ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 11:16:46
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phức tạp hành lang lộ giới

Báo Cà Mau (CMO) Tình trạng người dân lấn chiếm, cất nhà, xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên phần đất đã đền bù, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn đang diễn biến phức tạp.

Nhiều địa phương còn lỏng lẻo trong công tác chỉ đạo, điều hành về quản lý, xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ là một trong những nguyên nhân cơ bản làm phát sinh tình trạng trên.

Quản lý lỏng lẻo 

Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 1158/UBND-NC ngày 13/2/2018 gia hạn đến ngày 31/3/2018 phải xử lý xong vi phạm hành lang trên phần đất đã đền bù, giải phóng mặt bằng. Đến nay, nhiều địa phương xử lý còn chậm, để tồn tại nhiều mái che, chòi tạm, thậm chí là nhà cơ bản trên phần đất đã đền bù, giải phóng mặt bằng.

Vừa qua, Sở Giao thông vận tải kiểm tra tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên phần đất đã đền bù, giải phóng mặt bằng. Kết quả phát hiện 201 trường hợp vi phạm. Trong đó có đến 15 trường hợp cất nhà cơ bản, 35 trường hợp cất nhà bán cơ bản, nhiều lều quán và hơn 100 mái che, ngoài ra còn xây dựng hàng rào, cổng rào, chuồng trại... lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ.

Tình trạng họp chợ trái phép trên địa bàn TP. Cà Mau chưa được giải quyết dứt điểm.

Trên địa bàn huyện Thới Bình, tình trạng lấn chiếm khá nghiêm trọng, đặc biệt là tuyến đường xuyên Á đi qua các xã Biển Bạch, Tân Bằng...

Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng cho biết: “Huyện có trục hành lang ven biển phía Nam, tuyến Thới Bình - U Minh. Sau kiểm tra của Ban An toàn giao thông tỉnh và huyện ở 6 xã trên địa bàn huyện, có 102 trường hợp lều quán, mái che, nhà tạm vi phạm trên tuyến đường đã giải phóng mặt bằng, UBND huyện đã xử lý các trường hợp trên. Còn lại 3 trường hợp, 1 trường hợp thuộc hộ chính sách đến tháng 5 sẽ cất nhà theo diện chính sách. Các trường hợp khác sẽ tổ chức đối thoại với người dân và xử lý dứt điểm trong thời gian tới”.

Các tuyến đường hiện nay đã xử lý cơ bản vi phạm hành lang trên phần đất đã đền bù, giải phóng mặt bằng như: tuyến Quốc lộ 1, đoạn cầu Lương Thế Trân - Đầm Cùng, đường hành lang ven biển phía Nam, đường về Khu Căn cứ Tỉnh uỷ... Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn còn chậm trễ trong công tác kiểm tra, xử lý. Đặc biệt là huyện U Minh, theo báo cáo đánh giá của ông Dương Hoài Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Hội đồng Đền bù giải phóng mặt bằng huyện U Minh không làm hết trách nhiệm, khi nhận mốc bàn giao giải phóng mặt bằng tuyến đường Thới Bình - U Minh không bàn giao cho UBND xã quản lý, hiện nay trên địa bàn xã Nguyễn Phích có 48 trường hợp cất nhà, lều quán trên tuyến đường này nhưng vẫn chưa xử lý triệt để.

Cần kiên quyết xử lý triệt để 

Trước thực trạng trên, nhiều địa phương đã tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn để tồn tại tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn mình quản lý.

Ông Trần Văn Dũng khẳng định: “Huyện đã chỉ đạo các địa phương ra quân chấn chỉnh những trường hợp vi phạm. Đề nghị Chủ tịch UBND các xã xử lý dứt điểm và báo cáo kết quả về UBND huyện. Quan điểm của huyện là sau khi rà soát và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, có biên bản bàn giao cho UBND xã quản lý. Nếu tiếp tục để người dân lấn chiếm sẽ xử lý người đứng đầu địa phương nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý hành lang an toàn đường bộ”.

Tuy nhiên, một số địa phương còn lơ là với công tác này. Huyện U Minh không tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, TP. Cà Mau chỉ đưa vào nhận xét hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và xếp mức độ hoàn thành nhiệm vụ phù hợp theo kết quả nhận xét. Trong khi đó, thực tế trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại 7 điểm họp chợ trái phép bày bán hàng hoá, nông sản thực phẩm như: nhóm chợ trên đường Lý Thường Kiệt (khu vực Công ty Quốc Việt), mua bán lấn chiếm lòng đường tại chợ Phường 7, nhóm chợ trước Công viên Hồng Bàng, Đài Khí tượng thuỷ văn Phường 7, nhóm chợ trên đường Lê Hồng Phong (Công ty Minh Phú), mua bán lấn chiếm lòng đường tại chợ Phường 8, TP. Cà Mau...

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải, công tác chỉ đạo, điều hành về quản lý, xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ chưa được quan tâm. Điển hình là TP. Cà Mau, trong báo cáo kết quả thực hiện còn chung chung, chưa thống kê được thực tế có bao nhiêu trường hợp vi phạm hành lang trên địa bàn. Khi kiểm tra thực tế phát hiện nhiều xã, phường vi phạm hành lang, đoàn kiểm tra yêu cầu TP. Cà Mau rà soát báo cáo lại, nhưng đến ngày 13/4/2018, TP. Cà Mau vẫn chưa báo cáo.

Một trong những khó khăn trong công tác quản lý là việc cắm mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới chưa rõ ràng, nhất là các tuyến đường ô-tô về trung tâm xã. Một số địa phương thiếu quan tâm trong công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ, vẫn còn tâm lý nể nang, ngại va chạm. Không chỉ liên quan đến hộ dân mà vẫn có cơ quan Nhà nước vi phạm trên hành lang an toàn đường bộ như Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi trên địa bàn xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, xây dựng hàng rào nằm trong vi phạm hành lang đường bộ trên tuyến đường ô-tô về trung tâm xã.

Để xử lý dứt điểm vi phạm hành lang an toàn đường bộ, phần đã đền bù, giải phóng mặt bằng, Sở Giao thông vận tải đã kiến nghị Chủ UBND tỉnh có văn bản nhắc nhở, phê bình Chủ tịch UBND TP. Cà Mau trong công tác chỉ đạo các xã, phường xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên phần đất đã đền bù, giải phóng mặt bằng. Phê bình trách nhiệm của Hội đồng Đền bù giải phóng mặt bằng huyện U Minh, do không bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho UBND xã Nguyễn Phích quản lý, dẫn đến việc 48 trường hợp vi phạm hành lang trên tuyến đường Thới Bình - U Minh.

Đặng Duẩn 

Liên kết hữu ích

Ô tô lưu thông giờ cấm gây mất an toàn trước cổng trường

Theo phản ánh của một số người dân Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, hiện nay, tuyến đường Thái Thanh Hoà xuất hiện tình trạng nhiều ô tô, trong đó có cả ô tô tải lưu thông vào giờ cấm. Ðiều này đã gây ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông (ATGT) tại khu vực, nhất là vào giờ cao điểm, phụ huynh đưa đón học sinh tan học tại điểm Trường Tiểu học Ngô Bình An.

Học sinh vi phạm giao thông giảm

Theo đánh giá chung của các cơ quan chức năng, sau hơn 1 tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh, tình hình chấp hành luật giao thông trong học sinh chuyển biến tích cực, nhất là hạn chế tình trạng lỗi vi phạm không đủ điều kiện điều khiển xe máy tham gia giao thông. Từ những kết quả đạt được, các ngành chức năng, các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác này trong những tháng còn lại của năm, với quyết tâm không để xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đối với lứa tuổi học sinh.

Không giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi

Hiện nay, thực trạng học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông diễn ra phổ biến tại các điểm trường trên địa bàn tỉnh. Ðể giải quyết thực trạng này, ngoài sự phối hợp đồng bộ giữa phụ huynh học sinh (PHHS) và nhà trường thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự giám sát, quản lý chặt con em mình ngay từ gia đình của PHHS, người giám hộ, trong đó có việc không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Chở hàng cồng kềnh, nguy cơ tai nạn

Thời gian gần đây, trên các tuyến lộ từ nông thôn đến thành thị, xuất hiện ngày càng nhiều xe máy, xe tự chế chở hàng hoá, vật dụng có kích thước dài vượt quá quy định, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ va quẹt, tai nạn giao thông khó lường.

Tra cứu phạt nguội trước khi đăng kiểm xe cơ giới

Theo Thông tư 30/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, các phương tiện bị “phạt nguội” (vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát) chưa thực hiện việc chấp hành xử phạt vi phạm hành chính sẽ không được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. Ðây là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của các chủ phương tiện trước khi đăng kiểm xe. Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện vẫn chưa nắm rõ quy định này, khi đến hạn đăng kiểm, bị từ chối thì mới vỡ lẽ mình vi phạm.

Cao điểm xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Thực hiện tháng cao điểm xử lý vi phạm giao thông (VPGT) đối với học sinh của Cục Cảnh sát giao thông, trong những ngày vừa qua, lực lượng làm nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường nhiều biện pháp quyết liệt xử lý vi phạm đối với đối tượng học sinh tại các điểm trường.

Biển chỉ dẫn giao thông gây… mất an toàn

Ðó là biển chỉ dẫn trước cổng Trường Tiểu học Ðông Hưng 2, ấp Giá Ngự, xã Ðông Hưng.

Siết chặt quản lý vận tải đường bộ

Hiện nay, tổng số xe thuộc các đơn vị đăng ký kinh doanh hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hoá trên địa bàn tỉnh là hơn 3.100 xe, gồm xe buýt, xe tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng, xe trung chuyển và xe tải, xe công-ten-nơ, xe đầu kéo.

Phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông

Sáng 5/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Công ty Honda Việt Nam tổ chức lễ phát động trực tuyến với các tỉnh, thành trên cả nước về việc học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, năm học 2024-2025. Điểm cầu tỉnh Cà Mau được đặt tại Trường THPT Cái Nước (thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước).

Dừng, đỗ xe cần đúng luật và văn minh

Hiện nay, tại các khu vực nội thị TP Cà Mau, các loại phương tiện giao thông đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là đối với xe ô tô. Ðiều này đang tạo áp lực lên hạ tầng giao thông, cùng với đó là nhiều vấn đề phát sinh. Trong đó, chuyện đậu, đỗ xe nơi công cộng đã và đang là đề tài nóng, bởi có nhiều chuyện đáng bàn đằng sau vấn đề này.