ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 19-1-25 07:06:32
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Rủi ro trong đầu tư tiền điện tử

Báo Cà Mau Thị trường tiền điện tử (Cryptocurrency) đã trải qua năm 2022 đầy biến động với mức độ cao hơn nhiều so với các thị trường tài chính truyền thống. Trong đó, Bitcoin, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới, đã giảm hơn 70% giá trị so với mức đỉnh lịch sử được thiết lập vào tháng 11/2021. Sự sụt giảm của thị trường tiền điện tử đã khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng "gồng lỗ" (thuật ngữ chỉ việc nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ tài sản dù giá trị của tài sản đó đã giảm đáng kể).

Nhà đầu tư gồng lỗ

Theo dữ liệu của CoinMarketCap, tổng vốn hoá thị trường tiền điện tử đã giảm từ mức đỉnh 3.200 tỷ USD, vào tháng 11/2021, xuống còn khoảng 900 tỷ USD vào ngày 19/7/2023.

“Sau khi đạt đỉnh gần 70 ngàn USD, từ đầu năm 2021 đến nay Bitcoin chỉ còn những đợt giảm mạnh, do ảnh hưởng từ lạm phát tăng cao của nước Mỹ. Thêm vào đó là chu kỳ tiền điện tử bước vào giai đoạn ngủ đông, khiến giá trị tiền điện tử sụt giảm khá nhiều. Kèm với đó là những sự kiện tiêu cực của tiền điện tử, khiến niềm tin của nhà đầu tư bị sụt giảm, dẫn tới các đợt bán tháo diễn ra nhiều hơn, làm giá trị sụt giảm gần 70% tính từ đầu năm 2022 đến nay”, ông Nguyễn Thành Long (Phường 4, TP Cà Mau), nhà đầu tư lâu năm trong lĩnh vực tiền điện tử, đánh giá.

Nhà đầu tư đang theo dõi biểu đồ  thị  trường tiền điện tử.

Hơn 1 năm về trước, đúng lúc có nhóm bạn rủ đầu tư vào tiền điện tử, ban đầu chị Nguyễn Thị D (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) rất do dự vì không hiểu gì về loại hình này. Nhưng sau vài buổi trao đổi, tìm hiểu, chị thử mang mấy chục triệu đồng đi mua một ít đồng coin. Chỉ sau một thời gian ngắn, chị D đã thu về lợi nhuận lên đến 50%. Phấn khích với thành quả đạt được, chị D rút 400 triệu đồng sổ tiết kiệm và bán vàng tích luỹ để đầu tư thêm. Lần này, tiếp tục mang lại lợi nhuận 40%, chị D có trong tay gần cả tỷ đồng. Nhưng rồi, đến những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2022, khi thị trường tiền điện tử cứ cắm đầu rơi một mạch, chị D bắt đầu cảm thấy lo sợ. Mỗi nhịp rơi, chị lại vay mượn người thân, bạn bè để bơm thêm tiền mua. Song không ngờ, thị trường chỉ hồi một phiên rồi lại rơi mãi, rơi mãi, cho đến mức chị D buộc phải cắt lỗ. “Chỉ vài ngày, tài khoản tôi hết sạch, chỉ còn vài chục USD. Tôi ngậm ngùi, chỉ biết xoá ứng dụng đầu tư và không muốn nghĩ tới nữa”, chị D thất vọng kể.

“Kinh khủng hơn là sự xuống dốc không phanh của đồng LUNA (đồng tiền điện tử). Vào tháng 4/2022, đồng tiền số này lập đỉnh, với thị giá lên đến 119,5 USD. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 tuần lễ đồng tiền này rơi chỉ còn 30 USD vào ngày 11/5/2022, trong vòng 24 giờ sau đó LUNA giảm về mức 0,9 USD. Nghĩa là, trong một ngày nó đã mất đến 90% giá trị”, anh Lê Thế Trân (Phường 4, TP Cà Mau), nhà đầu tư đời đầu ở lĩnh vực tiền điện tử, chia sẻ.

Giai đoạn hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Tại Việt Nam, tiền ảo không phải là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp, theo quy định tại Nghị định số 80/2016, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012, về thanh toán không dùng tiền mặt và xử lý theo quy định tại Nghị định số 88/2019, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.

 Công văn 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngày 21/7/2017, gửi Văn phòng Chính phủ, đã khẳng định: Tiền ảo nói chung, Bitcoin, Litecoin nói riêng, không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung).

Do đó, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Vì vậy, các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế, như Binance, Coinbase... hoặc thông qua hình thức thoả thuận trực tiếp, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cà Mau tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại các chỉ thị: Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính; Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 13/4/2018 về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo./.

 

Việt Mỹ