Thị trường bảo hiểm Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn tồn tại một số vấn đề như: tình trạng “ép” khách hàng mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng, tư vấn sai lệch thông tin, chi trả bồi thường không sòng phẳng... Ðể giải quyết những vấn đề này, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định mới nhằm nâng chất ngành bảo hiểm và bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Thời gian qua, hoạt động bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng tiềm ẩn nhiều bất cập, gây bức xúc cho khách hàng. Tình trạng “ép” mua bảo hiểm để được vay vốn, lãi suất ưu đãi, tư vấn sai lệch thông tin, thiếu minh bạch về quyền lợi và nghĩa vụ... là những vấn đề nhức nhối. Ðể chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC ngày 2/11/2023 (Thông tư 67) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NÐ-CP ngày 1/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Với 7 chương, 62 điều và 13 phụ lục, Thông tư 67 tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đồng thời đưa ra nhiều quy định mới nhằm nâng cao chất lượng tư vấn bảo hiểm, đặc biệt là qua các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Những quy định ràng buộc việc bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng được kỳ vọng giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong ngành ngân hàng và bảo hiểm. (Ảnh minh hoạ).
Luật sư Trần Tuấn Lượng, Văn phòng Luật sư TP Cà Mau, cho biết: “Kể từ ngày 1/7/2024, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bán các sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với cung ứng sản phẩm, dịch vụ từ ngân hàng theo Luật các TCTD (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Từ lâu, bán bảo hiểm nhân thọ (BHNT) thông qua các sản phẩm vay ngân hàng luôn là nỗi bức xúc rất lớn với người đi vay. Người đi vay phải bỏ ra số tiền tối thiểu từ 1% trên khoản vay để mua các hợp đồng BHNT đi kèm. Thấy được những bức xúc của người dân, Quốc hội cũng vừa chỉ đạo kịp thời chấn chỉnh. Ðồng ý là BHNT có những mặt tích cực nếu nhìn về tính nhân văn của nó, tuy nhiên, để áp dụng gần như toàn bộ với các khách hàng đi vay thì rất khó để chấp nhận”.
Chị N.T.L, trưởng phòng một ngân hàng thương mại chi nhánh Cà Mau, phân tích rõ: “Thông tư 67 đưa ra những quy định mới về tư vấn sản phẩm bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng. Mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của TCTD phải thiết lập một quầy giao dịch riêng để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Khu vực này phải tách biệt với khu vực hoạt động nghiệp vụ khác của TCTD, giúp khách hàng dễ dàng nhận diện và có trải nghiệm chuyên nghiệp khi tham gia tư vấn bảo hiểm. Bên cạnh đó, quy trình tư vấn đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như bảo hiểm liên kết đầu tư, đại lý bảo hiểm bắt buộc thì phải ghi âm toàn bộ quá trình tư vấn, giúp đảm bảo tính minh bạch, khách hàng có thể lưu lại để tham khảo và đối chiếu thông tin sau này”.
Nhìn chung, những quy định mới về tư vấn sản phẩm bảo hiểm trong Thông tư 67 thể hiện sự quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với quyền lợi của khách hàng. Việc thực hiện nghiêm túc các quy định này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn bảo hiểm, giúp khách hàng đưa ra quyết định sáng suốt khi tham gia bảo hiểm.
Ngân hàng không được yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm để được vay vốn, hưởng lãi suất ưu đãi hoặc sử dụng dịch vụ ngân hàng khác. Ngân hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm bảo hiểm, bao gồm quyền lợi, nghĩa vụ, phí bảo hiểm, quy trình giải quyết quyền lợi... cho khách hàng trước khi ký kết hợp đồng. Bên cạnh đó, nhân viên tư vấn bảo hiểm phải có chứng chỉ hành nghề và được đào tạo bài bản về sản phẩm bảo hiểm. Khách hàng có quyền huỷ hợp đồng bảo hiểm trong thời gian chờ (15 ngày) mà không phải chịu phí và yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về hợp đồng bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm... Ðồng thời, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng sẽ tăng cường giám sát hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng, xử lý nghiêm các vi phạm.
Luật sư Trần Tuấn Lượng cho biết thêm: “Nhiều ngân hàng yêu cầu phải mua bảo hiểm thì mới được giải ngân, mặc dù pháp luật đã cấm nhưng vẫn còn một số làm chui. Như vậy, trong trường hợp nhân viên ngân hàng cứ ép khách hàng phải mua thì sẽ bị xử lý. Theo khoản 2, Ðiều 17, Nghị định 98/2013/NÐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 48/2018/NÐ-CP), quy định, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm; không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật; ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính; triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khoẻ không theo quy định pháp luật; ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức”.
Do đó, khi vay vốn và gặp phải trường hợp giao dịch viên ép khách hàng phải mua bảo hiểm mới cho giải ngân khoản vay thì người đi vay có thể ghi âm, ghi hình hoặc lưu lại những bằng chứng như tin nhắn, văn bản và khiếu nại đến đường dây nóng Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cà Mau (Hotline: 0290 3830643).
Theo Thông tư 67, các TCTD không được tư vấn, giới thiệu, chào bán hoặc thu xếp việc ký kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong vòng 60 ngày trước và sau khi giải ngân khoản vay. Quy định này được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng nhiều ngân hàng ép buộc khách hàng mua bảo hiểm liên kết đầu tư khi vay vốn, gây ra nhiều bất lợi khi khách hàng phải trả thêm phí bảo hiểm, dẫn đến áp lực tài chính. Bảo hiểm liên kết đầu tư có tính chất đầu tư, tiềm ẩn rủi ro mất mát tài sản. Thêm vào đó, nhiều khách hàng không được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến việc mua sản phẩm không phù hợp với nhu cầu. |
Việt Mỹ