(CMO) Phong trào khởi nghiệp Cà Mau (Ca Mau Startup), ở huyện U Minh tuy chưa đạt được những kết quả mang tính đột phá nhưng đã tạo hứng khởi với chị em phụ nữ nông thôn. Chị em tích cực thi đua phát triển kinh tế từ hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Khởi nghiệp từ nghề truyền thống
Tre, trúc là nguyên liệu sẵn có và rất phong phú ở vùng nông thôn U Minh. Ðể hạn chế việc sử dụng sản phẩm, vật dụng bằng nhựa, Hội LHPN huyện đã có giải pháp khuyến khích chị em sản xuất các vật dụng sử dụng cho sinh hoạt gia đình như đan rổ, thúng, giỏ xách, nia, sịa, rế, lồng đèn tre…, đây là sản phẩm đặc trưng truyền thống của địa phương, thân thiện với môi trường.
Chị Ðoàn Thảo Nhi, Chủ tịch Hội LHPN huyện U Minh, cho biết, nghề đan đát truyền thống ở U Minh phát triển nhiều nhất tại xã Nguyễn Phích. Nghề này đã hình thành cách đây hơn 50 năm, tập trung ở các ấp: 2, 3, 4, 5, 6, với 70 hộ. Sản phẩm đan chủ yếu là thúng, rổ, giần, sàng, nia. Ða số chị em phụ nữ tận dụng thời gian nông nhàn sau mùa lúa, tôm làm để tăng thêm thu nhập, bình quân mỗi hộ từ 2-3 triệu đồng/tháng. Nghề này còn tạo việc làm thường xuyên cho 135 lao động nhàn rỗi ở 5 tổ phụ nữ và 2 mô hình phụ nữ đan đát truyền thống thuộc xã Nguyễn Phích.
Gia đình chị Nguyễn Như Ý (Ấp 3, xã Nguyễn Phích) với ý tưởng sản xuất sản phẩm thủ công trang trí từ nghề đan đát truyền thống, để làm quà lưu niệm cho khách du lịch. |
Không chỉ có cây tre, trúc, U Minh còn là vùng trồng chuối lớn nhất tỉnh. Quyết không để lãng phí nguyên liệu dồi dào này, chị Lê Thanh Thuỷ (Ấp 16, xã Nguyễn Phích) mạnh dạn phát triển ý tưởng đan các sản phẩm từ nguyên liệu bẹ chuối khô, góp phần bảo vệ môi trường, xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Chị Thuỷ chia sẻ: “Các sản phẩm từ chuối ở địa phương đang được khuyến khích và phát triển mạnh. Lá để gói bánh tét, bánh ít; hoa và thân non dùng để chế biến thức ăn; trái dùng chế biến nhiều món như chuối khô, mứt chuối, chuối sấy… Sau khi thu hoạch chuối trái, chị em thu gom các bẹ chuối phơi khô dùng làm nguyên liệu để đan thành rổ, giỏ xách, ghế ngồi… rất bền và đẹp. Chính vì công dụng như thế mà mặt hàng bẹ chuối khô những năm gần đây rất được thị trường ưa chuộng, qua đó giải quyết phụ phẩm từ nông nghiệp. Các sản phẩm được bán cho người tiêu dùng, làm quà lưu niệm phục vụ khách du lịch…”.
Theo chị Thuỷ, đây là mô hình rất lý tưởng mà ai cũng có thể tham gia được, chị em phụ nữ chỉ cần đầu tư ít vốn mua máy tách bẹ chuối, máy ép nước bẹ chuối, lò sấy dự phòng khi trời không có nắng.
Cũng từ sản phẩm truyền thống, ở vùng đất Nguyễn Phích có nhiều hộ khởi nghiệp bằng mô hình sản xuất thớt mù u, giải quyết được việc làm tại chỗ cho chị em. Chị Nguyễn Hoài Hân, Thường vụ Hội LHPN huyện, tâm đắc: “Ở Nguyễn Phích, cây mù u được bà con trồng rất nhiều trong vườn, vùng biền lá ven sông... Thời gian sinh trưởng chậm nên gỗ mù u rất cứng, dùng làm thớt rất bền và chắc; khi sử dụng, gỗ thớt không bị băm nát và không lưu lại vết đen, nên rất sạch và an toàn cho người sử dụng. Thớt mù u được tiêu thụ rất mạnh với giá từ 40.000 đồng đến vài trăm ngàn đồng tuỳ theo kích cỡ lớn nhỏ, được các bà nội trợ thích dùng, vì đây là sản phẩm thân thiện với môi trường”.
Nở rộ những mô hình hay
Không chỉ phát triển ngành nghề truyền thống, chị em phụ nữ U Minh còn có những ý tưởng hay, biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới lưới ở Ấp 13, xã Khánh Thuận; Ấp 8, xã Khánh Tiến; Ấp 13, xã Khánh An; Ấp 6, xã Khánh Hội… đang phát huy hiệu quả. Chị Thái Thị Lam (Ấp 6, xã Khánh Hội) chia sẻ: “Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thực phẩm rau củ mà người trồng sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, những loại hoá chất còn tồn dư trong rau củ quả đang âm thầm gây tổn hại sức khoẻ người tiêu dùng. Từ đó, tôi có ý tưởng trồng rau sạch trong nhà lưới để giảm bớt sâu bệnh gây hại, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật gây hại đến môi trường và sức khoẻ con người. Nếu so với trồng ở ngoài thì sẽ tiết kiệm chi phí phân thuốc bảo vệ thực vật”.
Mô hình trồng màu trong nhà lưới của tổ phụ nữ Ấp 13, xã Khánh Thuận đem lại hiệu quả cao. |
Theo chị Lam, phải chọn các loại rau màu phù hợp với khí hậu, thời tiết vùng ven biển và tận dụng các loại cá vụn, tôm ở địa phương ủ phân tưới cho rau màu rất tốt, chỉ trong thời gian ngắn sẽ cho thu hoạch. Các loại rau màu chọn trồng được xen kẽ với nhau nên cho thu hoạch theo đợt, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Hiện mô hình này được nhiều người lựa chọn vì là sản xuất sản phẩm sạch, có đầu ra ổn định, thu lợi cao.
Ở xã Khánh An, chị em còn trồng cây nha đam trong thùng xốp. Chị Ðinh Ngọc Mai (Ấp 7) cho biết: “Cây nha đam dễ trồng, dễ nhân giống mở rộng diện tích và ít công chăm sóc. Nha đam trồng một lần là thu hoạch lâu dài mà không cần phải ươm lại cây giống. Hiện nay, chị em phụ nữ Khánh An đã tận dụng đất sân vườn, bờ liếp, bờ vuông tôm, bờ xáng đất lâm phần trồng các loại hoa màu, cây ăn trái, trong đó ưu tiên phát triển cây nha đam”.
Chị Mai nhận định, trồng cây nha đam trong thùng xốp, thùng nhựa không ảnh hưởng bởi vấn đề ngập nước, cây dễ chăm sóc. Nha đam không chỉ là loại cây cảnh mà còn dùng chế biến nước giải khát, các loại mỹ phẩm, thực phẩm và cung cấp dinh dưỡng cho người tiêu dùng.
Chia sẻ về vấn đề hỗ trợ chị em phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, chị Ðoàn Thảo Nhi cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi phối hợp với UBND huyện cùng các ngành chức năng, đồng thời chỉ đạo hội phụ nữ cơ sở cùng phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá những ý tưởng, sáng kiến hay và những mô hình khởi nghiệp hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân về sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường. Ðồng thời triển khai cơ chế, chính sách đồng bộ để thu hút nhà đầu tư, hỗ trợ vốn, máy móc, thiết bị… để chị em có công cụ chế biến sản phẩm tại chỗ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển nông nghiệp mang tính lợi thế của địa phương, góp phần đưa đời sống của người dân U Minh ngày càng phát triển”./.
Huỳnh Lâm