Ngày 28/8, Đài tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL tổ chức buổi toạ đàm với lãnh đạo UBND tỉnh về chủ đề “Cà Mau với các giải pháp phòng, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, lãnh đạo Sở NN&PTNT và huyện Ngọc Hiển cùng trao đổi vấn đề này.
(CMO-PTĐ) Ngày 28/8, Đài tiếng nói Việt Nam khu vực ĐBSCL tổ chức buổi tọa đàm với lãnh đạo UBND tỉnh về chủ đề “Cà Mau với các giải pháp phòng, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, lãnh đạo Sở NN&PTNT và huyện Ngọc Hiển cùng trao đổi vấn đề này.
Tại buổi toạ đàm, đại biểu tham gia trả lời phỏng vấn, trình bày các vấn đề liên quan đến việc tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian qua và những thách thức mà ngành nông nghiệp đang phải gánh chịu. Đặc biệt là các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở đê biển Tây, sạt lở đất và rừng đê biển đông, trồng và bảo vệ đai rừng phòng hộ ven biển; quy hoạch sản xuất để người dân thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, để ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đang chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện các giải pháp ưu tiên đầu tư công trình bảo vệ đê biển, bảo vệ sản xuất cho người dân; đầu tư hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu; đầu tư nâng cấp các công trình thuỷ lợi khác; tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức của Nhân dân về biến đổi khí hậu; điều chỉnh bổ sung các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, ven biển.
Theo kịch bản của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đến năm 2030, nếu không có giải pháp hiệu quả, tỉnh Cà Mau có đến 30% diện tích và đến năm 2050 có hơn 70% diện tích bị ngập. Những năm qua, tỉnh Cà Mau đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau, đầu tư trên 500 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ mới khắc phục được hơn 20 km đê biển bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện còn nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng với trên 50 km, nhu cầu vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.