ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 1-7-25 16:00:08
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Quê hương và những tấm lòng

Báo Cà Mau (CMO) Mẹ mất vì Covid-19, cha bệnh nặng, bản thân em Lê Trường Nhật (11 tuổi, ngụ Ấp 11, xã Thới Bình, huyện Thới Bình) vì căn bệnh thiếu máu não, cứ ôm đầu khóc mỗi khi tập trung nên buộc phải nghỉ học. Ðối với em, được đến trường là ước mơ quá xa vời, vì miếng cơm manh áo còn phải lo từng ngày thì biết lấy đâu ra tiền trị bệnh. Trường Nhật là 1 trong 100 trẻ mồ côi vì Covid-19 của tỉnh Cà Mau rất cần được sự hỗ trợ từ cộng đồng xã hội.

Ban Thông tin Truyền thông của Ban Liên lạc thực hiện phim ngắn “Tìm mẹ trong mơ” về gia cảnh của em Lê Trường Nhật.

Gia đình 5 khẩu đều sống và lao động ở Bình Dương. Cha em Nhật, ông Lê Văn Thanh, trong lúc làm việc phát bệnh thận, phải phẫu thuật 2 lần, gia đình lâm vào túng quẫn. Ðể giảm bớt gánh nặng, 2 chị gái của Nhật (23 tuổi và 15 tuổi) phải rời ghế nhà trường để làm thêm phụ đỡ gia đình. Thế rồi Covid-19 ập đến, cả cha và mẹ em đều nhiễm bệnh và buộc phải đi cách ly tập trung. 3 chị em Nhật đâu biết rằng lần đi ấy là lần ra đi mãi mãi của mẹ, người luôn yêu thương, là điểm tựa, trụ đỡ của cả gia đình.

Sau biến cố, 4 cha con ông Thanh dắt díu nhau về tựa nương quê nội (Ấp 11, xã Thới Bình) và được nội cất cho một căn chòi tạm bợ bên bờ sông. Do sức khoẻ yếu, ông Thanh chỉ quẩn quanh ở nhà coi sóc Nhật, còn nguồn thu nhập chính phải phụ thuộc vào tiền làm thuê của 2 con gái ở TP Cà Mau.

“Con nhớ mẹ!”, Nhật thắp nén hương, đứng lặng nhìn di ảnh. Ánh mắt đượm buồn của người cha khắc khổ như chạm đáy nỗi đau, ông Thanh bùi ngùi: “Học đến lớp 3 Nhật nghỉ ngang, phần vì gia cảnh khó khăn, phần vì cháu bệnh, chạy vạy khắp nơi điều trị vẫn không dứt. Mẹ mất, cháu tủi buồn, tội nghiệp. Tôi chỉ mong có điều kiện trị bệnh cho con để con được đến trường như bao đứa trẻ khác. Các chị nó cũng dang dở, tôi thương mà đâu làm gì được”.

Cũng vì Covid-19, em Nguyễn Ngọc Tiên (11 tuổi, Ấp 7, xã Trí Lực, huyện Thới Bình) rơi vào cảnh mất mát, đau thương khi mất cả cha lẫn mẹ. Bà Trần Thị Diệp (63 tuổi), bà ngoại Ngọc Tiên, chia sẻ: “Chồng trước của mẹ con bé mất đã lâu, có 2 đứa con trai, sau này mới bước thêm bước nữa sinh con bé Tiên. Nghịch cảnh, cả cha và mẹ nó đều nhiễm Covid-19 lần lượt qua đời. Lúc mẹ mất, nó gào khóc: “Cha mất rồi, mẹ bỏ tụi con ai nuôi”, tôi nghe chịu không nổi, cũng khóc theo”.

Cha mẹ mất, 3 anh em Tiên dắt nhau từ Bình Dương về sống với ngoại. Ông Võ Tiến Duẩn, công chức văn hoá - xã hội xã Trí Lực, cho biết, chồng bà Diệp bệnh triền miên, bản thân bà tuổi già sức yếu nên cháu lớn phải nghỉ học quay trở lại Bình Dương làm thuê, nhường cơ hội đến trường cho 2 đứa em (đứa lớp 8, đứa lớp 5). Ðông khẩu mà chỉ có mấy công vuông, và mảnh đất trồng rau nên việc nuôi 2 cháu nhỏ đang tuổi ăn học là rất khó đối với ông bà.

“Con muốn được đi học để sau này có việc làm lo cho ông bà ngoại. Cha mẹ con mất rồi, con chỉ còn ông bà thương con”, Ngọc Tiên lí nhí, giọng sắp khóc.

Thấu hiểu từ trái tim, đồng cảm với những hoàn cảnh của các em, Ban Liên lạc đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh (Ban Liên lạc) sẽ tổ chức Chương trình “Quê hương và những tấm lòng” lần thứ II chủ đề “Covid-19 nỗi niềm người ở lại” với thông điệp chính là “Tìm mẹ trong mơ”, diễn ra ngày 22/10 sắp tới.

Ông Trần Quốc Cường, Phó trưởng ban, Tổng thư ký Ban Liên lạc, cho biết, chương trình sẽ là nhịp cầu, là vòng tay yêu thương của cộng đồng xã hội chung tay - thấu hiểu - đồng cảm cùng những trẻ em mồ côi của 2 tỉnh quê nhà (Bạc Liêu - Cà Mau) để các em có tương lai tốt hơn, có sự yêu thương nào đó bù đắp cho các em. Thông qua chương trình, các em sẽ có một khoản kinh phí để tiếp tục học tập, cuộc sống ổn định hơn. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn sử dụng nguồn quỹ để chữa bệnh cho trẻ em mồ côi, xây - sửa nhà, nuôi và cấp dưỡng cho các em tới năm 18 tuổi.

Theo đó, để thực hiện thành công chương trình, Ban Tổ chức đã thực hiện nhiều tập phim ngắn “Tìm mẹ trong mơ” về những đứa trẻ mồ côi do Covid-19. Là người trực tiếp thực hiện, ông Nguyễn Thanh Sương, Ban Thông tin Truyền thông của Ban Liên lạc, chia sẻ, khi đến thăm và quay hình gia đình em Lê Trường Nhật, Nguyễn Ngọc Tiên và các em khác ở tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi rất chạnh lòng vì thương các con còn nhỏ đã chịu nỗi mất mát quá lớn. Ông mong rằng những thước phim dựa trên những cảnh đời có thật sẽ góp phần giúp chương trình chạm vào những trái tim nhân ái.

Theo ông Trần Quốc Cường, Chương trình “Quê hương và những tấm lòng” lần I đã thành công khi kết nối, gửi trao rất nhiều yêu thương đến những hoàn cảnh bệnh nhân nghèo, và đã dựng xây những căn nhà mơ ước. Hy vọng chương trình lần II sẽ thể hiện tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau của những người đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau đang sinh sống, làm việc, làm ăn kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh, ở các tỉnh, thành trong cả nước cũng như tại 2 tỉnh quê nhà, để giúp đỡ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa qua.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau cùng các đơn vị tại địa phương lập danh sách đề xuất trợ giúp đưa vào chương trình để vận động, gồm đối tượng bảo trợ hàng tháng, đối tượng cần sửa chữa hoặc xây mới nhà “Ðồng hương”...”, ông Trần Quốc Cường cho biết thêm.

Cụ thể, trẻ em mồ côi được hỗ trợ theo độ tuổi: trẻ em (800.000 đồng/tháng), học sinh tiểu học (600.000 đồng/tháng), học sinh THCS (700.000 đồng/tháng), học sinh lớp 10, 11 (800.000 đồng/tháng), học sinh lớp 12 (1 triệu đồng/tháng). Kinh phí sửa chữa nhà “Ðồng hương” là 20 triệu đồng/căn/hộ; kinh phí xây mới nhà “Ðồng hương” 50-70 triệu đồng/căn/hộ tuỳ theo trường hợp, hoàn cảnh. Theo đó, phương thức vận động tài trợ là kêu gọi, vận động tất cả các tổ chức, cá nhân mạnh thường quân trong và ngoài nước. Ngoài ra, sẽ bán đấu giá 2 chiếc xe cứu thương thuộc sở hữu của Ban Liên lạc để gây quỹ từ thiện./.

 

Băng Thanh

 

Hoàn thiện hạ tầng tạo sức bật toàn diện

Ðầu tư phát triển hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược được xác định trong Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Triển khai thực hiện, đến nay nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, nhiều dự án đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, cũng như chuẩn bị khởi công..., thực sự tạo đột phá không chỉ cho hạ tầng giao thông mà còn giúp kinh tế - xã hội (KT-XH) bứt tốc.

Chung sức, đồng lòng xây dựng Cà Mau phồn vinh

Tỉnh Cà Mau hợp nhất là kết quả từ chủ trương lớn của Ðảng, của đất nước, đòi hỏi mang tính lịch sử và ý nguyện lòng dân như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, người đứng đầu Ðảng ta khẳng định: “Chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố, không tổ chức cấp huyện là định hướng lớn, mang tầm chiến lược, bước đột phá về thể chế chuẩn bị cho “tầm nhìn trăm năm” phát triển”.

Diện mạo mới trên những vùng quê mới

Sau khi hợp nhất tỉnh, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Cà Mau (mới) sẽ chính thức bước sang giai đoạn phát triển cao hơn, với quy mô lớn hơn. Không chỉ mở ra không gian phát triển liên kết vùng mạnh mẽ, việc hợp nhất 2 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu còn tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương tiếp tục nâng tầm chất lượng NTM, hướng tới mục tiêu xây dựng những vùng quê đáng sống và phát triển bền vững.

Mái ấm trọn vẹn niềm vui

Chỉ trong chưa đầy 8 tháng, Cà Mau đã hoàn thành xây mới, sửa chữa 4.400 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình khó khăn về nhà ở, vượt tiến độ gần 3 tháng so với kế hoạch tỉnh và gần 5 tháng so với kế hoạch Trung ương về Ðề án xoá nhà tạm, nhà dột nát. Ðó là minh chứng sống động cho sự quyết liệt trong hành động của cả hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau, sự chung tay của cộng đồng và sức lan toả từ chủ trương đầy tính nhân văn.

Bàn giao 126 căn nhà cho hộ nghèo huyện Ngọc Hiển

Sáng 28/6, UBND huyện Ngọc Hiển phối hợp với VietinBank Chi nhánh Cà Mau tổ chức lễ bàn giao 126 căn nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn.

Vững vàng nơi trường thi đặc biệt

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, điểm thi Trường THPT Nguyễn Việt Khái (TP Cà Mau) đón 229 thí sinh tự do dự thi theo Chương trình GDPT 2006. Tuy không náo nhiệt như các điểm thi dành cho học sinh lớp 12, nhưng lại mang một không khí chững chạc, bình tĩnh và đầy quyết tâm của những người trở lại trường thi với quyết tâm chinh phục giấc mơ tri thức.

Huyện anh hùng hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Sau 3/4 thế kỷ hình thành và phát triển, huyện Trần Văn Thời - huyện anh hùng nằm ở phía Tây tỉnh Cà Mau, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của mảnh đất cuối trời Tổ quốc.

Báo chí góp tiếng nói dựng xây quê hương

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước, bước ngoặt quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn, kéo gần khoảng cách nông thôn - thành thị. 15 năm qua, từ khi thực hiện chương trình, diện mạo vùng nông thôn đổi mới, khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Trong hành trình ấy, báo chí không đơn thuần là phương tiện truyền thông mà trở thành bạn đồng hành, cầu nối quan trọng giữa ý Ðảng - lòng Dân.

Huỳnh Gia Hân và thư gửi “con cháu” của Trái đất

Với tinh thần ham học hỏi cùng sự nỗ lực không ngừng, em Huỳnh Gia Hân, Lớp 7A, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, là học sinh duy nhất của tỉnh Cà Mau đoạt giải Khơi nguồn ý tưởng Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 năm 2025, do Liên minh Bưu chính Thế giới - UPU tổ chức.

Vì đôi mắt trẻ thơ

Với mong muốn mang lại ánh sáng và sự tự tin cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn bị các bệnh về mắt, vừa qua, Bệnh viện Mắt - Da liễu tỉnh phối hợp cùng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, các chuyên gia đến từ TP Hồ Chí Minh và Quỹ Chăm sóc mắt Hà Lan (ECF) tổ chức đợt phẫu thuật mắt miễn phí cho hơn 60 trẻ dưới 15 tuổi mắc các bệnh lý lé mắt, sụp mi.