(CMO) Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ là thực hiện phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong đó phải lấy con người làm trung tâm, sự phát triển là để phục vụ người dân. Tỉnh Cà Mau thời gian qua đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để thực hiện hiệu quả nghị quyết này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
“Mùa xuân” trở lại trên vùng ngọt
Mùa mưa bão hàng năm, đường bờ biển của tỉnh hứng chịu xâm thực nặng nề. Không chỉ rừng phòng hộ bị sóng biển cuốn trôi mà nhiều đoạn đê biển Tây của Cà Mau cũng đặt trong tình trạng báo động. Vào tháng 8/2019, cơn triều cường kỷ lục kèm theo sóng lớn tràn qua mặt đê đã uy hiếp những mảnh ruộng, bờ rau và làm người dân địa phương một phen kinh hồn.
Cũng trong mùa khô năm 2019-2020, hạn hán kỷ lục làm người dân sống trong đê phòng hộ, thuộc vùng ngọt hoá của địa phương này lao đao. Không chỉ hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu bị giảm năng suất, mất trắng mà hơn 1.000 vụ sụt lún, sạt lở đất đã làm nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt. Nó khốc liệt đến mức xã đảo Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) có đến 3 con đường ô-tô có thể về trung tâm nhưng bị sụt lún hết và bỗng trở thành “xã ốc đảo”.
Mùa hạn hán 2019-2020 đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho tỉnh Cà Mau. |
Thời tiết khắc nghiệt trong mùa khô 2019-2020 đã làm mặn xâm nhập sâu, vụ lúa tiếp theo của người dân xuống giống có phần khó khăn hơn. Nhưng khó khăn này chưa qua, người dân nơi đây lại tiếp tục phải hứng chịu đợt ngập lụt cũng là kỷ lục. Khoảng 21.000 ha lúa, hoa màu của người dân huyện Trần Văn Thời, U Minh... đã bị thiệt hại do ngập úng.
Triều cường kỷ lục, hạn hán kỷ lục rồi đến ngập lụt kỷ lục là những minh chứng rõ ràng nhất cho tác động bất thường của khí hậu. Vấn đề này đã đặt ra cho tỉnh Cà Mau bài toán “thích ứng BĐKH” như Nghị quyết 120 của Chính phủ đã đưa ra.
Nếu như trong mùa khô năm trước, thời điểm này kênh mương nội đồng vùng ngọt Cà Mau đã cạn khô đáy thì năm nay mực nước còn rất cao. Vụ lúa đông xuân bị thất bát năm ngoái, năm nay đạt năng suất cao. Toàn tỉnh Cà Mau cũng chưa ghi nhận vụ sụt lún đất nào, trong khi cùng kỳ đã xảy ra hàng trăm vụ.
Kết quả đó đến từ sự chủ động của các cấp, ngành chức năng và người dân địa phương. Toàn bộ hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt đã được cơ quan chức năng địa phương gia cố và đóng từ rất sớm để đảm bảo trữ ngọt. Người dân được khuyến cáo và chủ động giữ nước khi đã rút kinh nghiệm từ vụ mùa cùng kỳ.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Tô Quốc Nam cho biết, đây là giải pháp tạm thời, hiệu quả tuỳ theo từng năm. Năm nào lượng mưa ít, thiếu nước sản xuất, sụt lún đất vẫn có thể xảy ra. Ðể đảm bảo “phát triển bền vững thích ứng với BĐKH”, vùng ngọt của tỉnh Cà Mau cần chủ động được nước ngọt, thay vì bị động như hiện nay.
“Hiện Bộ NN&PTNT đang đầu tư hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé. Tỉnh cũng mong muốn khi khép kín hệ thống cống này, có phương án dẫn nước ngọt từ Sông Hậu về địa phương. Với phương án này sẽ bảo vệ được hơn 120.000 ha đất sản xuất của bà con vùng ngọt, trong đó có cả rừng U Minh Hạ. Việc hỗ trợ nước ngọt cho nuôi thuỷ sản cũng thuận lợi hơn”, ông Nam nói.
Người dân vùng ngọt hoá tỉnh Cà Mau năm nay không chỉ trúng vụ lúa mà được cả vụ màu. |
“Thuận thiên” để phát triển
Vào khoảng năm 2013-2015, cứ đến vụ mùa thu hoạch, người dân ở vùng nguyên liệu mía của tỉnh Cà Mau (thuộc huyện Thới Bình) thấp thỏm lo lỗ. Không chỉ vậy, có thời điểm thương lái còn không thu mua mía nguyên liệu. Một số hộ dân đã đốt bỏ ruộng mía, đưa nước mặn vào làm mô hình lúa - tôm. Những hộ dân này làm trái chủ trương, nhưng nhìn bà con cách đó không xa mỗi tháng thu nhập cả chục triệu đồng từ con tôm thì tại sao họ cứ phải trồng mía mà chịu lỗ như vậy? Ðó là câu hỏi bà con đặt ra cho mình, cho cơ quan chức năng và đã tự làm liều để tìm hướng vươn lên.
Một lãnh đạo địa phương đã từng thổ lộ với chúng tôi rằng, chưa có chủ trương cho chuyển đổi, để người dân làm là sai. Nhưng nhìn thực tế, chuyển đổi là tất yếu nên “chúng tôi cũng mắt nhắm mắt mở cho qua”. Tỉnh Cà Mau từng quy hoạch khoảng 7.000 ha đất trồng mía, tập trung chủ yếu tại huyện Thới Bình. Nhưng hiện nay, tại vùng “rốn mía” của huyện thuộc các xã: Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch..., đi đâu cũng nghe người dân nhắc chuyện “làm sao trồng lúa hiệu quả để còn nuôi con tôm thành công”. Có một thực tế, diện tích mía gần như đã bị xoá sổ, thay vào đó là những vuông tôm, vườn màu và ven theo các tuyến đường giao thông những ngôi nhà tường khang trang mọc lên ngày càng nhiều.
Cú hích để có sự đổi thay như đã nêu đến từ Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng BĐKH. Tỉnh Cà Mau nắm rõ tinh thần chỉ đạo của nghị quyết này là “thuận thiên”. Vì vậy, tại vùng nguyên liệu mía vốn đã bị đan xen bởi mô hình lúa - tôm và nằm gần vùng mặn, tỉnh đã quyết định cho thực hiện chuyển đổi. Huyện Thới Bình không còn cơ cấu cây mía là 1 trong 2 cây trồng chủ lực nữa và khuyến khích người dân áp dụng mô hình lúa - tôm để phát triển bền vững hơn.
Ðặc biệt, để “con người làm trung tâm, sự phát triển là để phục vụ người dân” đúng tinh thần của nghị quyết, cơ quan chức năng địa phương đã hỗ trợ người dân phát triển kinh tế tập thể và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm đạt hiệu quả cao hơn. Người dân huyện Thới Bình đã và đang trồng lúa hữu cơ để xuất khẩu sang EU, Mỹ, Nhật. Con tôm bà con nuôi không chỉ đạt chuẩn VietGAP mà còn đạt các tiêu chuẩn cao nhất là ASC, GlobalGAP.
Trước đây, mô hình lúa - tôm giúp người dân Cà Mau có lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/năm thì nay ước đạt 60 - 70 triệu đồng/ha/năm. Ðối với những hộ dân làm ăn bài bản như HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực (xã Trí Lực), lợi nhuận còn cao hơn nhiều. Ðặc biệt, bà con canh tác không chỉ lấy lợi nhuận là tuyệt đối mà còn hướng đến bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
“Ban đầu làm lúa hữu cơ bà con cũng gặp bỡ ngỡ, nhưng sau đó dần hiểu được vấn đề. Canh tác lúa hữu cơ lợi nhuận cao hơn và có môi trường sạch để nuôi tôm hiệu quả. Tóm lại, làm lúa - tôm hữu cơ sẽ tạo ra lúa sạch, tôm sạch. Vừa lời nhiều, vừa bảo vệ sức khoẻ người dùng”, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực, ông Lê Văn Mưa cho biết.
Cần “cú hích” hạ tầng
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: "Khó khăn cơ bản nhất trong thực hiện Nghị quyết 120 đối với Cà Mau là tác động của BĐKH ngày càng nặng nề. Tình trạng sạt lở, sụt lún ven sông, ven biển trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp với tần suất và mức độ thiệt hại ngày càng tăng. Ngoài ra, cũng như đa số các tỉnh trong vùng ÐBSCL, Cà Mau rất “khát” hạ tầng để phát triển. Không chỉ là hệ thống đường giao thông mà hệ thống thuỷ lợi cũng chưa hoàn thiện khiến các vùng ngọt hoá của tỉnh có nguy cơ bị xâm nhập mặn. Nắng hạn kéo dài khiến hơn 20.000 hộ dân thiếu nước sản xuất, sinh hoạt. Mặc dù đã được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ, đầu tư khắc phục nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Ðể Cà Mau nói riêng, các tỉnh trong vùng nói chung “phát triển bền vững thích ứng BĐKH” như tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, ông Lê Văn Sử cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu ứng phó với BĐKH. Trong đó có việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu. Ðặc biệt, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi cho vùng.
“Cà Mau cũng như các tỉnh trong vùng ÐBSCL, để triển khai nghị quyết có hiệu quả, cần tập trung phát triển hạ tầng. Hệ thống đường thuỷ, đường bộ và đường biển của vùng thiếu, yếu và chưa kết nối với nhau. Hệ thống thuỷ lợi của vùng đang bất cập, sự phối hợp điều tiết thuỷ lợi của vùng chưa chặt chẽ. Mâu thuẫn trong sản xuất giữa các vùng đang xảy ra, để giải quyết vấn đề này cần phân ranh cụ thể các vùng sinh thái. Do đó, cần quy hoạch hệ thống thuỷ lợi phân ranh thành 3 vùng: mặn, lợ và ngọt. Cũng phải đầu tư kịp thời cho quy hoạch này”, ông Sử nêu rõ./.
Khánh Hưng