(CMO) Là xã đầu tiên của huyện Cái Nước vinh dự đạt chuẩn NTM, sau gần 5 năm, diện mạo xã Phú Hưng thay đổi tích cực, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng nâng lên. Phát huy tiềm lực sẵn có, năm 2020, xã tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt, phấn đấu trở thành xã NTM nâng cao.
Phó bí thư Đảng uỷ xã Phú Hưng Lê Văn Sáu thông tin: “Đến nay, xã đạt 8/13 tiêu chí NTM nâng cao, 5 tiêu chí chưa đạt bao gồm: giao thông, thu nhập, tổ chức sản xuất, môi trường, tuyến dân cư NTM kiểu mẫu hoặc điểm dân cư NTM kiểu mẫu”.
Nông thôn bừng sáng
Xác định thế mạnh kinh tế nông nghiệp, Đảng bộ xã Phú Hưng phát động, tuyên truyền sâu rộng đến quần chúng Nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng đa canh, chuyển đổi cây trồng, đối tượng nuôi phù hợp, đầu tư đào mới, cải tạo ao đầm nuôi tôm. Bên cạnh đó, xem xét các mô hình làm ăn hiệu quả, tiềm năng tại địa phương để tiếp tục nhân rộng trong dân.
Nghề đan lưới, ráp lú, rập cua, tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. |
Theo đó, xã khuyến khích các hộ dân nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, dèo tôm trong hầm đất; mở rộng diện tích nuôi cá chình, cá bống tượng, cá kèo công nghiệp; nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa; duy trì mô hình lúa - tôm kết hợp. Ngoài ra, một số mô hình làm ăn hiệu quả đang được nhân rộng như: tôm đất sấy khô ở ấp Đức An; đan ráp lưới, lú, rập cua ở ấp Lộ Xe, Cái Rắn B..., tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho lực lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Nguồn nhân lực lao động dồi dào (số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 71%), gắn với các làng nghề thủ công đan lưới, ráp lú, làm rập cua cung ứng cho các xã, huyện, tỉnh lân cận, góp phần tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi.
Với thâm niên hơn 10 năm gắn bó với nghề đan lú, lưới, làm rập cua, hộ bà Lưu Ngọc Ánh, ấp Cái Rắn B, là địa chỉ chuyên đào tạo, cung ứng số lượng lớn các dụng cụ đánh bắt thuỷ sản. Hiện tại, cơ sở đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 60.000-80.000 đồng/ngày.
Bà Ánh chia sẻ: “Lao động chủ yếu đến cơ sở nhận vật liệu về nhà làm, khi hoàn thành sẽ đến giao sản phẩm và lãnh tiền công. Công việc nhàn nhã, không quá khó khăn nên ai cũng có thể làm được, tranh thủ sau khi cơm nước, gia đình, việc đồng áng có thể kiếm thêm thu nhập”.
Vợ chồng anh Lê Hải Đăng, ngụ ấp Cái Rắn B, làm cho cơ sở của bà Ánh hơn 3 năm nay. Anh chị phụ trách công đoạn chặt vành, không quá nặng nhọc lại không yêu cầu kỹ thuật cao. Mỗi người thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cuộc sống và lo cho con ăn học.
Anh Đăng chia sẻ: “Công việc này có thể chủ động được thời gian, sáng 7 giờ đến làm, 4 giờ về, cơm trưa được lo tại chỗ. Lúc nào muốn kiếm thêm thì lãnh hàng về nhà gia công ăn theo sản phẩm”.
Tập trung mọi nguồn lực
Bên cạnh phát triển kinh tế, tính từ giai đoạn đạt chuẩn NTM đến nay, Phú Hưng tiếp tục kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư, mở rộng thêm hơn 21 km lộ bê-tông, xây mới 48 cây cầu nối liền 100% trục giao thông chính trên địa bàn đến các ấp. Năm 2020, phấn đấu xây dựng mới 5 km và nâng cấp 5 km đường bê-tông.
Lộ làng, nhà cửa được xây dựng khang trang, tạo diện mạo mới cho xã Phú Hưng. |
Bộ mặt xã Phú Hưng sau khi về đích NTM không ngừng hoàn thiện. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã 30 triệu đồng, đến cuối năm 2019 tăng lên 52 triệu đồng. Đã qua, xã thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, trong đó khoanh vùng tiếp cận đối tượng để có hướng hỗ trợ kịp thời, đến nay, hộ nghèo chỉ còn còn 42 hộ, chiếm 1,11%, 68 hộ cận nghèo, chiếm 1,79%, đặc biệt không có hộ nghèo trong diện chính sách.
Ông Lê Văn Sáu cho biết: “Bằng những nỗ lực và thành quả xây dựng trước đó, tiến tới NTM nâng cao, trước hết xã phải chú trọng tuyên truyền, vận động người dân, mỗi hộ, mỗi cá nhân đều phải được biết và tham gia. Phải tuyên truyền cho người dân hiểu những lợi ích được thụ hưởng từ chương trình mang lại, như thế ý thức người dân mới thay đổi, đồng hành vì mục tiêu chung”.
Bên cạnh khuyến khích các hộ tăng gia sản xuất, chọn và thay đổi mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng địa phương, xã chọn kích cầu, chọn các hộ, cơ sở tiềm lực để thành lập các hợp tác xã, qua đó tạo tiền đề, sức bật then chốt phát triển loại hình kinh tế tập thể. Đến nay, địa bàn xã có 2 HTX và 36 tổ hợp tác, 448 thành viên đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thuỷ sản và dịch vụ.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Nam Bộ Nguyễn Văn Hải chia sẻ: “HTX có 9 thành viên, chuyên cung ứng vật tư, con giống, kỹ thuật chuyển giao công nghệ, liên kết các công ty có năng lực, hỗ trợ tiêu thụ đầu ra sản phẩm thuận lợi, từ đó tạo công ăn việc làm cho thành viên và nhân công của HTX”.
Cùng với xây dựng Đảng, thời gian tới, Đảng bộ xã Phú Hưng sẽ tập trung tối đa mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong lộ trình hướng đến NTM nâng cao, mục tiêu cuối cùng là chăm lo cuộc sống người dân, tiến tới xây dựng xã Phú Hưng phát triển bền vững, đồng bộ./.
Yến Nhi