(CMO) Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội liên tục lan truyền hình ảnh cô giáo mầm non ngược đãi, bạo hành với trẻ. Điều đó chẳng qua chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi dạy trẻ. Và có ai biết rằng, những “người mẹ thứ hai” ấy đang chất chứa và trăn trở như thế nào với cái “nghiệp” mình đang theo đuổi.
Xã hội ngày càng phát triển và mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con, kéo theo đó là nhu cầu chăm sóc và bảo vệ trẻ được các bậc phụ huynh đòi hỏi cao hơn. Theo ông Phạm Việt Bắc, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Trần Văn Thời, thì các trường mầm non đang gặp khó khăn rất lớn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Vì thế các cô giáo phải cố gắng hết sức mới chăm lo chu toàn cho trẻ, nên áp lực trong công việc không hề nhỏ.
Làm dâu trăm họ
Do đặc thù công việc của giáo viên mầm non là phải có khiếu múa hát, biết pha trò và chăm sóc trẻ… nên đã gây áp lực ngay từ lúc xin việc làm. Những ngày đầu làm quen với công việc, các cô phải có mặt từ sáng sớm để đón trẻ, tất bật chăm sóc cho hàng chục bé là điều không hề đơn giản. Nhọc nhằn từ sáng đến tối để trông trẻ và chịu nhiều áp lực từ công việc và phụ huynh nhưng nhận lại đồng lương bèo bọt khiến nhiều giáo viên có suy nghĩ bỏ nghề.
Đối với giáo viên trẻ lại công tác ở các điểm trường thuộc địa bàn thành phố thì áp lực ngày một tăng từ phía phụ huynh. Bởi hiện nay có rất nhiều “cậu ấm”, “cô chiêu” được người giúp việc chăm sóc kỹ lưỡng ở gia đình. Còn đến lớp, các cô cậu này phải hòa chung với hàng chục bé khác nên đôi khi xảy ra xô xát hoặc các cháu bé lười ăn dẫn đến không tăng cân… khiến giáo viên phải “vò đầu bứt tóc” để giải thích với phụ huynh và liên tục thay đổi phương pháp, cách thức nuôi dạy trẻ.
Cô Đặng Ngọc Chọn, giáo viên trường Mầm non Phổ Trí Nhân, Phường 6, TP. Cà Mau, tâm sự: “Lúc còn là học sinh, tôi luôn ao ước trở thành cô giáo mầm non. Một phần vì yêu trẻ, muốn được các bé vây quần trò chuyện, cùng trẻ chơi đùa, ca hát với các bé… Nhưng khi bước chân vào nghề mới thấu hiểu sự vất vả của công việc. Nhiều lúc bị phụ huynh hiểu lầm là mình đánh con họ, tôi rất buồn nhưng nhờ đồng nghiệp an ủi nên từ từ lấy lại tinh thần và tiếp tục gắn bó với công việc này”.
Cô Chọn cho biết thêm, mỗi ngày phải có mặt từ rất sớm để chuẩn bị các hoạt động cho ngày học mới như dọn dẹp phòng học, chuẩn bị bữa ăn sáng, rồi đón trẻ… Các cô tất bật từ sáng đến khi trời tắt nắng mới xong công việc.
Đôi khi phụ huynh vì công việc nên quên đón trẻ, các cô phải ở lại trông đến khi phụ huynh đón mới được về. Đối với những giáo viên chưa lập gia đình thì thư thả, chứ những người đã có gia đình thì khó khăn hơn nhiều. Vì các cô còn phải đi rước con, chăm sóc và chuẩn bị bữa cơm gia đình.
Điều mà các cô dạy trẻ luôn canh cánh bên lòng là vấn đề đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Từ việc chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ hoặc lúc các bé đột nhiên nóng, xỗ mũi… các cô đều phải theo dõi sát sao. Bên cạnh áp lực trông trẻ, các cô giáo còn phải “mớm” cho trẻ những kiến thức đầu đời. Vừa dạy các trẻ múa hát, kể chuyện, dỗ các cháu ngủ, làm vệ sinh… các cô còn phải dạy chữ cho các bé. Trong khi các bé còn quá nhỏ nên rất ham chơi và hiếu động nên việc dạy chữ cũng gặp không ít vất vả.
Cô Nguyễn Thanh Tuyết, giáo viên trường Tư thục mầm non Bi Bi, Phường 9, TP. Cà Mau chia sẻ: “Vì mục tiêu trường đặt ra là chăm sóc trẻ một cách toàn diện về thể chất và kiến thức nên đòi hỏi giáo viên phải liên tục cập nhật phương pháp giảng dạy mới. Xã hội càng phát triển, phụ huynh càng quan tâm việc nuôi dạy trẻ nên trường cần phải bồi dưỡng giáo viên nhiều hơn”.
Áp lực trở thành động lực
Đành rằng công việc nuôi trẻ vất vả và một số giáo viên mầm non bỏ nghề để rẽ sang hướng khác. Nhưng vẫn còn đó những “bông hoa” trụ vững và làm điểm sáng cho sự nghiệp giáo dục mầm non. Không phải là họ không bị áp lực mà họ đã biến những áp lực đó trở thành động lực để phấn đấu.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng trường Mầm non Phong Lạc, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời hướng dẫn các cháu sử dụng dụng cụ học tập do các cô tự làm lấy từ các loại phế liệu. |
Cô giáo Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng trường Mầm non Phong Lạc, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, gắn bó với nghề gõ đầu trẻ gần 20 năm trãi lòng: "Nhớ hồi chân ướt chân ráo vào nghề, tôi vô tình làm trầy da đứa bé lúc đang chơi đùa. Hoảng quá, tôi không biết làm sao nên gặp hiệu trưởng thông báo cho thầy biết. Sau đó, tôi cùng thầy đến nhà xin lỗi gia đình trẻ. Khi gặp chúng tôi, bà của bé hết sức ngạc nhiên vì bà không hề hay biết cháu mình có vết xước trên người. Hỏi ra mới biết, bé mồ côi cha mẹ, sinh sống với bà nên không được quan tâm nhiều. Sau đó, ngày nào tôi cũng thấy bé đi kiếm những lon mủ, vỏ chai. Cứ tưởng là cháu kiếm thêm tiền để đi học nhưng không ngờ đến ngày 20/11, bé tặng tôi cây kẹp tóc do chính tiền mà bé dành dụm. Ngay lúc đó, tim tôi như thắt lại vì thấy thương bé mà tự trách bản thân mình sao quá đỗi vô tình không giúp đỡ được gì cho học trò mình. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng và yêu nghề hơn nữa".
Các cháu mầm non trường Mầm non Phong Lạc, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời trong giờ học. |
Cũng là người có thâm niên trong nghề, mỗi ngày cô Đoàn Thị Cẩm Thu, Hiệu trưởng trường Mầm non Phổ Trí Nhân đều tiếp xúc với trẻ thơ, cùng hát, cùng chơi và cùng tư duy với trẻ nhỏ nên càng ngày trông cô càng trẻ ra. Cô Thu bộc bạch, khối lượng công việc và áp lực công việc ngày càng nhiều. Đôi lúc thấy mệt mỏi nhưng mỗi khi nhìn thấy nụ cười trong sáng và ánh mắt ngây ngô của trẻ đã xua tan đi mệt mỏi và cảm thấy yêu nghề hơn.
“Công việc này muốn gắn bó lâu dài đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn, yêu trẻ, có tâm với nghề. Bởi trẻ con là tờ giấy trắng, tinh khôi. Chúng ta hãy cùng nhau viết lên đó những điều tốt đẹp nhất. Bất kể nghề nào cũng vậy, chỉ cần cố gắng, tận tâm thì sẽ thành công”, cô Thu nhắn nhủ.
Trước thực trạng hiện nay, các cô giáo mầm non không mong mỏi gì hơn là nhận được sự cảm thông và chia sẻ từ phía phụ huynh để giảm bớt áp lực và cùng chung tay chăm sóc và bảo vệ trẻ một cách chu toàn nhất.
Phùng Ngọc Trầm