Từ khi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 có hiệu lực thực hiện, công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm của Cà Mau được triển khai rộng khắp. Trong đó, công tác tuyên truyền giáo dục được chú trọng; sự phối hợp giữa cơ quan chuyên trách và các ngành, đoàn thể ngày càng chặt chẽ, hình thức phối hợp rất đa dạng, phong phú và mang lại hiệu quả tích cực.
Từ khi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 có hiệu lực thực hiện, công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm của Cà Mau được triển khai rộng khắp. Trong đó, công tác tuyên truyền giáo dục được chú trọng; sự phối hợp giữa cơ quan chuyên trách và các ngành, đoàn thể ngày càng chặt chẽ, hình thức phối hợp rất đa dạng, phong phú và mang lại hiệu quả tích cực.
Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn mại dâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, công tác quản lý địa bàn, thanh tra, kiểm tra được duy trì thực hiện thường xuyên, tập trung vào các địa bàn phức tạp, cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm. Công tác đấu tranh triệt phá, xử lý tội phạm và vi phạm về mại dâm đã được lực lượng công an phát hiện xử lý đúng quy định của pháp luật.
Hội thi tìm hiểu pháp luật về ma tuý, mại dâm được tổ chức tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. |
Mặt khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức tập huấn gần 500 cuộc, có hơn 20.000 lượt người tham dự. Thành lập trên 70 tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị; 101 đội hoạt động xã hội tình nguyện với 505 tình nguyện viên; thành lập 103 câu lạc bộ tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, tổ chức sinh hoạt thường xuyên thu hút được đông đảo thanh - thiếu niên tham gia.
Các ngành, đoàn thể các cấp tổ chức trên 50 cuộc tập huấn, 46 hội thi tuyên truyền, 4 cuộc toạ đàm nội dung tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng tuyên truyền phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội cho hơn 4.000 lượt cán bộ. Sau tập huấn, các tuyên truyền viên được trang bị kiến thức, qua đó tổ chức tuyên truyền phát động trực tiếp trong cộng đồng dân cư theo chiều sâu, vào ngay nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, công tác triển khai các văn bản pháp luật mới cho các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động tệ nạn xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội ở địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ kinh doanh dịch vụ thực hiện không chứa chấp và không để xảy ra tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội. Trong đó, có nhiều trường hợp chủ cơ sở đã mạnh dạn tố giác cơ quan chức năng về các trường hợp nghi vấn đối tượng tội phạm và tệ nạn xã hội đến hoạt động trong phạm vi cơ sở mình.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn xã hội và hoạt động của đội hoạt động xã hội tình nguyện nhận được sự quan tâm của dư luận và đồng thuận cao của người dân. Ở các xã, phường, thị trấn, công tác tuyên truyền phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội nói chung, tệ nạn mại dâm, ma tuý nói riêng được xem là nhiệm vụ trọng tâm, được tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Toàn tỉnh có 85% xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên, từ đó làm nòng cốt tuyên truyền rộng rãi đến quần chúng Nhân dân. Có 50% xã, phường, thị trấn phát động cam kết không để tệ nạn xã hội xảy ra trong gia đình và trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện.
Với những kết quả trên đã góp phần thực hiện hiệu quả Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 trên địa bàn tỉnh, kiềm chế được sự gia tăng và phức tạp nảy sinh về tội phạm và tệ nạn mại dâm, nhất là ngăn chặn hiệu quả tệ nạn mại dâm liên quan đến tội phạm mua bán người, chủ yếu là phụ nữ./.
Bài và ảnh: Quách Nguyên