(CMO) “Việc xây dựng, cập nhật điều chỉnh kế hoạch ứng phó và phòng chống thiên tai phải kịp thời, sát thực tế và linh động. Chỉ có như vậy công tác phòng chống và ứng phó với thiên tai mới đạt kết quả, hạn chế được thiệt hại”, đó là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng chống thiệt hại do hạn hán mùa khô năm 2019 – 2020 và triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai những tháng cuối năm 2020 diễn ra vào ngày 31/07.
Tình hình hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng mùa khô năm 2019 - 2020 xuất hiện sớm hơn, gay gắt hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp, hạ tầng giao thông, thủy lợi và nước sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.
Khô hạn kéo dài, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng, toàn tỉnh có trên 20.495 ha lúa bị thiệt hại; rau màu thiệt hại trên 51 ha. Bên cạnh đó, do độ mặn tăng cao làm 16.557 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Đặc biệt, toàn tỉnh có 20.851 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt, tình trạng sup lún lộ giao thông nông thôn diễn ra trên diện rộng.
Cụ thể, tuyến đường do cấp tỉnh quản lý đã có 11 vị trí sụp lún với tổng chiều dài 371m, cùng nhiều vết rạn nứt; riêng với lộ giao thông nông thôn xảy ra 1.352 điểm sụp lún chiều dài 42.209 m. Trong đó, huyện Trần Văn Thời 24.117m.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục tình trạng sạt lở một số khu vực trên đê biển Tây.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, bên cạnh một số giải pháp được triển khai kịp thời, nhất là công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai tỉnh còn dành một nguồn ngân sách lớn để hỗ trợ người dân ứng phó với hạn hán.
Cụ thể nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ 120 tỷ đồng; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi năm 2019 khoảng 135 tỷ đồng; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ xây dựng các cống ngăn mặn với kinh phí 128,5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn kiêu gọi, vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp hỗ trợ vật tư, trang thiết bị dụng cụ;….
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Theo nhận định tình hình thời tiết, thuỷ văn còn nhiều diễn biến phức tạp. đáng chú ý hiện tượng ENSO được dự báo là sẽ chuyển qua La Nina với cường độ yếu vào các tháng cuối năm 2020 đến đầu 2021, do đó gió mùa Đông bắc sẽ hoạt động mạnh hơn. Triều cường kết hợp với gió mùa Đông bắc mạnh, mực nước trên các sông, rạch ở vùng ven biển lên cao gây ngập cục bộ ở các vùng trũng, thấp.
Ngoài ra, theo dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền từ nay đến cuối năm ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, tức khoảng từ 9 - 11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, trong đó có 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Hạn hán mùa khô vừa qua đã làm thiệt hại hơn 20.495 ha lúa.
Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai ngày một diễn biến phức tạp, khó lường ông Hoai cho rằng, các Bộ, Ngành Trung ương sớm xây dựng quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó định hướng cho các tỉnh xây dựng quy hoạch cấp tỉnh thích ứng với biến đổi khí hậu. Trung ương tăng cường hỗ trợ vốn đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng ven biển, nhất là hệ thống thuỷ lợi phục vụ vùng sản xuất một vụ lúa - một vụ tôm.
Đặc biệt, ông Hoai kiến nghị, sớm triển khai dự án dẫn nước mặt từ sông Hậu về cảc tỉnh ven biển và bán đảo Cà Mau để xử lý và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, từng bước thay thể nguồn nước ngầm, giảm nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước và nguy cơ sụp lún đất. Song song với đó cần hỗ trợ kinh phí đầu tư mới và nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn hiện có một cách đồng bộ để cung cấp nước sinh hoạt cho các tuyến dân cư tập trung; Thực hiện mô hình cấp nước nhỏ, cấp nước hộ gia đình đối với khu vực dân cư thưa thớt, phân tán.
Đã có hơn 1.352 điểm sụp lún lộ giao thông nông thôn do tình trạng hạn hán mùa khô năm 2019 - 2020.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhận định, đến thời điểm này việc khắc phục thiệt hại do hậu quả của hạn hán mùa khô năm 2019 - 2020 chỉ mới là bước đầu mang tính tạm thời. Về lâu về dài nguy cơ thiệt hại vẫn còn rất cao bởi hiện nay chưa có giải pháp căn cơ, hiệu quả. Do đó, việc xây dựng, cập nhật điều chỉnh kế hoạch ứng phó và phòng chống thiên tai phải kịp thời, sát thực tế và linh động. Thời gian tới cần tập trung cho việc khắc phục thiệt hại tình trạng sụp lún, sạt lở lộ giao thông nông thôn. Trước tiên là các địa phương tiến hành rà soát và phân loại nhu cầu vốn theo phân cấp quản lý công trình. Trên cơ sở đó, phần công việc nào thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó thực hiện, không trông chờ, ỷ lại. Nếu vượt ngoài khả năng cân đối thì báo cáo lên cấp trên.
Để phát triển sản xuất thời gian tới Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo, nhanh chống khắc phục thiệt hại các công trình phục vụ sản xuất, nhất là các cống đang rò rỉ mặn. Các địa phương căn cứ vào lịch thời vụ của Sở NN&PTNT để xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho từng địa phương, từng loại đối tượng và phải có biện pháp hạn chế thiệt hại do tác động từ thiên tai và kế hoạch này phải có thời gian cụ thể. Nghiên cứu và quy hoạch tổ chức lại sản xuất ở hệ sinh thái ngọt. Riêng đối với việc cung cấp nước ngọt cho người dân phải ưu tiên tính toán cho hơn 4.000 hộ dân hiện nay chưa có nguồn nước ngọt, đồng thời vận động người dân chủ động trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống./.
Nguyễn Phú