(CMO) Trong buổi sáng ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ Bảy HĐND tỉnh Cà Mau khóa IX, các đại biểu tập trung vào nội dung thảo luận tại hội trường về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong kỳ họp.
Ông Hồ Xuân Việt cho rằng, thất thoát lúa sau thu hoạch năm nay ước tính trên 25 tỷ đồng.
Mở đầu phiên thảo luận sáng nay, 6/12, đại biểu Hồ Xuân Việt, đơn vị huyện Thời Bình, cho rằng Cà Mau là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế thủy sản. Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cần được khắc phục. Tiêu biểu là giá thành đầu ra, năng lực chế biến lúa gạo còn hạn chế (chỉ có hai nhà máy), tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch (lúa) còn trên 10%.
Ông Hồ Xuân Việt tính toán, vụ lúa năm 2017, toàn tỉnh đã thất thoát do thu hoạch trên 25 tỷ đồng. Cơ giới hóa kém nên khiến giá thành lao động cao. Do đó, cần quan tâm tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong dân về liên kết chuỗi để giảm chi phí sản xuất mà đơn vị đầu mối chính là cơ quan nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Minh Đương, đơn vị Thới Bình nêu vấn đề mà nhiều bà con đang bức xúc là nước ngọt phục vụ vùng nông thôn. Mặc dù hiện nay tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên 90%, nhưng 10% còn lại, tức là vẫn còn hơn 23.000 hộ dân ở nông thôn đang sử dụng nước chưa hợp vệ sinh. Đây là con số rất đang quan tâm. Nhiều hộ nghèo hiện phải sử dụng nước kinh rạch và vào mùa khô phải đi mua nước với giá khá cao, khiến đời sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Do đó, các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa vấn đề này, nhất là hiện đang bước vào mùa khô.
Cùng chung sự quan tâm đến đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đại biểu Phạm Phúc Giang, đơn vị huyện Cái Nước nhận định, trong đề án đã chọn 5 ngành hàng chủ lực, nhưng đã qua hơn 2 năm đã bộc lộ nhiều vấn đề chưa phù hợp. Tiêu biểu như ngành hàng chuối, hiện chưa phát triển được do khó cạnh tranh với các tỉnh khác và cả trên thế giới. Do đó nên xem xét, cân nhắc lựa chọn ngành hàng khác thay thế.
Ông Phạm Phúc Giang cho rằng, mặc dù nuôi tôm là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng việc triển khai nuôi thâm canh, siêu thâm canh vẫn còn tự phát, nhỏ lẻ.
Đối với nuôi tôm, hiện toàn tỉnh đã có hơn 10.000 ha nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Qua đánh giá, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đạt hiệu quả hơn 85% và đây được xem là mô hình mang lại năng suất và hiệu quả cho nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, trong thực tế, kể từ khi bắt đầu phát triển năm 2016 đến nay, nó vẫn là nhỏ lẻ, theo hộ gia đình chứ chưa có điểm nuôi tập trung quy mô lớn. Từ đó xảy ra nhiều vấn đề cần được quan tâm như môi trường, điện, vốn...
Đại biểu Phạm Phúc Giang cho rằng, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của cơ quan nhà nước đối với nông dân, nhất là điện phục vụ sản xuất; tăng cường các giải pháp để quản lý chất lượng và giá thành vật tư đầu vào phục vụ nghề nuôi tôm.
Đại biểu Vũ Hồng Như Yến, đơn vị TP. Cà Mau lại quan tâm đến việc thu ngân sách và tạo việc làm, chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh và môi trường. Theo đại biểu Yến, hiện thu ngân sách chưa đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, một số nguồn thu lớn chưa đạt mục tiêu. Trong năm 2018 đã giải quyết việc làm 38.769 người. Tuy nhiên, con số này chủ yếu là giải quyết lao động ngoài tỉnh, muốn tăng thu ngân sách cần quan tâm giải quyết việc làm trong tỉnh.
Giải trình các vấn đề mà các đại biểu đã đặt ra tại hội trường, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, giải quyết nước sạch ở nông thôn là mong muốn nhiều năm qua của tỉnh. Tỉnh đã đầu tư rất nhiều trong chương trình nước sạch và cả trong chương trình xây dựng NTM. Hiện tỉnh đã tiến hành rà soát để có chỉ đạo nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn do tập quán sống của người dân còn rãi rác nên chi phí đầu tư rất lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, sẽ tiến tới cổ phần hoá việc cấp nước sạch cho vùng nông thôn.
Ngoài ra, việc quản lý sau xây dựng là cả một vấn đề. Tỉnh đã thí điểm nhiều mô hình quản lý nhưng không thành công, thể hiện qua số trạm quản lý không hiệu quả còn trên 18%. Theo đó, tới đây sẽ quản lý theo hình thức tập trung để cổ phần hóa cho nhà đầu tư quản lý trên cơ sở chuyên môn hóa.
Liên quan đến nước ngọt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải còn cho biết thêm, Chính phủ đã có chủ trương hạn chế và tiến tới ngừng khai thác nước ngầm. Từ đó, tỉnh đã có kiến nghị và hiện đã có chủ trương tiếp tục thực hiên chương trình ngọt hóa Bán đảo Cà Mau để tiến tới ngưng hoạt động khai thác nước ngầm, hạn chế được tình trạng sụp lún trước tác động của biến đổi khí hậu.
Liên quan đến đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Tỉnh ủy và UBND tỉnh thời gian qua đã dành sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện đề án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chưa như ý muốn, còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém và chưa hiệu quả. Tiêu biểu nhất là quy hoạch. Đơn cử như quy hoạch nuôi tôm siêu thâm canh, tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt các địa phương quy hoạch vùng nuôi nhưng thời gian qua, gần như các huyện thả nổi, để dân tự phát nuôi. Việc chọn mặt hàng chủ lực thời gian qua còn hạn chế và khá lúng túng, cần có sự chọn lựa lại.
Phiên làm việc bước sang nội dung tiếp theo của kỳ họp là tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào đầu giờ chiều nay.
Nhóm phóng viên