chiều dài gần 70 km, qua các huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Cà Mau. Trên đoạn này, các nhánh đường giao cắt với Quốc lộ 1 rất nhiều. Tuy nhiên, việc cắm biển cảnh báo cũng như vấn đề nâng cao ý thức khi lưu thông tại các điểm giao cắt này chưa thật sự tốt, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cao.
Địa phương phải gánh đường quốc lộ dài nhất trên đoạn này là huyện Cái Nước, với chiều dài trên 30 km, đi qua hơn một phần hai số xã trên địa bàn huyện. Trên tuyến có vô số tuyến đường rẽ, giao cắt với Quốc lộ 1, hầu hết là đường nhánh nhỏ, chưa được trang bị các biển cảnh báo cần thiết. Nhiều tuyến có đường nhánh ngay những khúc cua, khuất tầm nhìn người tham gia giao thông.
Cùng với đó là việc người lưu thông từ các ngả rẽ này ra quốc lộ chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của những điểm giao cắt. Họ cứ vô tư phóng xe nên tai nạn xảy ra khó tránh khỏi.
Điển hình như tuyến Lộ Gòn địa bàn thị trấn Cái Nước, thuộc địa bàn Khóm 2, thị trấn Cái Nước, được xem là điểm đen về tai nạn giao thông do giao cắt với đường quốc lộ. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra tại địa điểm này, có những vụ rất nghiêm trọng dẫn đến tử vong, nguyên nhân người lưu thông thiếu quan sát, phóng nhanh vượt ẩu. Trong đó, phải kể đến vụ tai nạn giữa 2 mô-tô, xảy ra vào ngày 20/4/2016, làm 2 người chết tại chỗ, 1 người bị thương nặng và cũng chết sau đó.iểm giao cắt đầu Lộ Gòn, đoạn giao cắt thuộc địa bàn ấp Tân Hoà, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước cũng thường xuyên xảy ra các vụ va chạm giao thông. Việc bố trí 2 ngả rẽ tại ngay khúc cua qua cống Nhà Phấn phần nào tạo nên sự nguy hiểm cho các địa điểm này.
Điểm đấu nối ra đường Quốc lộ 1 ngay đầu cống Nhà Phấn, thuộc địa bàn ấp Tân Hoà, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. |
Ông Nguyễn Thanh Dũng, người sống gần đường giao cắt này, cho biết: “Do lộ ở trong thấp, người chạy xe thường phải rồ ra lên dốc ra Quốc lộ 1. Nhưng do không quan sát kỹ, nếu có xe đỗ tới là va chạm ngay, ở đây lúc trước ngày nào cũng chứng kiến vài vụ. Bây giờ tình hình có giảm, người dân ra vô có ý thức hơn, nhưng đường Quốc lộ 1 các loại xe lưu thông với tốc độ cao. Khi ra cùng chiều với xe lưu thông còn đỡ, nếu ngược chiều lại nằm ngay cua quẹo, bị khuất tầm rất dễ xảy ra tai nạn”.
Trên thực tế, địa điểm này vẫn còn thiếu nhiều biển cảnh báo, hướng dẫn người dân lưu thông khi giao thông với đường cắt. Ông Ngô Minh Quyền, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phó Trưởng Ban An toàn giao thông (ATGT) huyện Cái Nước, cho biết, nhiều tuyến lộ nông thôn tại các xã đấu nối vào tuyến Quốc lộ 1 là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Một trong những nguyên nhân là do chưa cắm biển báo hết toàn bộ tuyến đường đấu nối này. Ban ATGT huyện đã kiến nghị với cấp trên đầu tư kinh phí để cắm biển báo tại các điểm giao cắt, đấu nối ra tuyến Quốc lộ 1. Ngoài ra, Ban ATGT huyện cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý giao thông thuỷ, bộ, đô thị huyện phối hợp với các xã, khảo sát thực tế các vị trí đấu nối này, để có bước tính toán cụ thể trình UBND huyện đầu tư xây các gờ giảm tốc tại các địa điểm giao. Chủ trương này cũng đã được lãnh đạo huyện đồng thuận”.
Theo báo cáo nhanh của Ban ATGT huyện Cái Nước, tính từ đầu năm đến nay, tình hình TNGT trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, nhất là trên tuyến Quốc lộ 1 đi qua địa bàn. Cụ thể, toàn huyện đã xảy ra 8 vụ tai nạn, làm chết tại chỗ 5 người, bị thương 14 người; va chạm giao thông đường bộ, xảy ra 4 vụ, làm bị thương 4 người. Đặc biệt, chỉ trong 2 ngày, 21 và 22/5, trên địa bàn xã Thạnh Phú xảy ra 2 vụ tai nạn nghiêm trọng, làm 2 người chết.
Không riêng huyện Cái Nước, các tuyến đường giao với Quốc lộ 1 vẫn đang là nỗi lo chung của nhiều huyện trên địa bàn tỉnh. Để hạn chế tai nạn tại các điểm đen, ngoài việc vào cuộc đầu tư của Nhà nước thì vấn đề nâng cao ý thức lưu thông của người dân khi ra vào các đường đấu nối này mới là vấn đề quan trọng./.
Song Khuê