(CMO) Những tuần qua, hàng trăm hộ gia đình trồng thanh long, dưa hấu, chuối già… lao đao vì bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi các loại nông sản này không xuất bán được sang Trung Quốc.
Từ trước đến nay, nhiều loại nông sản đã phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc và đã để lại cho người nông dân rất nhiều bài học nhớ đời. Trên thực tế, thị trường Trung Quốc vẫn được coi là dễ tính, có thể thấy cách nhập và lựa chọn nông sản phù hợp cách thức sản xuất của nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, chính vì sự dễ dãi này đã khiến nông dân chậm cải tiến, nâng cao chất lượng nông sản để đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khác. Hàng hoá nếu không thể xuất sang Trung Quốc thì cũng đồng nghĩa việc nông sản Việt Nam khó có thể xuất khẩu sang một nước khác, nhất là những thị trường có những yêu cầu cao như Nhật Bản, Úc, châu Âu...
Bánh mì được thêm nguyên liệu thanh long tại TP Cà Mau. |
Để giải quyết được vấn đề thị trường, trước hết phải thay đổi tư duy của chính nhà nông và doanh nghiệp. Đây là việc làm khó nhưng khó không phải là không làm được. Thời gian đầu dịch Covid-19 làm thị trường Trung Quốc gần như đóng cửa và hạn chế giao thương qua đường tiểu ngạch đã để lại nhiều khó khăn cho bà con, vì các loại trái cây này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, gần đây, nhờ nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất nên đã mở rộng được thị trường tiêu thụ. Nông dân đã có nhiều ý tưởng dùng những nguyên liệu dội hàng sản xuất các mặt hàng thực phẩm, và một số đã chuyển sang trồng theo các tiêu chuẩn VietGAP, còn doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân, tổ chức sơ chế theo dây truyền khép kín nên đã đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất để xuất khẩu sang một số nước phát triển. Mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng nếu chúng ta có cách làm bài bản từ khâu sản xuất, chế biến đến thương mại thì nhiều loại nông sản khác hoàn toàn có thể xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Trước đó, thanh long rớt giá liên tục, chỉ còn 2-3 ngàn đồng/kg, cùng tình cảnh này, các nông sản như chuối già, dưa hấu… xuất bán sang thị trường Trung Quốc cũng phải hoạt động cầm chừng, hàng hoá tồn kho vì đối tác ngừng mua. Thì nay, các nông sản có giá ổn định trở lại từ 25-35 ngàn một phần do một số hành động giải cứu của các chủ doanh nghiệp hay người dân bằng cách chuyển đổi sản phẩm nông sản thành nguyên liệu sản xuất như bánh mì thanh long, bánh tráng dưa hấu, bánh rán sầu riêng…
Anh Trần Đăng Khoa là những người đi đầu trong phong trào làm bánh mì thanh long tại TP Cà Mau nhằm giải cứu trái thanh long ế ẩm do ảnh hưởng của Covid-19. Sau đó, anh còn chia sẻ các tiệm bánh nơi khác cùng tham gia giải cứu thanh long. Không ngờ, bánh mì thanh long Quách Tỉ (179, Nguyễn Tất Thành, Phường 8, TP Cà Mau) được bà con ủng hộ quá. Lò bánh mì của anh sản xuất ra nhiều loại bánh mì khác nhau. Loại bánh mì to, dài, giá trung bình từ 5-10 ngàn đồng/cái. Bánh mì thanh long có vị ngọt thanh của trái thanh long, anh cho biết sẽ tổ chức sản xuất liên tục đêm ngày để đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của người tiêu dùng. Anh cũng kêu gọi các lò bánh mì trong tỉnh mở ra làm bánh mì thanh long để giúp đỡ phần nào đầu ra cho trái thanh long trong tỉnh. Hy vọng bánh mì thanh long sẽ có thương hiệu, mở ra hướng đi mới góp phần tiêu thụ thanh long hàng dạt là những quả thanh long bé, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, ngay cả sau khi đại dịch đi qua.
Thị trường trong nước cũng còn khá nhiều tiềm năng. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát thì đây là dịp để doanh nghiệp, người nông dân nhìn nhận và đánh giá sát thực hơn về thị trường trong nước. Trước mắt, thay vì kêu gọi người dân giải cứu nông sản thì việc nên làm là tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn. Các kênh bán hàng qua mạng, giao hàng tận nhà cũng nên thực hiện với các hình thức đa dạng hơn, hấp dẫn hơn để tăng sức mua nông sản của người dân nhân lúc dịch bệnh. Cùng với sự cố gắng của nhà nông, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, nhất là ngành công thương chủ động thực hiện các giải pháp tìm kiếm thị trường, cung cấp những thông tin cần thiết về thị trường mới để người dân, các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động gửi sản phẩm chào hàng, giới thiệu đến các đối tác. Qua thực tế, nếu sản phẩm bảo đảm về kỹ thuật, an toàn cho người tiêu dùng thì sản lượng dù nhiều cũng không phải lo lắng đầu ra. Trong đó, khi sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường thế giới thì đó là cách để có thể tồn tại, phát triển lâu dài, ổn định. Vấn đề mấu chốt và mang tính lâu dài hiện nay là cần có sự nghiên cứu, lập và thực thi chiến lược đa dạng hoá thị trường và đối tác. Điều này nhằm hạn chế tối đa việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc hoặc một vài thị trường hay đối tác nào đó./.
Mỹ Mỹ