ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 24-11-24 02:53:05
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phân bổ dự toán thu ngân sách sát thực tế

Báo Cà Mau (CMO) “Ðánh giá đúng thực tế khả năng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 để làm cơ sở xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2023 tích cực, sát thực tế phát sinh. Tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn theo quy định pháp luật thuế, phí, lệ phí, thu khác NSNN hiện hành và các văn bản pháp luật về thuế”, ông Nguyễn Văn Bé, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh đặt ra yêu cầu về xây dựng dự toán và phân bổ thu NSNN tỉnh năm 2023.

Tình hình sản xuất kinh doanh có tác động lớn đến các nguồn thu thực tế phát sinh trên địa bàn.

Theo đó, tính toán, lượng hoá số thu NSNN từ việc thực hiện các giải pháp thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, chống gian lận thương mại, quản lý giá tính thuế, kiểm tra, giám sát hoàn thuế GTGT, chống thất thu đối với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số… theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. Ðồng thời, dự kiến đầy đủ nguồn thu do thực hiện kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, thanh tra và các cơ quan chức năng.

Sau khi đánh giá nguồn thu, căn cứ dự báo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã cùng Cục Thuế thảo luận với Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính về đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu NSNN năm 2022, xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2023-2025. Kết quả, lãnh đạo Bộ Tài chính và lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất kết luận: Dự toán thu NSNN năm 2023 toàn tỉnh là 4.721 tỷ đồng, bằng 108,9% so ước thu năm 2022. Trong đó, tổng thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, cổ tức và lợi nhuận còn lại là 2.731 tỷ đồng, bằng 112,1% so với ước thu năm 2022.

Với kết quả đó, ngành thuế đã lập phương án phân bổ dự toán năm 2023 cho các địa phương. Ông Nguyễn Văn Bé cho biết: “Ðể có cơ sở trình UBND tỉnh giao dự toán thu NSNN năm 2023 cho các huyện, thành phố sát với nguồn thu thực tế phát sinh, đảm bảo mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngay từ tháng 9, Cục Thuế đã thông báo số dự kiến phân bổ dự toán thu ngân sách năm 2023 gửi các chi cục thuế để rà soát, phân tích, đánh giá khả năng thu năm 2022 và xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023. Kết quả, hầu hết các huyện, thành phố đều thống nhất với số dự kiến phân bổ dự toán năm 2023 của Cục Thuế”.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, phân bổ dự toán đảm bảo trên nguyên tắc đó là, đối với nguồn thu do cấp tỉnh quản lý thì phân bổ bằng dự toán Bộ Tài chính giao, như: thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương, doanh nghiệp Nhà nước địa phương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thuế bảo vệ môi trường, xổ số kiến thiết, thu tiền thuê đất, thu cổ tức lợi nhuận còn lại, thu cấp quyền khai thác tài nguyên. Ðối với nguồn thu do cấp huyện, thành phố quản lý thu thì phân bổ bằng dự toán Bộ Tài chính giao như: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi, công sản.

Ðối với nguồn thu do cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố quản lý thì phân bổ theo nguồn thu thực tế phát sinh của huyện, thành phố; sau khi phân bổ cho các huyện, thành phố, số dự toán còn lại sẽ giao cho cấp tỉnh quản lý như: khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân, phí lệ phí và thu khác ngân sách.

Tuy nhiên, đối với các huyện, thành phố, lấy kết quả ước thực hiện năm 2022 để làm cơ sở phân bổ; tính đến các yếu tố ảnh hưởng chính sách tác động đến kết quả thu năm 2022, tiếp tục tác động đến năm 2023 và loại trừ những khoản thu lớn mang tính đột biến. Riêng đối với nguồn thu tiền sử dụng đất, UBND các huyện, thành phố rà soát, đánh giá sát số thu thực tế phát sinh năm 2022 và tự xác định số dự toán năm 2023 của đơn vị.

Cụ thể, dự toán năm 2023 phân bổ cho cấp tỉnh quản lý là 3.702 tỷ đồng, tăng 10,5% so ước thu năm 2022. Dự toán phân bổ cho cấp huyện, thành phố là 1.019 tỷ đồng, tăng 4,7% so ước thu năm 2022. Trong đó, cao nhất là TP Cà Mau, với 505 tỷ đồng; huyện Trần Văn Thời 117 tỷ đồng; huyện Ðầm Dơi 86 tỷ đồng; huyện Thới Bình 72 tỷ đồng; huyện Cái Nước 63 tỷ đồng; huyện U Minh 60 tỷ đồng; huyện Năm Căn và Phú Tân cùng được giao dự toán 44 tỷ đồng. Thấp nhất là huyện Ngọc Hiển, với 28 tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đều được giao dự toán tăng bình quân từ 2,6-5% so với ước thu năm 2022.

“Dự toán thu NSNN năm 2023 được xây dựng đảm bảo tính tích cực, sát với nguồn thu thực tế phát sinh trên địa bàn huyện, thành phố, tính đến các yếu tố giãn, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sau dịch Covid-19. Do vậy, với dự toán được giao cùng với sự phân bổ hợp lý, kỳ vọng năm 2023 ngành thuế cùng các địa phương hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao”, ông Nguyễn Văn Bé kỳ vọng./.

 

Hồng Nhung