(CMO) Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là quy hoạch vùng đầu tiên của cả nước được duyệt theo Luật Quy hoạch. Điều này cho thấy tiềm lực, kỳ vọng và vai trò chiến lược của vùng ĐBSCL trong định hướng phát triển đất nước. Trước đó, năm 2017, Nghị quyết 120 của Chính phủ, hay còn gọi là nghị quyết “thuận thiên” ra đời với mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết “thuận thiên”, và nay là quy hoạch “thuận thiên”, được coi là một cú hích quan trọng, tạo xung lực phát triển mạnh mẽ, toàn diện cho khu vực ĐBSCL, trong đó có tỉnh Cà Mau.
Mục tiêu của quy hoạch vùng ĐBSCL chỉ rõ, phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải thực hiện “4 tốt” trong quy hoạch: “Quy hoạch tốt để có dự án tốt; có dự án tốt để có nhà đầu tư tốt; có nhà đầu tư tốt để có sản phẩm tốt”; đồng thời nêu ra 28 chữ định hướng phát triển cho vùng ĐBSCL: “Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, chủ động thích ứng, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công tư, đời sống chất lượng”.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị vùng ĐBSCL phải phát huy được tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển của mình; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hoá...); nguồn lực bên ngoài là quan trọng đột phá (nguồn vốn, quản trị, công nghệ...); kích hoạt mọi nguồn lực đầu tư công - tư, trong đó đầu tư công định hướng, dẫn dắt cho đầu tư tư nhân. Trong quy hoạch phát triển của từng địa phương phải đảm bảo tính liên kết, tránh tư duy manh mún, cục bộ.
Phát biểu tại hội nghị về thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn ra tại Kiên Giang ngày 6/3, ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, nêu những khó khăn của địa phương và cũng là thách thức chung của vùng ĐBSCL, với các vấn đề nổi cộm: kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và biến đổi khí hậu. Cà Mau đề xuất Chính phủ có các cơ chế đặc thù về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; hệ thống giao thông huyết mạch; hệ thống công trình ứng phó biến đổi khí hậu... để kết nối, thu hút đầu tư, ổn định phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt là huyết mạch giao thông, là ưu tiên hàng đầu của Cà Mau trong giai đoạn hiện nay. (Trong ảnh: Công trình cầu Lung Trường, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, thuộc dự án tuyến kết nối bờ Nam Sông Đốc với đầm Thị Tường). |
Trong quy hoạch vùng ĐBSCL, tỉnh Cà Mau nằm trong 2/3 tiểu vùng là vùng sinh thái mặn - lợ ven biển và vùng chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng. Nhìn vào mục tiêu phát triển tổng quát của tỉnh Cà Mau, văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, nêu rõ: “Xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy đoàn kết, dân chủ, đồng thuận trong Nhân dân; tiếp tục khơi dậy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chú trọng phát triển kinh tế biển; thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh”, cho thấy tâm thế sẵn sàng, sự chuẩn bị chu đáo, phù hợp và có tính dự báo chủ động của tỉnh Cà Mau ứng với quy hoạch vùng ĐBSCL vừa mới được phê duyệt.
Trong định hướng tương lai, Cà Mau xác định phải phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển; phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng; phát triển các thành phần kinh tế, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển, liên kết vùng... là những nhiệm vụ và giải pháp chiến lược cho phát triển kinh tế của địa phương trong giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là những nội dung cốt lõi mà quy hoạch vùng ĐBSCL nêu bật.
Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, Cà Mau đã nêu bật đường hướng phát triển có tính tương thích cao với quy hoạch vùng ĐBSCL trong chiến lược phát triển. Cụ thể, văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI xác định: “Thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tổ chức lại sản xuất, tạo bước đột phá trong phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái - hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng; phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh, khai thác tối đa nội lực nhằm tạo giá trị gia tăng mạnh lĩnh vực ngư, nông, lâm nghiệp. Tập trung thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm; Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quy hoạch, phát triển nông nghiệp trên 2 vùng hệ sinh thái (mặn - lợ, ngọt). Phát triển mạnh nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái; từng bước phát triển nuôi ven biển, ven sông ở những nơi có điều kiện; phát triển nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả và bền vững, thích ứng với thay đổi của điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu và yêu cầu của thị trường, gắn với chế biến, tiêu thụ các sản phẩm có lợi thế”.
Ngành tôm là ngành hàng chủ lực của Cà Mau trong chiến lược phát triển kinh tế. (Ảnh chụp đầm tôm siêu thâm canh của nông dân huyện Đầm Dơi). |
Sự chuẩn bị, chủ động của Cà Mau còn nằm ở yếu tố then chốt, quyết định cho mọi sự thành - bại, đó là con người. Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Cà Mau được xác định là: “Xây dựng con người phát triển toàn diện cả về đạo đức, nhân cách, trí tuệ, năng lực làm việc, đổi mới sáng tạo. Tích cực đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, yêu nước, cần cù, sáng tạo của Nhân dân Cà Mau”.
Có thể nói, thời cơ mới, vận hội mới đã mở ra với khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, với tư cách là vùng được phê duyệt quy hoạch đầu tiên của cả nước. Ở đó thiên thời, địa lợi, nhân hoà đều hội tụ, nội lực và ngoại lực kết hợp thành sức mạnh tổng thể, tạo nên đà bứt phá mạnh mẽ, bền vững trong hành trình phát triển tương lai. Tuy nhiên, sự chủ động, ý chí tự lực, tự cường, sáng tạo của mỗi địa phương, hơn lúc nào hết, mới chính là chìa khoá mở ra và kích hoạt chuỗi thành công./.
Phạm Quốc Rin