ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 25-6-25 06:26:01
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Rau sạch lên phố

Báo Cà Mau (CMO) Những ngày tháng 8 vừa qua thật ý nghĩa và không thể nào quên đối với bà con gắn bó với hoa màu bao đời nay trên vùng đất ngọt huyện Trần Văn Thời. Vậy là sau bao năm tháng trông mong, sau không ít lần cứ ngỡ sẽ chùn bước, cuối cùng “thủ phủ” hoa màu của tỉnh cũng có được thương hiệu của riêng mình.

Rau an toàn Trần Hợi làm nức lòng hàng ngàn nông dân yêu hoa màu, yêu nghề trồng rẫy và những người con quê hương xa, gần.

Nhìn sản phẩm mình và bà con làm ra được đóng gói, nhãn mác, thương hiệu hẳn hoi, được trưng bày trong gian hàng đẹp mắt ngay tại chợ trung tâm của huyện, lòng ông Hai Thọ (Trần Văn Thọ) cứ bồi hồi. Đêm liên hoan chỉ nhâm nhi có vài ly rượu, tách trà mà những nông dân tâm huyết với rau an toàn, rau sạch như ông trò chuyện thâu đêm. “Vui quá! Lòng cứ chộn rộn nên không tài nào ngủ được”, ông Hai Thọ trần tình.

Thật ra, mô hình rau VietGAP, rau an toàn từ lâu không còn lạ lẫm đối với nông dân trồng màu huyện nhà nói chung, chớ không riêng xã Trần Hợi, nhưng bao mô hình, bao dự án rau sạch được triển khai cuối cùng cũng đi vào lối mòn: Đầu ra phụ thuộc thương lái và giá cả đâu khác gì rau sản xuất trước kia. Vậy là, thật giả lẫn lộn. Rồi mục tiêu rau sạch đề ra là tạo sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao giá thành sản phẩm không thể đạt được. Cuối cùng, “đứa con” rau sạch cứ giậm chân tại chỗ, không lớn lên nổi.

Rau an toàn Trần Hợi một thời cũng rơi vào vòng luẩn quẩn ấy. THT rau an toàn xã Trần Hợi có diện tích canh tác 21,65 ha, với 19 thành viên tham gia, gồm Ấp 1, Ấp 4, Ấp 5 và ấp Bình Minh 1, đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP từ cuối năm 2018. THT cũng đã nâng lên thành HTX nhưng thương hiệu không, nhãn mác cũng không, phải nhờ thương lái tiêu thụ hộ và đành ngậm bồ hòn chịu cảnh bị ép giá giống như trước.

Rau sạch bán cho thương lái rồi hoà chung với dòng rau sản xuất theo tập quán xưa cũ (phân, thuốc hoá học tồn dư, sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng) làm cho người tiêu dùng dù muốn sử dụng sản phẩm sạch nhưng chẳng biết đâu mà lần.

Thành bại do người. Chưa nỗ lực hết mình sao biết không làm được. Nghĩ thế nên anh Bảy (Quách Bé Bảy, Trưởng ấp 5, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX rau an toàn Trần Hợi) quyết tâm phải đưa rau an toàn ra thị trường, đến tận tay người tiêu dùng cho kỳ được.

Rau an toàn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Đứng trước những khó khăn về đầu ra, giá thành sản phẩm, không ít bà con chán nản, lại muốn quay về kiểu canh tác truyền thống. Thế là anh Bảy lại kiên trì thuyết phục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Để bà con tin tưởng, HTX phải cho họ thấy rau an toàn sẽ đem lại những gì? Vậy là, vừa vận động nông dân quyết giữ quy trình sản xuất rau an toàn, anh Bảy vừa tất bật ngược xuôi liên hệ nhờ các ngành, chính quyền các cấp hỗ trợ. Cuối cùng, hơn 7 tháng ròng chưa giây phút nào từ bỏ, sản phẩm rau an toàn Trần Hợi đã hiên ngang có mặt trên thị trường, đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm vì sức khoẻ.

Ông Hai Thọ bày tỏ: “Từ khi triển khai dự án trồng rau, đến giờ gần 2 năm, mong ước rau an toàn Trần Hợi tiếp cận được với thị trường đã thành hiện thực. Không từ nào nói lên hết niềm vui của nông dân chúng tôi”.

Dù sản xuất rau sạch, năng suất, sản lượng không bằng so với thời lạm dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật, chưa kể phải cực công làm cỏ, bắt sâu, phải chở hàng đến địa điểm quy định để HTX đóng gói, dán nhãn mác, thay vì chỉ cần vô bọc rồi thương lái đến tận nhà cân, khoẻ hơn nhiều nhưng anh Ngô Văn Sơn (Ấp 5) vẫn thấy rất vui. Anh Sơn chia sẻ: “Sản phẩm mình làm ra an toàn cho người tiêu dùng là mình yên tâm rồi. Hơn nữa, khi tham gia vào HTX, anh em đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, có hoạch định sản xuất rõ ràng. Như tôi trồng khổ qua thì người khác trồng dưa leo, cà chua. Vậy là không sợ cảnh đụng hàng dội chợ. Sản phẩm của mình cũng có giá thành cao hơn so với bán cho thương lái. Bình quân rau cao hơn 1 ngàn đồng, củ cao hơn 2 ngàn đồng. Nhưng hiện tại, thương hiệu mình còn mới mẻ, chưa tìm được nhiều nơi tiêu thụ nên HTX chỉ thu mua số lượng ít, mình vẫn còn phải bán cho thương lái”.

Vì sức khoẻ người tiêu dùng nhưng điều nông dân quan tâm vẫn là hiệu quả kinh tế của rau sạch phải cao hơn rau sản xuất bên ngoài. Như lời bộc bạch của chị Phạm Tuyết Nhung, Ấp 5: “Sản xuất rau an toàn này chi phí ít, nhưng tôi quan tâm hơn là thu nhập có khác gì so với trước hay không, người tiêu dùng có lựa chọn sản phẩm mình hay không?”.

Nối nghiệp cha, vụ màu đầu tiên trong sự nghiệp trồng rẫy cũng là thời điểm rau an toàn ra mắt thị trường nên anh Nguyễn Quốc Thống (Ấp 5) rất háo hức. Anh Thống bộc bạch: “Mình hy vọng rau an toàn sẽ mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương”.

Anh Bảy tâm tình: “Rau an toàn Trần Hợi mới ra mắt thị trường nên chắc chắn sẽ gặp những khó khăn về vấn đề tiêu thụ, nắm tình hình nhu cầu của thị trường. Nhưng trước không có thương hiệu mình còn xây dựng được thương hiệu thì chỉ cần đồng lòng, đặt chữ "tâm" lên tất cả là mình sẽ phát triển. Hiện tại cũng có tín hiệu khả quan. Một số công ty cũng đang đặt hàng. Sắp tới, chúng tôi sẽ nỗ lực mở gian hàng ở nhiều nơi nữa như Sông Đốc, Cái Đôi Vàm và quảng bá, tiếp cận các nơi tiêu thụ ngoài địa phương”.

Xây dựng được thương hiệu đã khó, giữ vững được thương hiệu càng khó hơn. Nhưng tin rằng, những nông dân cần lao yêu hoa màu như yêu từng hơi thở cuộc sống của xã Trần Hợi anh hùng sẽ làm được. Và mai đây, rau an toàn Trần Hợi sẽ không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà ngày càng đi xa hơn nữa./.

Ngọc Minh