Ðể quản lý, phòng và điều trị bệnh tăng huyết áp (THA), đái tháo đường (ÐTÐ), những năm qua, Trung tâm Y tế huyện Thới Bình đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền tại các trạm y tế nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời cho bệnh nhân ngay từ cơ sở .
Trung tâm Y tế huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như loa truyền thanh tại các xã, thị trấn, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt ở ấp, nhằm phổ biến kiến thức cho người dân về cách phòng và điều trị bệnh THA, ÐTÐ. Theo đó, người dân cần có lối sống, sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục, chơi thể thao, không lạm dụng rượu bia và thuốc lá, giảm muối trong khẩu phần ăn... Hằng năm, đội ngũ nhân viên y tế được tập huấn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Hiện tại, Trung tâm Y tế huyện đang quản lý, điều trị khoảng 10.173 bệnh nhân THA và 1.381 bệnh nhân ÐTÐ.
Bệnh nhân đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã Trí Phải.
Ông Bùi Văn Chính, Bác sĩ Chuyên khoa II, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, kiêm Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc, thông tin: “Việc phòng và quản lý điều trị bệnh THA, ÐTÐ đem lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng. Ðó là, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ của THA và ÐTÐ, tư vấn người dân biết cách chăm sóc, có chế độ ăn uống, thể dục thể thao nâng cao sức khoẻ, giảm nguy cơ tiến triển thành bệnh. Nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, kéo dài tuổi thọ, tránh được các biến chứng mà bệnh gây ra; giúp giảm tỷ lệ tử vong và gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số người bệnh không đến cơ sở quản lý khám và nhận thuốc theo lịch hẹn tái khám, còn chủ quan về tình trạng sức khoẻ của mình, ý thức hợp tác trong điều trị còn kém, có bệnh nhân tự ý bỏ thuốc”.
Bà Tô Thị Lài, Ấp 5, xã Trí Phải, chia sẻ: “Tôi mắc bệnh THA và ÐTÐ đã hơn 11 năm. Ngoài khám dịch vụ ở bệnh viện tư, tôi còn điều trị ở Trung tâm Y tế huyện, tại đây tôi được bác sĩ thăm khám, cấp thuốc uống đều đặn 2 tuần/lần, tư vấn cách chăm sóc bổ sung dinh dưỡng... Hiện tại, sức khoẻ của tôi đã ổn định”.
Bà Võ Thị Cúc, Ấp 3, xã Trí Phải, đang điều trị bệnh THA tại Trạm Y tế xã Trí phải, cho biết: “Trước đây phải đi ra tận huyện, nay tôi được theo dõi và điều trị tại xã, thuận tiện hơn. Nhờ được khám và nhận thuốc đúng lịch hẹn nên huyết áp của tôi ổn định”.
Ðể góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ ban đầu cho bệnh nhân THA, ÐTÐ, giúp họ thuận tiện hơn trong việc theo dõi sức khoẻ tại nhà, kết nối trực tiếp với bác sĩ, Trạm Y tế xã Trí Phải đã thành lập mô hình quản lý, tư vấn cho bệnh nhân từ xa thông qua ứng dụng Zalo.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Khởi thăm khám cho bệnh nhân THA.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Khởi, Trưởng trạm Y tế xã Trí phải, cho biết: “Bệnh THA và ÐTÐ là những bệnh mãn tính, việc điều trị phải liên tục đến suốt đời, nếu được tầm soát tốt thì sẽ ít nguy cơ tử vong. Sau khi mô hình được thành lập đã hoạt động hiệu quả, mang nhiều lợi ích thiết thực. Trạm đã phân công người phụ trách, cùng cộng tác viên, tổ y tế phụ trách từng ấp, lập phác đồ theo dõi, bệnh nhân có thể gọi điện hoặc nhắn tin để được hướng dẫn điều trị, tư vấn dinh dưỡng, chế độ dùng thuốc, cách phòng các biến chứng và tái khám... Sắp tới, trạm sẽ tiếp tục duy trì mô hình, nhằm tuyên truyền người dân ý thức hơn trong việc đến cơ sở y tế khám sàng lọc, phát hiện, điều trị kịp thời, hạn chế tỷ lệ tàn tật, tử vong, góp phần vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân”./.
Tiểu Ái