ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 16:55:40
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Nhà giáo và Dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

Báo Cà Mau Tiếp tục chương trình kỳ họp Quốc hội, chiều 9/11, Quốc hội dành thời gian thảo luận ở tổ về các Dự án Luật Nhà giáo và Luật Việc làm (sửa đổi).

*Tại Tổ 3, gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Bắc Giang, đại biểu có ý kiến đề nghị, dự thảo Luật Nhà giáo cần xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi… Nguồn lực của Trung ương và nguồn lực của địa phương như thế nào để đảm bảo luật có tính khả thi, hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống.​

Tạo đột phá về chính sách đãi ngộ, chính sách tiền lương

Các ĐBQH tán thành với sự cần thiết việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hoá các chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh chế độ, chính sách đối với nhà giáo cũng như tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Đặc biệt, bảo đảm sự nhất quán về quan điểm, chủ trương của Đảng là “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

ĐBQH Thái Văn Thành (tỉnh Nghệ An) phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

ĐBQH Thái Văn Thành cho rằng, dự thảo Luật có nhiều điểm mới như: địa vị pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập rõ ràng, quy định rõ về quyền và trách nhiệm của nhà giáo là người nước ngoài, từ đó tạo ra môi trường an tâm công tác, làm việc, cống hiến, sáng tạo cho đội ngũ nhà giáo ngoài công lập.

Đại biểu cho biết, về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo cũng có nhiều chính sách mới như tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục ở địa phương để chủ động trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phát triển đội ngũ nhà giáo, đào tạo bồi dưỡng, điều động, thuyên chuyển, đánh giá, sàng lọc đội ngũ nhà giáo; chủ động trong việc đào tạo, đặt hàng đối với nhà giáo.

Trong tuyển dụng đã chú trọng đến đặc trưng lao động sư phạm của nhà giáo, theo đó đã chú trọng đến năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng sư phạm và có thực hành sư phạm.

Đại biểu đánh giá cao, dự thảo Luật đã xây dựng được “tiêu chuẩn nghề nghiệp” của nhà giáo và “chuẩn nhà giáo” để nâng cao chất lượng của nhà giáo. Chuẩn nhà giáo như “chiếc gương soi”, giúp cho mỗi nhà giáo “tự soi, tự sửa”, tự bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ. Chuẩn nhà giáo là công cụ cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục xây dựng quy hoạch, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá và sàng lọc nhà giáo.

“Đồng thời, tiêu chuẩn chức danh nhà giáo và chuẩn nhà giáo còn là công cụ để kiểm soát chất lượng. Khi chúng ta chuyển từ quản lý sang quản trị, đây là cách tiếp cận theo xu thế của thế giới về đổi mới quản lý giáo dục, thì tiêu chuẩn và chuẩn là công cụ để kiểm soát chất và quản trị nguồn nhân lực…”, đại biểu Thái Văn Thành nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý, nghề nhà giáo có đặc thù lao động sư phạm rất khác, không chỉ là tiết dạy trên lớp mà còn có thời gian soạn bài, chấm bài. Do vậy, cần bổ sung quy định: thời gian soạn bài, chấm bài của giáo viên phải được quy thành tiết dạy trên tuần, trên năm.

Liên quan đến chính sách thu hút nhà giáo, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị bổ sung 2 đối tượng, đó là: những học sinh phổ thông có học lực xuất sắc, đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được tuyển thẳng vào ngành sư phạm; những sinh viên đại học tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại trường làm giảng viên. Những đội ngũ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở tất cả cấp học, bậc học và hệ thống giáo dục quốc dân.

Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị: xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo (như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi…), nguồn lực của Trung ương và nguồn lực của địa phương như thế nào để đảm bảo Luật khả thi, hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống.​

ĐBQH Lương Văn Hùng (tỉnh Quảng Ngãi) đề nghị, dự thảo Luật Nhà giáo cần tạo được tính đột phá về chính sách đãi ngộ, chính sách tiền lương, về tôn vinh nhà giáo và các chính sách đặc thù khác để phát triển đội ngũ nhà giáo trong giai đoạn mới, nhất là đối với nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đáng lưu ý, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa có quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, thiếu các chính sách để xây dựng một môi trường làm việc an toàn giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả.

Đại biểu Lương Văn Hùng cũng đề nghị bổ sung quy định nhà giáo được quyền tổ chức dạy thêm theo quy định của pháp luật.

Nhà giáo nước ngoài có thể tham gia các các cơ sở giáo dục công lập

Quan tâm đến chính sách của nhà giáo ngoài công lập, ĐBQH Hoàng Thị Thu Hiền (tỉnh Nghệ An) nêu rõ, dự thảo Luật đã có quy định nhân văn và tích cực, khi khẳng định vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập gần như ngang bằng với nhà giáo ở các trường công lập một cách đầy đủ, như về: định danh, về quyền, nghĩa vụ; nhà giáo ngoài công lập được đào tạo, bồi dưỡng, được thi đua, khen thưởng như nhà giáo trong các cơ sở công lập.        

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể và khả thi đối với nhà giáo ngoài công lập. Đơn cử, dự thảo Luật quy định đội ngũ nhà giáo phải được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục. Song kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo ngoài công lập chưa rõ ràng. Vì vậy, theo đại biểu, nên quy định nguồn kinh phí này từ ngân sách nhà nước.

Đối với đội ngũ giáo viên là người nước ngoài, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã có quy định mở cho sự tham gia của giáo viên nước ngoài vào hoạt động giáo dục. Đặc biệt là giáo dục quốc dân, giáo dục công lập, song trong từng điều luật quy định này còn mờ nhạt. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn việc nhà giáo nước ngoài có thể tham gia vào các cơ sở giáo dục công lập.

* Thảo luận tại tổ 16, gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Tĩnh, Cà Mau, Lâm Đồng và Lai Châu) về dự thảo Luật Nhà giáo, các đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy định: chính sách thu hút đối với nhà giáo thuộc các lĩnh vực kỹ thuật đặc thù, đòi hỏi chuyên môn cao, khó tuyển dụng; giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên ở các bộ môn nghệ thuật và yêu cầu cao ở khả năng thực hành; đồng thời, thiết kế chính sách tăng các khoản phụ cấp đặc thù (độc hại, đứng lớp…), bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thích ứng với sự phát triển trong thời đại mới (thời đại 4.0); khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong thực tiễn; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

                         Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 16.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), dự thảo luật cần bổ sung thêm một khoản quy định chính sách thu hút đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thuộc các lĩnh vực kỹ thuật đặc thù, khó tuyển dụng. Đặc biệt là các ngành đòi hỏi chuyên môn cao… Đồng thời, xem xét giảm tuổi nghỉ hưu cho các giáo viên ở các bộ môn nghệ thuật và yêu cầu cao ở khả năng thực hành (âm nhạc, mỹ thuật, thể dục....) cũng như nhân viên phụ trách phòng thực hành, thí nghiệm thuộc danh mục nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Cũng theo đại biểu Trần Đình Gia, không quy định nội dung quản lý nhà nước về giáo dục và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trong dự thảo Luật Nhà giáo. Bởi, nội dung này đã được quy định cụ thể tại Điều 104, Điều 105 Luật Giáo dục năm 2019… Còn nếu trường hợp quy định tại dự thảo Luật thì cần quy định bãi bỏ các điều trên tại Luật Giáo dục năm 2019 để tránh trùng lặp.                    

Về chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục, đại biểu đề nghị bảo lưu một số chính sách nhà giáo đối với cán bộ quản lý giáo dục đã từng là nhà giáo và hiện đang làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục, như: được lựa chọn, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức tại các phòng, sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội... Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi bạo lực, xúc phạm từ học sinh, phụ huynh và các bên khác; đồng thời, có chế tài nghiêm khắc với các vi phạm đạo đức nghề nghiệp của giáo viên.

“Các chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với nhà giáo các cấp học và trình độ đào tạo cần được luật hoá trong Luật Nhà giáo theo hướng phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động của cơ quan quản lý giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên”, đại biểu Trần Đình Gia đề xuất.

Cần quy định tăng các khoản phụ cấp đặc thù

Liên quan đến tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo (Điều 27), đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) dẫn dự thảo Luật quy định: “tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” và bày tỏ băn khoăn: Nếu quy định như vậy thì liệu có phải là thiết kế riêng một bảng lương cho ngành giáo dục không.                            

Theo đại biểu Giót, quy định như dự thảo Luật sẽ dễ gây mất công bằng giữa các lực lượng viên chức (đặc biệt là viên chức ngành y tế cũng rất vất vả). Do đó, đề nghị nên thiết kế chính sách lương đối với ngành giáo dục, như: tăng các khoản phụ cấp đặc thù (độc hại, đứng lớp…) sẽ phù hợp và không ảnh hưởng thang bảng lương chung trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) đề nghị: cần sửa đổi Điều 24 của dự thảo Luật, có điều khoản yêu cầu giảng viên các trường đại học, trung học nghề phải có thời gian thực tiễn (còn chế độ, chính sách sẽ do Chính phủ quyết định cụ thể).

  ĐBQH Đinh Ngọc Minh (tỉnh Cà Mau) phát biểu.

Cần bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu cho giáo viên

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (tỉnh Lâm Đồng) dẫn dự thảo Luật quy định tại khoản 3 Điều 23: “Nhà giáo đã công tác tại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục theo thẩm quyền giải quyết cho thuyên chuyển khi nơi đến đồng ý tiếp nhận”, đại biểu cho rằng: Quy định này sẽ khó thu hút được giáo viên đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… “Bởi, khi kết thúc 3 năm và giáo viên muốn quay trở lại thành phố hoặc nơi sinh ra thì theo quy định này, nơi đến phải tiếp nhận mới được chuyển, còn nếu nơi đến không đồng ý tiếp nhận thì sẽ khó khăn cho giáo viên có thể quay lại”, đại biểu phân tích.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) phát biểu.

Đại biểu cho rằng: trong 3 năm các cơ quan có thẩm quyền phải có phương pháp, giải pháp để đưa giáo viên hết thời hạn rời vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại chính sách: bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (khoản 2 Điều 29 trong dự thảo Luật).

Đỗ Trung Tín lược ghi

Tập hợp, phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ

Đây là chủ đề của Hội thảo khoa học “Vai trò và giải pháp của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trong việc tập hợp, phát triển đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ gắn với cong nghiệp hoá, hiện đại hoá, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau chủ trì tổ chức ngày 22/11.

Ban Kinh tế - Ngân sách thẩm tra các văn bản trình Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khoá X

Ngày 22/11, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Ban HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị thẩm tra các văn bản trình Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khoá X.Ngày 22/11, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Ban HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị thẩm tra các văn bản trình Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khoá X.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tiếp công dân định kỳ tháng 11/2024

Sáng 22/11, thừa uỷ quyền Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, tiếp công dân định kỳ tháng 11/2024.  

Logo tỉnh Cà Mau phải đảm bảo sự khác biệt và dễ nhận biết

Ngày 22/11 Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC) phối hợp với Công ty TNHH Sáng tạo Bồ Công Anh tổ chức Hội nghị Báo cáo kết quả thực hiện nội dung “Xây dựng chiến lược thương hiệu và logo tỉnh Cà Mau” thuộc Dự án Xây dựng hình ảnh, thương hiệu tỉnh Cà Mau.

Cà Mau bắn pháo hoa mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ tại Quảng trường đường Trần Hưng Đạo

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ năm 2025. Theo đó, tại thành phố Cà Mau, tổ chức chương trình nghệ thuật, bắn pháo hoa mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ năm 2025 vào lúc 21 giờ ngày 28/1/2025 (nhằm ngày 29 tháng chạp năm Giáp Thìn), tại Quảng trường đường Trần Hưng Đạo, Phường 5.

Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp tỉnh đóng góp trên 11 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội

Chiều 21/11, tại trụ sở Hội LHPN tỉnh, Câu lạc bộ (CLB) Nữ Doanh nghiệp (DN) tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh và đại diện Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh.

Bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Các nhà giáo, giảng viên thuộc 3 trường: Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, Cao đẳng cộng đồng và Cao đẳng Y tế Cà Mau được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số.

Kiến nghị dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau

Chiều 20/11/2024, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại Ban quản lý Dự án xây dựng công trình giao thông

Chiều nay (20/11), Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ do ông Lê Thanh Triều, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, làm trưởng đoàn có buổi làm việc, kiểm tra kết quả thực hiện quy chế dân chủ tại Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông.

Nhiều ý kiến của cử tri phản ánh về giao thông nông thôn, ô nhiễm môi trường

Sáng 20/11, Đoàn đại biểu HĐND tỉnh và HĐND huyện Cái Nước có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khoá X tại xã Tân Hưng Đông. Có 70 cử tri tham dự.