Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ trên địa bàn tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo” và đạt nhiều kết quả tốt.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ trên địa bàn tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo” và đạt nhiều kết quả tốt.
Giúp nhau thoát nghèo
Căn cứ vào đặc thù, tình hình thực tế ở địa phương, mỗi cơ sở hội có cách thức triển khai phong trào khác nhau nhằm huy động sự tham gia tích cực của các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn.
Tổ vá lưới giúp nhau phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. |
Hội LHPN xã Hoà Thành, TP Cà Mau là một trong những đơn vị được đánh giá triển khai hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”. Nổi bật là vận động đông đảo hội viên tham gia thực hiện các mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Xây dựng tuyến dân cư kiểu mẫu”, “Giúp phụ nữ làm chủ hộ nghèo thoát nghèo”... Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Thành Nguyễn Ngọc Thể chia sẻ: “Trước đây, do chưa hiểu sâu sắc về các mô hình nên khi hội phát động phong trào này, nhiều phụ nữ chưa thực sự ủng hộ. Tuy nhiên, khi các cấp hội đã đi sâu tuyên truyền, vận động chị em học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó ý thức của các chị đã được nâng lên”.
Là huyện vùng sâu còn nhiều khó khăn, thời gian qua, Hội LHPN huyện Ngọc Hiển xác định nhiệm vụ trọng tâm là hướng dẫn hội viên, phụ nữ xây dựng và triển khai các mô hình “phụ nữ phát triển kinh tế” để giúp chị em giảm nghèo bền vững. Theo đó, hội đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chị em xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với thực tế ở địa phương. Mô hình “Xây dựng và phát triển tổ phụ nữ giúp nhau thoát nghèo bền vững” được Hội LHPN huyện chọn làm mô hình “Dân vận khéo” năm 2015. Chủ tịch Hội LHPN huyện Ngọc Hiển Trịnh Ngọc Dung phấn khởi: “Bước đầu Ban Thường vụ Hội LHPN huyện chọn ấp Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc làm điểm chỉ đạo, thành lập 1 tổ với 17 hội viên, chị em tiết kiệm từ các mô hình như: Nuôi heo đất, Hũ gạo tình thương, Tiết kiệm tăng dần... Chọn 1 hộ chí thú làm ăn để giúp bằng hiện vật, chi hội trưởng theo dõi, giám sát, giúp đỡ hằng tuần và sau khi thoát nghèo chi hội vẫn tiếp tục chăm lo và giúp đỡ, động viên để hộ không tái nghèo. Ðến nay, mô hình được nhân rộng đến 7 xã, thị trấn, có 31 tổ với 322 thành viên. Các tổ đã huy động được số vốn trên 735 triệu đồng để giúp cho 78 chị có vốn chăn nuôi, mua bán và đã có 16 hộ thoát nghèo bền vững.
Đa dạng các mô hình
Chi hội ấp Năm Ðảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước thành công với mô hình trồng màu. Ðây được xem là mô hình “Dân vận khéo” mang lại hiệu quả cao. Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Thế Trân Nguyễn Hằng Ny: Mô hình trồng màu dễ thực hiện, nguồn vốn ít, chỉ cần công chăm sóc, nên được chị em thực hiện. Từ mô hình này có hộ lợi nhuận trên 42 triệu đồng/năm. Ðể giúp cho chị em có kiến thức trong trồng màu, hội chủ động phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Cái Nước tập huấn kỹ thuật trồng màu cho chị em trong các cuộc họp chi, tổ hội. Ngoài vốn nội lực, Hội LHPN xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội chi nhánh huyện giải ngân vốn cho các chị để thực hiện mô hình.
Trong thực hiện phong trào “Dân vận khéo” giai đoạn 2011-2015, tập thể Hội LHPN xã Khánh Thuận, huyện U Minh đã từng bước vận động thực hiện mô hình “Phát triển kinh tế tập thể” bằng nhiều hình thức: Bước đầu là thành lập tổ trồng màu, câu lạc bộ trồng màu, tổ phụ nữ chia sẻ kinh nghiệm, trồng trọt, chăn nuôi, sau đó đã nâng lên thành các tổ hợp tác liên kết trồng màu, trồng chuối, nuôi heo. Từ những mô hình kinh tế tập thể như các tổ hợp tác: “Liên kết”, “Cùng tiến”, “Vươn lên”, “Thắng lợi”, “Hoà phát”, “Thuận phát”... đã giúp 48 chị thoát nghèo với mức thu nhập từ 50-60 triệu đồng/năm. Qua đó, hội đã vận động thành lập 60 tổ tín dụng - tiết kiệm, tiết kiệm - tín dụng ở các ấp, với tổng số tiền tiết kiệm trên 479 triệu đồng, giúp cho 197 chị có vốn để phát triển kinh tế.
Tháng 11/2013, Hội Phụ nữ xã Tạ An Khương phát động mô hình: “100 đồng”. Mô hình vận động chị em hội viên tiết kiệm phế liệu vì phụ nữ và trẻ em nghèo. Với mô hình này, hội phát huy tối đa sức mạnh đoàn kết và sự lan toả của nó đến cộng đồng dân cư. Không nặng nề, hình thức mà rất thiết thực, dễ làm. Mỗi nhà đều có phế liệu, từ thùng giấy, lon bia đến các đồ mũ nhựa, nên cứ đến ngày họp, các chị em lại mang phế liệu gom được đến tổ để bán góp quỹ từ 2.000-10.000 đồng/tháng. Nhờ linh động trong cách vận động, thực hiện, số phế liệu càng lúc càng tăng, số người tham gia càng ngày càng nhiều. Chị Trần Mỹ Tiên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tạ An Khương, phấn khởi chia sẻ, từ khi triển khai đến nay mô hình “100 đồng” đã khoan được 3 giếng nước ngọt, 27 suất học bổng cho học sinh nghèo.
Với kết quả đạt được, những mô hình “Dân vận khéo” của Hội LHPN các cấp luôn được các cấp uỷ, chính quyền đánh giá cao về hiệu quả và sức lan toả. Bởi vì, những việc làm vừa cụ thể, thiết thực, vừa gần gũi với đời sống của chị em phụ nữ. “Thông qua các mô hình “Dân vận khéo”, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong cán bộ, hội viên, phụ nữ vừa là phong trào thi đua, vừa là phương châm hành động cách mạng trong các tầng lớp phụ nữ. Qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thu Tư khẳng định./.
Bài và ảnh: Phương Lài