Khi biết mình mắc bệnh K, phần lớn người bệnh đều khó chấp nhận được. Do đó, họ luôn cần có những người bạn, người thân trong gia đình biết lắng nghe để giải toả được những căn thẳng, lo âu.
Đã 3 năm trôi qua, ông N.Q.C, sinh năm 1959, ngụ ấp Chống Mỹ A, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn vẫn còn ưu tư mỗi khi nghĩ về chứng bệnh nan y mà ông mang trong người, căn bệnh K lưỡi (ung thư lưỡi).
Ông C tâm sự: “Nhiều khi tôi đã phải giả vờ vui cười để che đậy, kìm nén nỗi đau của căn bệnh đang hành hạ mình. Rồi có lúc tôi lại muốn bật khóc, nhưng lại phải cố mà cười. Vì tôi không muốn làm cho người thân, con cháu của mình thêm đau lòng…”.
Bệnh nhân K (bìa phải) sau thời gian thực hiện hoá và xạ trị, cơ thể có những phản ứng mệt mỏi, tâm lý lo âu, rất cần sự chia sẻ, động viên của bạn bè, người thân.
Cũng như ông N.Q.C, bà N.T.T, sinh năm 1958, ở xã Đông Thới, huyện Cái Nước, phát hiện bị ung thư tuyến giáp đã hơn 2 năm nay. Sau khi thăm khám và lấy mẫu sinh thiết để làm các xét nghiệm cận lâm sàng…, bác sĩ cho biết, khối u nơi tuyến giáp của bà hiện không thể phẫu thuật được. Tình trạng sức khoẻ của bà T không ổn định. Bà đã nhiều lần hoá trị, xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, nhưng bệnh tình đã bước vào giai đoạn cuối, nên phương pháp điều trị hiện nay chỉ là chăm sóc giảm nhẹ, nhằm kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Bà NTT cho biết: “Hằng ngày, tôi luôn bị các cơn đau nhức giày vò. Việc ăn uống cũng vô cùng khó khăn. Nhưng để cho con cái không phải lo buồn nhiều, mỗi ngày tôi vẫn dành nhiều thời gian chia sẻ, tâm sự cùng con cháu”.
Ung thư hiện nay vẫn là căn bệnh nan y, nhưng nếu được phát hiện vào giai đoạn sớm thì cơ hội kéo dài sự sống cho người bệnh cao hơn, thông qua các liệu pháp điều trị kết hợp tích cực như: phẫu thuật, hoá trị và xạ trị. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân ung thư khi được phát hiện đều ở vào giai đoạn muộn, nên các liệu pháp can thiệp của y học hiện đại thường không mang lại kết quả như mong muốn.
Nhiều người cho dù có cố tỏ ra lạc quan, thế nhưng trên thực tế các khối u đang ngày một lớn lên, di căn sang các tế bào khác và không ngừng tàn phá cơ thể của người bệnh một cách đau đớn. Bỗng chốc bao nhiêu dự định, ước mơ cho tương lai, sự nghiệp… bị đảo lộn và tan biến.
Thế nhưng, nếu người bệnh luôn có những suy nghĩ cực đoan thì khả năng hấp thu, chuyển hoá các loại thuốc đặc trị ung thư của cơ thể sẽ không có tác dụng tích cực nữa. Do đó, người bệnh phải có niềm tin vững chắc vào các kết quả đã được bác sĩ chẩn đoán và điều trị. Đồng thời, phải cố gắng sống lạc quan hơn.
Đối với người thân trong gia đình, khi biết người nhà bị ung thư, thay vì che giấu sự thật thì nên mạnh dạn trao đổi thẳng thắn với họ và tìm ra giải pháp điều trị hiệu quả. Bởi nếu càng che giấu, khi người bệnh biết được thì càng bị “sốc” tâm lý nhiều hơn và phản ứng tiêu cực đầu tiên của họ là từ chối mọi phương pháp điều trị, thậm chí có thể còn có những suy nghĩ cực đoan hơn.
Một bệnh nhân K đang được điều trị, chăm sóc giảm nhẹ tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau.
Bác sĩ Ngô Minh Phước, Trưởng Khoa phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC) Cà Mau, đưa ra lời khuyên: “Khi biết mình mắc bệnh K, phần lớn người bệnh đều khó chấp nhận được. Do đó, họ luôn cần có những người bạn, người thân trong gia đình biết lắng nghe để giải toả được những căn thẳng, lo âu. Tốt nhất là nên để cho họ luôn có được cơ hội bày tỏ hết những cảm xúc, tâm tư của mình. Lắng nghe, chia sẻ cũng chính là cách an ủi tâm lý, kéo dài sự sống và cơ hội chữa trị cho người bệnh”.
Vì thế, khi chăm sóc người bệnh K, mỗi người thân cần phải trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho họ.
Phương Vũ