ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 23-12-24 06:04:54
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phụ nữ quê tôi

Báo Cà Mau (CMO) Không phải vô cớ mà Nhạc sĩ Thanh Sơn lại viết “Người Cà Mau dễ thương vô cùng”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà hễ nhắc đến phụ nữ Cà Mau, ai nấy ngợi khen sự giỏi giang, chân thành trong từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói. Và hơn hết, phụ nữ Cà Mau còn được mọi người yêu quý bởi trái tim nồng ấm, nhân hậu trong lối sống, cách ứng xử hàng ngày với bà con lối xóm, với bạn bè gần xa…

Cà Mau quê tôi nằm cuối cùng dải đất hình chữ S. Vị trí địa lý đặc biệt, thiêng liêng đã khiến bao trái tim người con nước Việt muốn tìm đến để thoả lòng. Ðến rồi, thấu hiểu lịch sử cách mạng, văn hoá bản địa, càng yêu thương hơn vùng đất, con người xứ này. Ở đó có bàn tay, khối óc, tấm lòng của bao thế hệ phụ nữ góp sức dựng xây.

Ngược dòng thời gian những năm kháng chiến cứu nước gian khổ, phụ nữ Cà Mau cùng phụ nữ cả nước đã lập nên những chiến công vang dội, sẵn sàng cung ứng sức người và của cải cho tiền tuyến, phối hợp với nhiều lực lượng đánh thắng quân thù, giành độc lập, tự do. Những liệt sĩ, anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trên đất Cà Mau: Hồ Thị Kỷ, Võ Thị Hồng, Huỳnh Thị Kim Liên, Dương Thị Cẩm Vân, Danh Thị Tươi, Tô Thị Tẻ, Phan Thị Ðẹt… cùng hàng ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hy sinh hạnh phúc riêng, động viên chồng, con ra sức đánh giặc, mãi là bản hùng ca bất tử, xứng đáng với 8 chữ vàng Bác Hồ đã khen tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Viết tiếp trang sử vẻ vang, những tính cách và phẩm chất tốt đẹp được thế hệ phụ nữ tiếp bước, xây dựng quê hương Cà Mau giàu đẹp, văn minh. Khắp các lĩnh vực đều có sự hiện diện của phụ nữ, và ở vị trí, vai trò nào, các chị đều ghi điểm cao về sự tài năng và bản lĩnh. Ðó là những cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ; là doanh nhân linh hoạt nắm bắt thương trường; là những tấm gương điển hình trong học tập, lao động, phát triển kinh tế gia đình… không thua kém đấng mày râu.

Ðiều đáng trân quý ở phụ nữ quê tôi còn là sự tử tế, tấm lòng nhân ái vì cộng đồng. Khi dịch Covid-19 bùng phát, cả hệ thống chính trị dốc toàn lực cho công tác phòng, chống dịch thì phụ nữ Cà Mau cũng sẵn sàng vào cuộc, không ngại hiểm nguy, vất vả. Ðội nắng, dầm mưa cùng lực lượng trực chốt kiểm soát, chốt phong toả; ngày đêm căng thẳng, áp lực điều trị bệnh nhân Covid-19; gác việc riêng xung phong làm tình nguyện viên đồng hành cùng bà con vượt đại dịch; những suất cơm, suất bánh ấm tình người càng nhiều thêm đến với các khu cách ly, khu phong toả…

Câu chuyện 11 cụ bà ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh lần thứ 2 dành dụm số tiền trợ cấp hàng tháng cho đối tượng người có công với cách mạng, góp gần 30 triệu đồng vào quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, vẫn mãi đong đầy cảm xúc mỗi khi nhắc nhớ. Dù đó chỉ là số ít trong hơn 42 tỷ đồng của quỹ do các tổ chức, cá nhân đóng góp, song tấm lòng và nghĩa cử của các cụ lan toả biết bao thông điệp yêu thương giữa cuộc chiến chống dịch còn nhiều cam go, thách thức.  

Số ca nhiễm Covid-19 tăng lên, đồng nghĩa với bao căng thẳng của những “chiến binh áo trắng” đang túc trực từng giây phút trong khu cách ly điều trị. Nơi đây, các nữ điều dưỡng, y, bác sĩ luôn tận tâm với sứ mệnh. Với các chị, nỗi sợ thì không đáng kể nhưng điều khiến họ lo lắng nhất là làm sao giúp bệnh nhân sớm thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Mỗi ngày thêm nhiều bệnh nhân bình phục, được xuất viện đã tạo nên nguồn sức mạnh giúp đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu thêm vững tin để tiếp tục chiến đấu. Làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, đã có trường hợp nhân viên y tế lây nhiễm vì điều trị cho bệnh nhân Covid-19, thế nên mọi xác định, thao tác đều phải thật chính xác, bình tĩnh và nâng tầm mới có thể chiến đấu lâu dài, hiệu quả. Ðiều này cũng nhằm trấn an tâm lý, động viên tinh thần bệnh nhân sớm hồi phục.

Không còn là “phái yếu” khi quê hương gặp biến cố, chị em đăng ký tham gia các đội hình tình nguyện, góp sức cùng địa phương các công việc lấy mẫu test cộng đồng, hỗ trợ tiêm vắc-xin, đi chợ hộ, vận chuyển, trao quà hộ cách ly hay bà con trong khu phong toả… Hầu hết họ đều là những người trẻ, nhiệt huyết và xông xáo. Có bạn lần đầu chưa quen với bộ đồ bảo hộ kín mít đã ngất xỉu khi làm nhiệm vụ, nhưng sau đó vẫn tiếp tục; có bạn gửi con nhỏ cho nội, ngoại chăm sóc để cùng đồng đội lao vào cuộc chiến… Những hộp cơm mang theo ăn vội, say nắng, cảm lạnh, thế nhưng điều được các bạn chia sẻ không phải là sự vất vả mà là bài học đắt giá từ cuộc sống, từ tình người trong hoạn nạn, biến cố. Tin rằng đây sẽ là hành trang quý giá trong hành trình rèn luyện và thành công phía trước.

Một năm học đặc biệt với cả nước và quê tôi. Nhiều điểm trường trở thành khu cách ly, nhiều giáo viên ngoài giờ dạy trực tuyến, thì dành hết thời gian còn lại cho công tác tình nguyện và tiếp sức phòng, chống dịch. Từ đầu tháng 10, khi số người về tỉnh tăng nhanh, các cô giáo tại Trường Tiểu học Nguyễn Việt Khái và Trường Mầm non Sơn Ca (xã Khánh An, huyện U Minh) đã hợp sức duy trì bếp ăn suốt những ngày qua, đều đặn mỗi ngày 3 bữa, gửi đến các khu cách ly trên địa bàn. Từng suất ăn được các cô chăm chút từ công đoạn nấu nướng, đóng gói bao bì cho đến vận chuyển, gửi tận tay, đi kèm theo đó là những tình cảm sẻ chia, làm ấm lòng người về.

Cô Lương Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Việt Khái, xúc động: “Bà con xứ này thấy thương lắm. Giăng lưới được mớ cá cũng xách cho, hái được trái bầu, trái mướp sau nhà cũng gọi điện cho hay mang tới… Ðiều đó tiếp thêm động lực để các cô quên mệt nhọc”.

Cả những nhà sư vốn chỉ quen kinh kệ cũng quyết tâm hợp sức, đồng lòng. Từ ngày dịch bệnh bùng phát trở lại, các sư cô chùa Phật Tổ (Phường 4, TP Cà Mau) đã vận động nhiều lương thực, nhu yếu phẩm cũng như nấu hàng ngàn suất cơm gửi đến bà con khó khăn, chốt kiểm soát và các khu phong toả. Những ngày chùa nằm trong khu phong toả, các sư cô nóng lòng, vì không thể giúp gì được bà con. Khi vừa được mở phong toả, bếp chùa lại cháy lửa bác ái, các sư cô liền đi mua nguyên vật liệu cùng phật tử gói hơn 1.000 bánh ú, nấu 1.000 phần xôi để tiếp tục góp sức với cộng đồng.

Sư cô cùng phật tử chùa Phật Tổ (Phường 4, TP Cà Mau) gói hơn 1.000 bánh ú, tiếp sức phòng, chống dịch.

Biết bao câu chuyện đẹp về tình người được viết nên từ tấm lòng phụ nữ quê tôi, từ già đến trẻ, từ công an, bác sĩ, kỹ sư, cô giáo, học sinh, sinh viên, đến những sư cô hay nông dân chân chất… càng khẳng định sức ảnh hưởng, vị trí quan trọng trong mọi hoàn cảnh, mọi công việc của “một nửa thế giới” ấy./.

 

Mộng Thường

 

Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát

Chiều nay (20/12), Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị về một số nội dung trọng tâm thực hiện Đề án xoá nhà tạm bợ, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2025.

Liên đoàn lao động khu vực Nam Sông Hậu hoàn thành tốt nhiệm vụ

Sáng 20/12, tại tỉnh Cà Mau, Cụm thi đua số 11 các Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) khu vực Nam Sông Hậu tổng kết phong trào thi đua năm 2024. Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Đức Hiển đến dự.

Chịu quan sát, thay đổi tư duy

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (xã Tắc Vân, TP Cà Mau) đoạt 4 giải tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp thành phố, với những giải pháp mang tính ứng dụng thực tiễn cao đến từ chính nỗ lực quan sát, học hỏi của các em.

Thêm niềm tin cho các bậc phụ huynh

Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, Trường Mẫu giáo Sen Hồng, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, đã chủ động thực hiện nhiều phong trào góp phần quan trọng trong hoàn thiện phát triển thể chất lẫn trí tuệ cho trẻ ngay từ bậc học mầm non.

Hơn 5.500 trẻ được sàng lọc khuyết tật

Sáng ngày 19/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau phối hợp với Ban Quản lý dự án Direct, Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” (dự án Direct) trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2024.

Cán bộ hội cơ sở xuất sắc

Chị Lê Thị Ðặng Tiền, 33 tuổi, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, là tấm gương điển hình về tinh thần trách nhiệm với công việc, có nhiều ý tưởng, sáng tạo mô hình giúp giảm nghèo cho địa phương một cách hiệu quả.

Chuẩn bị các điều kiện giải toả mặt bằng

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp Cảng Hàng không Cà Mau là công trình có nhiều ý nghĩa trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh Cà Mau. Ý thức được tầm quan trọng của công trình này, từ khi có chủ trương thu hồi đất, các địa phương có đất nằm trong vùng giải toả bắt tay thực hiện ngay công tác tuyên truyền, vận động, tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB).

Dìu dắt trẻ khuyết tật trưởng thành

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tỉnh Cà Mau (Trung tâm), ấp Cây Trâm, xã Ðịnh Bình, TP Cà Mau, nhiều năm qua trở thành địa chỉ tin cậy của phụ huynh có con em bị khuyết tật bẩm sinh, là ngôi nhà chung của trẻ em khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ trên địa bàn tỉnh. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng, giáo dục các em khuyết tật từ 3-22 tuổi, theo học từ mẫu giáo đến lớp 12.

Lan toả thông điệp tích cực về sức khoẻ và bình đẳng

Tối 17/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau phối hợp Cục Phòng chống HIV/AIDS, Ban quản lý Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, Nhóm MCN và các nhóm cộng đồng khu vực ĐBSCL tổ chức sự kiện truyền thông tuyên truyền về HIV và PrEP năm 2024.

Báo Tuổi Trẻ trao học bổng cho 200 học sinh Cà Mau khó khăn

Sáng ngày 17/12, tại hội trường Huyện uỷ U Minh, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Cà Mau tổ chức trao học bổng “Gieo mầm tri thức” cho 180 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích khá, giỏi tại huyện; mỗi suất học bổng trị giá 2 triệu đồng, gồm xe đạp và dụng cụ học tập.