Nguyễn Hoàng Yến, sinh viên Trường Đại học Bình Dương - Cà Mau, đạt danh hiệu "Sinh viên năm tốt" cấp tỉnh năm 2014.
Trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc ta, phụ nữ đã có những đóng góp vô cùng quan trọng. Bước vào giai đoạn hội nhập, trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hoá đất nước (CNH-HÐH), phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Cà Mau nói riêng không ngừng phát huy vai trò của mình, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã hội.
Phụ nữ Cà Mau chiếm hơn 50% lực lượng lao động, đây là lực lượng quan trọng tham gia vào quá trình tái cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Ðồng thời, đây là lực lượng tích cực tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của địa phương.
Phụ nữ Cà Mau có nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |
Ở lĩnh vực chế biến thuỷ sản, phụ nữ chiếm hơn 80% lực lượng lao động, là nguồn lực quyết định tạo ra giá trị, sản phẩm hàng hoá góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 1 tỷ USD, chiếm trên 97% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mỗi năm có trên 1.000 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực văn hoá, xã hội được đánh giá cao, chiếm gần 50% tổng số sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài có tính ứng dụng cao, hỗ trợ khá tốt cho công tác chuyên môn. Ðặc biệt, thực hiện cuộc vận động xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh với các mô hình cụ thể đã thu hút 138.602 hộ đăng ký thực hiện 8 tiêu chí xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, đạt 82,69%.
Chị Phạm Hồng Nhân, Chủ tịch Hội LHPN Cà Mau, cho rằng, bước vào thời kỳ hội nhập, với đức tính cần cù, chịu khó, tôn trọng kỷ luật, có nguyên tắc vẫn chưa đủ đáp ứng tốt mà các chị em còn phải rèn luyện ý chí, bản lĩnh, năng động, sáng tạo trong giải quyết công việc hằng ngày. Người phụ nữ cần sống đẹp, sống tốt, có lòng nhân hậu, quan tâm không chỉ đến lợi ích cá nhân mà cả lợi ích của xã hội. Những chuẩn mực đạo đức đó phản ánh tính nhân văn sâu sắc của truyền thống phụ nữ Việt Nam và là những phẩm chất mới của phụ nữ ngày nay: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Ðảm đang”.
Qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua yêu nước (2010-2015), hội phụ nữ các cấp bình xét tuyên dương, khen thưởng trên 1.376 lượt tập thể và 3.240 lượt cá nhân. Trong đó, có 50 chị nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; 2 chị được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 120 chị được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. |
Ðể có thể khẳng định và phát huy vai trò của mình, chị em phụ nữ cần ý thức được đầy đủ vai trò về giới, từ đó nắm bắt được những cơ hội cũng như thách thức đối với người phụ nữ trong xã hội mới. Nỗ lực nhiều hơn trong việc trau dồi, tích luỹ tri thức cũng như vốn sống, vốn văn hoá. Có tri thức, chị em sẽ bản lĩnh, tự tin hơn và có nhiều cơ hội lựa chọn hơn trong cuộc sống. Tình yêu quê hương đất nước, lý tưởng sống cao đẹp cùng với sự gắn bó gia đình, dòng họ luôn là động lực, sức mạnh giúp người phụ nữ vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cũng như thiên chức trong gia đình.
Ðồng thời việc tạo cho mình ý thức độc lập trong suy nghĩ và cầu tiến; hành động tự tin, sáng tạo, biết hoạch định kế hoạch, biết đối mặt với áp lực công việc và không quên chăm sóc bản thân cũng là những đức tính cần thiết mà người phụ nữ hiện đại cần phải có./.
Bài và ảnh: Thanh Phương