(CMO) Nước mắm Mạch Long, nước mắm Diệu Hương, bồn bồn tươi, chả cá rô phi, bánh phồng tôm được xem là những sản phẩm đặc trưng của các xã trên địa bàn huyện Cái Nước sẽ tham gia Chương trình OCOP tỉnh Cà Mau năm 2020.
Huyện Cái Nước có tuyến Quốc lộ 1 đi qua địa bàn dài gần 40 km, nối liền với một số huyện và TP Cà Mau, rất thuận lợi cho việc giao thương hàng hoá. Nhân dân huyện Cái Nước khai thác hiệu quả các sản phẩm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và trở thành sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP tỉnh Cà Mau năm 2020.
Chị Lương Ánh Tuyết, Tổ trưởng Tổ hợp tác làm chả cá phi ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Đông, cho biết: "Sau khi chuyển dịch sang nuôi tôm, nguồn cá phi tự nhiên trong vuông tôm khá dồi dào nhưng giá trị kinh tế không cao, nhiều hộ dân dùng làm thức ăn cho cá chình, cá bống tượng. Thấy vậy, chị em trong Tổ phụ nữ ấp Cái Hàng chế biến thành sản phẩm chả cá phi phục vụ bữa ăn cho gia đình. Quy trình chế biến đơn giản nhưng sản phẩm chả cá phi chất lượng. Vậy là chị em trong Tổ phụ nữ ấp bàn bạc, thống nhất thành lập tổ hợp tác làm chả cá phi nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho chị em".
Để đảm bảo sản phẩm chả cá phi cung cấp cho thị trường, các thành viên trong tổ hợp tác đoàn kết, thống nhất cao, hàng ngày chế biến với số lượng vừa đủ để bán tại địa phương và giao cho các điểm chợ. Khi có đơn hàng với số lượng lớn, chị em tiến hành thu mua nguồn cá của người dân ở địa phương và tập trung lại làm, mỗi người đảm nhận một công đoạn. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ ở nông thôn, mà còn khai thác hiệu quả nguồn cá tạp trong vuông tôm, đưa chả cá phi trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Tổ khảo sát huyện Cái Nước khảo sát sản phẩm tiềm năng nước mắm Mạch Long của Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại - Xuất khẩu Đại phát, Khu Công nghiệp Hoà Trung, xã Lương Thế Trân. |
Để nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương, Hợp tác xã nuôi thuỷ sản Cái Bát, xã Hoà Mỹ còn tham gia sản xuất một số mặt hàng thực phẩm, trong đó có sản phẩm chả cá rô phi và bánh phồng tôm. Trung bình mỗi ngày sản xuất từ 50-100 kg sản phẩm các loại, được tiêu thụ ở địa phương và một số tỉnh, thành trên cả nước.
Tại ấp Thị Tường A, xã Hưng Mỹ có sản phẩm nước mắm Diệu Hương. Ông Lê Minh Thành chia sẻ, trước khi bắt tay vào nghề sản xuất nước mắm, ông phải đi học quy trình sản xuất theo hình thức truyền nghề. Đến cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, ông mới bắt đầu sản xuất nước mắm. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên cơ sở của ông chỉ sản xuất với số lượng nhỏ, chủ yếu dùng lu để chứa đựng sản phẩm. Khi thạo nghề, gia đình từng bước mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng cơ sở và áp dụng quy trình sản xuất khép kín nhằm không ngừng nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm.
Tham gia vào Chương trình OCOP là cơ hội để đầu tư, quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp nâng cao giá trị, tạo điều kiện thúc đẩy sản phẩm truyền thống của địa phương phát triển./.
Việt Tiến