Hiện nay đã chính thức bước vào mùa hè. Giai đoạn này thời tiết luôn có những thay đổi bất lợi cho khả năng đề kháng của cơ thể con người. Trong đó thực phẩm chế biến để làm thức ăn hằng ngày chính là loại rất dễ bị biến chất, hư hỏng và có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người tiêu dùng nhiều nhất. Điển hình là tình trạng bị ngộ độc và ngộ độc cấp tính, nếu việc bảo quản thực phẩm không được thực hiện theo đúng quy trình.
Nguyên nhân chủ yếu của các vụ ngộ độc thực phẩm, thường là do thời tiết nóng, ẩm thất thường. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh phát triển, nhất là đối với vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật có chứa các loại độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, thuỷ hải sản…). Ngoài ra, do tình trạng ô nhiễm môi trường và ở một số nơi thiếu nguồn nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ kết hợp với việc bảo quản nguyên liệu thực phẩm chưa đúng quy cách cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng bị ngộ độc.
Bác sĩ Hà Thanh Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời) thông tin cho biết: “Mùa hè khi thời tiết nắng nóng cao, độ ẩm liên tục thay đổi là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, dẫn đến tình trạng thức ăn dễ bị ôi thiu hoặc bị nhiễm khuẩn. Nếu không được bảo quản thích hợp sẽ gây ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm, nhất là đối với các bếp ăn tập thể ở các công ty, nhà máy, các điểm trường bán trú, trường mầm non…”.
Các món ăn chế biến sẵn, luôn tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Do đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng và người sản xuất có ý thức trong việc phòng, tránh ngộ độc thức phẩm là cực kỳ cần thiết.
Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau thông tin: “Tác nhân gây ra ngộ độc thực phẩm thông thường là do vi khuẩn xâm nhập qua đường ăn uống. Do vậy, khi người tiêu dùng ăn phải những loại thực phẩm hoặc sử dụng nguồn nước có chứa vi khuẩn gây bệnh, sẽ dẫn đến hiện tượng rối loạn tiêu hoá và thậm chí là ngộ độc cấp tính”.
Nắng nóng rất dễ làm cho thực phẩm, nhất là đối với thực phẩm chế biến sẵn bị nấm mốc do vi khuẩn phát triển, đặc biệt là đối với những nhóm thực phẩm có nguy cơ cao như: thịt, trứng, cá, hải sản, sữa… Bên cạnh đó, các món ăn nhanh như: súp, canh, thực phẩm được chế biến qua nhiều khâu cũng có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn bên ngoài. Hiện nay vấn đề tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức về phòng ngừa ngộ độc thực phẩm là cực kỳ cần thiết nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể, quán ăn đường phố. Đó còn là cách để mọi người thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Sử, Trưởng khoa Sức khoẻ môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, khuyến cáo: “Người tiêu dùng chỉ nên sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng. Đặc biệt là không nên tự đóng gói kín các loại thực phẩm trong điều kiện không đông đá, vì như thế sẽ vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển và gây bệnh”.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng tự nâng cao nhận thức về phòng, tránh ngộ độc thực phẩm, thì cũng cần nên có chế tài xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, những cơ sở không có giấy phép chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp). Cần công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, người kinh doanh thực phẩm thiếu an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo ý thức cho người sản xuất và người tiêu dùng nói chung.
Phương Vũ