"Chính phủ sẽ đi đầu trong tiết kiệm công quỹ, có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ nhậm chức.
"Chính phủ sẽ đi đầu trong tiết kiệm công quỹ, có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ nhậm chức.
Chiều 26/7, Ban Kiểm phiếu công bố kết quả, có 485 trong tổng số 489 đại biểu tham gia bỏ phiếu đồng ý (chiếm tỷ lệ 98,18%) bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021.
Lễ tuyên thệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã diễn ra trang trọng tại Hội trường Diên Hồng, toà nhà Quốc hội, ngay sau đó. Một tay đặt lên quyển Hiến pháp màu đỏ, tay còn lại giơ cao, lòng bàn tay hướng về phía đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, tôi Thủ tướng nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực công tác tốt để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận lời tuyên thệ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Nguyễn Xuân Phúc tái đắc cử Thủ tướng Chính phủ |
Phát biểu nhậm chức ngay sau lễ tuyên thệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, đất nước đang đứng trước nhiều vận hội phát triển nhưng cũng gặp không ít thách thức, nên cần tranh thủ nội lực và phát huy nội lực để phát triển kinh tế. Phát triển tốc độ cao hơn là yêu cầu cấp bách để đối phó với nguy cơ "chưa giàu đã già" khi giai đoạn dân số vàng sẽ kết thúc vào 10 năm tới.
"Chính phủ sẽ đi đầu trong tiết kiệm công quỹ, có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân", ông nói.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng nhắc đến sự kiện Formosa và cho đây là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận, quản lý các dự án đầu tư nước ngoài. "Chúng ta quyết không để tái diễn", ông Phúc nhấn mạnh.
* Sáng 26/7, tại Nhà Quốc hội, với 462/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,52% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội khoá XIV đã nhất trí thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ có 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ, cơ bản giữ nguyên như nhiệm kỳ khoá trước.
Cơ bản nhất trí với Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo của Chính phủ về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, bằng hệ thống biểu quyết điện tử, đã có 462/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,52% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu không tán thành là 6, bằng 1,21%; không biểu quyết là 1, bằng 0,20%.
Như vậy, theo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021 sẽ gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ. 18 Bộ gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.
4 cơ quan ngang Bộ gồm: Uỷ ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Theo Vnexpress,net