ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 5-11-24 10:40:30
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Sắc xuân giữa hồn đầm

Báo Cà Mau (CMO) Về đầm Thị Tường biết bao nhiêu lần, mà cứ lạ, mỗi lần chạm mắt vào sóng vỗ xôn xao, màu lá dừa nước xanh ngút tận chân trời, lòng tôi cứ bồi hồi thổn thức. Mấy ông già xưa, dân cốt cựu ven đầm rủ: “Gần Tết này làm một chuyến về Xẻo Ðước chơi. Lai rai ly rượu đế với dân quê, tâm tình chuyện xưa, chuyện nay”. Ðộ rày gió trời lộng lẫy chuyển mùa, vậy là lên xe mà rong ruổi về nơi đã hẹn. Sắc xanh của trời đất, của hồn đầm và của những con người kiên trung, chân chất nơi đây thật khó nơi đâu trên đất Cà Mau này mà tìm được...

Ðầm nuôi kháng chiến, đầm vây quân thù

Xin mạn phép mượn tứ thơ nổi tiếng để nói về vùng căn cứ cách mạng ven đầm Thị Tường. Nơi đây, mỗi tấc đất, mỗi bụi dừa nước, mỗi nóc gia đều có công ơn với cách mạng. Trong thời lửa đạn, lòng đầm nuôi nấng kháng chiến bằng nguồn lợi cá tôm mà khó nơi đâu sánh được. Riêng căn cứ Tỉnh uỷ Xẻo Ðước, đứng chân ở nơi hiện nay là ấp Xẻo Ðước, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, đã trở thành dấu son chói lọi trong những trang sử hào hùng của vùng đất Cà Mau.

Một góc đầm Thị Tường.   Ảnh: DUY KHẢI

Trong trí nhớ của ông Sáu Nhờ (Huỳnh Văn Nhờ), nay đã ở tuổi 75, chuyện Khu căn cứ Tỉnh uỷ an toàn từ năm 1960 đến ngày giải phóng là niềm tự hào to lớn của mỗi người dân vùng Xẻo Ðước. Bởi xung quanh khu căn cứ, đồn giặc đóng ken dày. Xóm Xẻo Ðước khi trước gọi là Xóm Mới, bởi dòng người gốc gác từ miền ngoài vào khai đất, lập làng. Chính những người dân Xẻo Ðước đã góp sức, góp của, cùng với các cơ quan Tỉnh uỷ xây cất nên khu căn cứ bằng lá dừa nước, cây gỗ địa phương làm nơi đứng chân hoạt động.

Truyền thống cách mạng trở thành thứ tài sản quý báu nhất mà người dân Xẻo Ðước trân trọng gìn giữ, lưu truyền. Chính tại nơi đây, chúng tôi hiểu sâu sắc thế nào là tình quân dân cá nước, là thế trận chiến tranh Nhân dân của xứ sở anh hùng. Người dân Xẻo Ðước sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ an toàn cho căn cứ đầu não kháng chiến Cà Mau. Từ già đến trẻ quán triệt nguyên tắc “3 không”: không nói, không nghe, không biết. Cả tổ ong vò vẽ cũng biết đánh giặc thù.

“Thế hệ ba má của chúng tôi căn dặn chúng tôi rằng, phải theo cách mạng, đánh đuổi giặc thù”, ông Nguyễn Văn Một, cựu chiến binh hơn 70 tuổi mà tổ tiên đã gắn với đất đai Xẻo Ðước, thổ lộ.

Xẻo Ðước không chỉ là huyền thoại, mà còn hiện hữu hôm nay tấm lòng sắt son của những con người bình dị với Ðảng, với Bác Hồ. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết: “Hầu như trong mọi chủ trương, người dân Xẻo Ðước đều đi đầu ủng hộ và thực hiện. Trong mỗi gia đình, những câu chuyện về khu căn cứ, về truyền thống cách mạng vẫn được nhắc nhớ, gìn giữ, phát huy. Vì thế, những thế hệ tiếp nối của vùng Xẻo Ðước nhiều người đã học tập, trưởng thành, quay trở lại đóng góp sức mình cho sự phát triển của quê hương. Người ở lại thì hăng say lao động, làm giàu chính đáng cho mình, cho đời”.

Màu xanh trên đất anh hùng

Trong câu chuyện, ông Sáu Thắng (Nguyễn Văn Thắng), người con ruột thịt của Xẻo Ðước, tâm tình: “Năm qua dịch giã khó khăn thiệt. Cũng nhờ áp dụng phương châm phòng gian, bảo mật thời kháng chiến mà dân ở đây vẫn bình an”.

Vừa nói vừa cười, ông Sáu Thắng tiếp lời: “Hồi đó cứ thấy ai lạ vô gần khu căn cứ là mình báo động liền. Còn chống giặc Covid-19 cũng vậy thôi, thấy ai từ nơi khác về, nghi ngờ là mình báo ngay”.

Ông Thắng khoe: “Nói vậy thôi, chớ dân Xẻo Ðước vẫn sống khoẻ qua mùa dịch. Cái mình chờ đợi là tình hình dịch được kiểm soát thật sự, chuyện làm ăn hanh thông hơn trong năm tới”.

Ông Huỳnh Văn Bé, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Phú Mỹ, tiết lộ: “Dân Xẻo Ðước phải nói là cần cù, chịu khó. Dịch thì dịch nhưng vẫn tăng gia sản xuất. Trước mắt là phục vụ cho sinh hoạt gia đình, còn có nguồn thu nhập để trang trải, cải thiện kinh tế trong lúc nhiều người thắt ngặt, khó khăn”.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh đất căn cứ, những mảnh vườn ven đầm bừng lên một màu xanh của hoa trái. Theo lời ông Bé, đây đều là những mô hình kinh tế “dân vận khéo”. Vừa nói, ông Bé vừa giải thích: “Thì “dân vận khéo” ở đâu cũng có, nhưng cái cốt yếu là bà con có đồng thuận để bắt tay vào làm và làm hiệu quả hay không”.

Trên mảnh vườn ven đầm, lão nông Nguyễn Việt Hùng vẫn đều đặn có nguồn thu từ vườn trái cây gồm ổi, dừa. Ông Hùng chia sẻ: “Mình bán tại vườn, của nhà trồng nên được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Mừng nhất là có huê lợi đều đều, như vậy là vững dạ lắm rồi”. Không chỉ riêng ông Hùng, dân Xẻo Ðước đều có mô hình vườn cây, ao cá, tuỳ theo điều kiện lao động sản xuất.

Vườn ổi của lão nông Nguyễn Việt Hùng cho huê lợi đều đặn ngay trong mùa dịch khó khăn.

Theo lời ông Nguyễn Văn Một, các con dâu của ông có nghề trồng rẫy, thu nhập mỗi vụ vài chục triệu đồng. Tìm hỏi chị Nguyễn Thanh Hoa, con dâu ông Một thì biết đó là chuyện hoàn toàn có thật.

Chị Hoa tận dụng bờ thửa vuông tôm, đất vườn trồng bắp, bí rợ, chanh... Mát tay nên chị trồng gì cũng trúng. Riêng vụ bắp và bí rợ vừa hết mùa, chị Hoa thu về khoảng 50 triệu đồng. Nghe chị Hoa nói mà chí lý: “Chỉ sợ không chịu làm thôi. Chớ mình làm siêng thì kiểu gì cũng có đồng ra, đồng vô”.

Tinh thần lạc quan, vượt khó của người dân Xẻo Ðước thật đáng trân trọng. Ngoài tuổi 70, bà Võ Thị Sương vẫn hăng say lao động. Thì có gì đâu xa lạ, vẫn là những điều bình dị của thôn quê với ao cá, chuồng heo, đàn gà vịt, đủ loại cây trái. Bà Sương khoe với khách: “Mình làm để cải thiện sức khoẻ, có đồ tự túc, còn dư thì bán. Ở đây bà con mình bao đời vẫn sống vậy. Dịch giã rồi cũng qua, phải lao động mới thiệt là nông dân, phải không mấy chú?”.

Bên đầm Thị Tường lộng gió, những người dân chân chất Xẻo Ðước chỉ mong một màu xanh nữa, đó là sắc xanh trên bản đồ phòng, chống dịch Covid-19. Bất giác, một ông già cao hứng: “Chà, hồi xưa mong sao mau giải phóng, mong ngày hoà bình thống nhất. Còn bây giờ, mong mau hết dịch bệnh, người người an yên. Năm tới phải tấn tới chớ!”. Còn ly rượu đế, hẹn gặp lại Xẻo Ðước khi xuân sang, màu xanh tràn tương lai quay về với quê hương Cà Mau thật vẹn tròn, như mong ước...

 

Phạm Hải Nguyên

 

Công trình Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc - Các hạng mục đã cơ bản hoàn thành

Công trình xây dựng Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời được khởi công xây dựng vào đầu tháng 1/2024, với diện tích hơn 10 ha.

Hồ sơ đi B - Xúc động đường về

Lúc tôi đến nhà và thông tin với Bác sĩ Nguyễn Văn Thể (Phường 2, TP Cà Mau), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đang giữ hồ sơ đi B của ông và sẽ liên hệ trao trả, ông hết sức ngỡ ngàng. Cách đây hơn 50 năm, khi về Nam (gọi là đi B), ông đã gửi lại tất cả giấy tờ, hồ sơ cho Uỷ ban Thống nhất Trung ương, cứ nghĩ những hồ sơ ấy theo thời gian đã bị hư hao và tiêu huỷ.

Những nữ đại biểu dân cử vì dân

Thực hiện chiến lược về bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, những năm qua, tỉnh Cà Mau luôn tạo điều kiện thuận lợi để tăng tỷ lệ nữ và nâng cao chất lượng hoạt động của các nữ đại biểu HÐND các cấp, qua đó giúp phụ nữ khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trong xã hội.

“Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” trong trường học

Nằm trong khuôn viên của Trường THCS Phan Ngọc Hiển, Khóm 4, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” vừa được Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Năm Căn phối hợp với các đơn vị thực hiện và xây dựng. Ðây là mô hình đầu tiên được triển khai trong khuôn viên trường học trên địa bàn tỉnh.

Nghĩa tình phụ nữ xứ Thanh

Cách đây 70 năm, năm 1954, thực hiện chủ trương của Ðảng và Bác Hồ, tỉnh Thanh Hoá đón nhận con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc học tập, để đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam và cả nước sau này. Tại Sầm Sơn, chị em trên địa bàn tỉnh, từng đoàn người đã đem theo cơm ngô, cơm khoai đi đón tiếp. Khi xuống thuyền, nhiều chị tự nguyện cõng thương binh vào bờ, đỡ từng cái ba lô, từng túi gạo; các mẹ đến quạt cho bộ đội, thiếu nhi... như đón người thân trở về.

Sưu tầm được nhiều tư liệu, hiện vật quý

Thực hiện Kế hoạch số 96/KH-BCÐ ngày 6/8/2024 của Ban Chỉ đạo các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, Bảo tàng tỉnh đang chuẩn bị cho nhiệm vụ triển lãm hiện vật liên quan đến Hiệp định Giơnevơ, Sự kiện tập kết ra Bắc và thành tựu phát triển của tỉnh. Phóng viên Báo Cà Mau trao đổi với ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, xung quanh công tác này.

Bạn cùng trường

Chiếc xuồng giao liên đưa tôi vào con rạch, gọi là Rạch Hàng, con rạch dẫn sâu vào rừng U Minh, để nhập trường, Trường Trung học Kháng chiến Nguyễn Văn Tố.

“Hẹn ngày trở về” - Nguồn cảm hứng với văn nghệ sĩ

Sau hơn 2 tháng phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc và bài ca vọng cổ Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) với chủ đề “Hẹn ngày trở về”, do UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, đã nhận được 85 tác phẩm (trong đó có 61 bài ca vọng cổ và 24 ca khúc).

Tạo cơ hội để cán bộ nữ phát triển, cống hiến

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác phụ nữ: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng. Các cấp lãnh đạo phải quan tâm hơn nữa về công tác phụ nữ và chú ý hơn nữa đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ”. Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, TP Cà Mau luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển quê hương.

Xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng

“Thế trận lòng dân” trên không gian mạng có vai trò quan trọng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. “Thế trận lòng dân” trên không gian mạng là cơ sở, tiền đề bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng, ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá.