(CMO) Sáng 20/8, Phát biểu khai mạc Hội nghị Hội nghị trực tuyến "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi nền kinh tế, là cơ sở của giá trị hàng hoá do đó thị trường lao động đóng vai trò hết sức quan trọng. Nước ta rất chú trọng phát triển thị trường lao động, xem đây là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn, Hội nghị sẽ trưng cầu ý kiến của các bộ, ngành, tập đoàn trong và ngoài nước nhằm tạo hành lang tốt hơn cho thị trường lao động Việt Nam thời gian tới. |
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đại dịch Covid-19, với những diễn biến phức tạp, khó lường, đã và đang tác động mạnh, ảnh hưởng đến tình hình lao động, việc làm và thu nhập, đời sống của người lao động.
Trong bối cảnh đó, nhằm hỗ trợ người dân, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm góp phần hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động ổn định và duy trì sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội. Các chính sách đã kịp thời, nhanh chóng, cơ bản hỗ trợ người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương và chịu tác động mạnh mẽ.
Nhiều chính sách được có tỷ lệ giải ngân nhanh, được xã hội đánh giá cao như chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp,… Từ năm 2021 đến nay, thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động với tổng kinh phí hơn 82.000 tỷ đồng cho gần 728.500 lượt người sử dụng lao động, trên 49,7 triệu lượt người lao động.
Thị trường lao động Việt Nam trong 7 tháng năm 2022 vẫn còn bị tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng mức độ đã giảm đi rất nhiều. Hiện nay, thị trường lao động đang phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện.
Lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 51,4 triệu người, tăng 400.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,3%, tăng 0,6% với quý IV năm 2021, cho thấy khi dịch bệnh được kiểm soát, người lao động đã dần trở lại tham gia thị trường lao động.
"Lao động có việc làm 6 tháng đầu năm là 50,288 triệu người, tăng 417.000 người so với cùng kỳ năm trước, cho thấy tín hiệu phục hồi nhanh của thị trường lao động sau đại dịch Covid-19. Số lao động có việc làm tăng nhiều nhất là ở khu vực thành thị, tăng 762.000 người", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Mặt khác, ngành lao động cũng thống kê được thu nhập bình quân của lao động 6 tháng đầu năm là 6,5 triệu đồng, tăng 326.000 đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,43 lần khu vực nông thôn (8 triệu so với 5,6 triệu đồng).
Chất lượng lao lao động Việt Nam có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng, tỷ lệ lao động động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ đạt cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (36,96%), tiếp đến là vùng vùng Đông Nam Bộ (28,34%), vùng Trung du và miền núi phía Bắc (25,99%), vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (25,75%); thấp nhất là 2 vùng Tây Nguyên (16,51%) và vùng ĐBSCL (14,61%).
Lao động Cà Mau thời gian qua được tiếp cận thị trường cung - cầu việc làm tại địa phương, trong nước và nước ngoài rất hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống, thu nhập. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, trình độ tay nghề, kỹ năng của lực lượng lao động còn hạn chế, đặc biệt thiếu kỹ năng mềm. Việt Nam hiện thiếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, chuyên gia và quản lý doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế động lực, trọng điểm. Đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ còn thiếu và yếu. Những hạn chế này đã cản trở sự đóng góp của nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Đặc biệt, trình độ lao động thấp thì sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề, công đoạn có giá trị gia tăng cao để tăng năng suất lao động và bắt kịp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp.
Trước tình hình đó, việc đổi mới cơ cấu, liên kết hợp tác trong đào tạo là đòi hỏi cấp bách để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; tăng nhanh quy mô tuyển sinh đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài nói riêng và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nói chung, góp phần hỗ trợ phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt và hội nhập là hết sức cần thiết.
Việt Nam đang thực hiện các giải pháp nhắm hướng đến giải phóng sức lao động, phát huy tối đa tiềm năng nguồn nhân lực, tạo cơ hội để người lao động có việc làm và được làm việc trong môi trường an toàn, bảo đảm thu nhập./.
Phong Phú