ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 21-5-24 05:12:22
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Sàng lọc để sớm phát hiện bệnh lao

Báo Cà Mau “Chủ động phát hiện sớm bệnh lao trong cộng đồng, kết hợp với điều trị sớm, là giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát bệnh lao, tiến tới chấm dứt lao”, Tiến sĩ, Bác sĩ Cao cấp (TS.BSCC) Ðinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban Ðiều hành Chương trình Chống lao Quốc gia, khẳng định.

Sàng lọc diện rộng từ dự án ACT5

Dự án ACT5 phổ cập chẩn đoán và điều trị lao tiềm ẩn được phối hợp thực hiện bởi Chương trình Chống lao Quốc gia và tỉnh Cà Mau, được tài trợ từ nguồn quỹ của Chính phủ Úc. Ðây là dự án trọng điểm được đánh giá sẽ góp phần trong việc xây dựng chiến lược phòng chống lao quốc gia của tỉnh Cà Mau. Mới đây, Sở Y tế Cà Mau và Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock đã phối hợp tổ chức hội thảo giữa kỳ dự án này.

Theo đó, từ tháng 4/2022-3/2024, dự án đã thực hiện giai đoạn can thiệp đạt 90% tiến độ, với 7 huyện, thành phố hoàn thành sàng lọc lao và lao tiềm ẩn (còn lại Năm Căn và Ngọc Hiển) và 5 huyện hoàn thành điều trị lao tiềm ẩn (còn lại Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn và Ngọc Hiển). Trong tổng số 91 ấp/khóm tại 7 huyện đã triển khai hoạt động dự án, đã thực hiện sàng lọc lao tiềm ẩn bằng xét nghiệm TST cho hơn 66 ngàn người, từ 5 tuổi trở lên. Kết quả, có 226 ca mắc lao được chỉ định điều trị; 16.709 người được chỉ định điều trị lao tiềm ẩn; 11.446 người bắt đầu điều trị; 4.836 người hoàn thành phác đồ 3HP.

Là người trực tiếp hưởng lợi từ Dự án ACT5, ông Nguyễn Hoàng Hải, 61 tuổi, Khóm 8, Phường 7, TP Cà Mau, chia sẻ, nhờ được khám sàng lọc tại nhà, ông mới phát hiện mình mắc lao. Ông đã điều trị liên tục 6 tháng theo phác đồ, từ tháng 10/2023 đến nay.        

 Ông Nguyễn Hoàng Hải cùng nhân viên dự án ACT5 nhìn lại hành trình sàng lọc và điều trị bệnh lao. 

Ông kể, khi nhận được thông báo đến khi quyết định điều trị, ông mang nặng tâm lý bất an, không hiểu vì sao mình bị nhiễm bệnh, bởi không hề có bất kỳ triệu chứng nào. Các bác sĩ giải thích rằng, bệnh lao lây truyền qua không khí và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở bất cứ đâu. Có thể hiện tại không có triệu chứng, nhưng xét nghiệm đàm và chụp phổi đều chứng minh là ông mắc bệnh. “2 tháng đầu điều trị, tôi sụt 5 kg, người lúc nào cũng khô nóng, men gan tăng, bác sĩ nói đây là tác dụng phụ của thuốc. 4 tháng sau, khi tác dụng phụ giảm bớt, tôi có thể quay lại cuộc sống bình thường nhưng vẫn duy trì uống thuốc. Cố gắng vượt qua 6 tháng điều trị và quay lại xét nghiệm ở tháng thứ 7, tôi nhẹ nhõm khi mình hoàn toàn khỏi bệnh”, ông Hải chia sẻ.

Nhìn lại thời gian qua, ông Hải cho rằng dự án thực sự có ý nghĩa khi đã chủ động tiếp cận sàng lọc cho người dân, đặc biệt là với những người không triệu chứng như ông và không có đủ điều kiện để đi khám bệnh thường xuyên.

Ông Hải thổ lộ: “Hôm nay tôi mắc bệnh lao, ngày mai có thể là mọi người. Hãy tham gia các chương trình khám tại địa phương hoặc khám định kỳ khi có cơ hội. Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi theo phác đồ”.

Y tế cơ sở là nòng cốt

TS.BSCC Ðinh Văn Lượng cho biết, ngày 25/3, chỉ một ngày sau sự kiện truyền thông về Ngày Thế giới phòng chống lao, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn số 25 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh lao, trong đó nhấn mạnh ngành y tế là nòng cốt, lấy y tế cơ sở làm trọng tâm; đồng thời khẩn trương hoàn thiện và triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng.

“Dự án ACT5 được xem như một nghiên cứu chiến lược của Chương trình Chống lao Quốc gia giai đoạn 2020-2025, là một công cụ đắc lực để triển khai theo đúng chỉ đạo trong công điện của Thủ tướng Chính phủ. Trong dự án này, công tác sàng lọc diện rộng được đẩy mạnh, với mong đợi có thể làm giảm 75% số ca mắc lao trong cộng đồng; và thực tế đã cho thấy, y tế cơ sở là nòng cốt trong phát hiện chủ động bệnh lao”, TS.BSCC Ðinh Văn Lượng nhấn mạnh.

Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ điều trị. Ðồ hoạ: LÊ TUẤN.

Ðơn cử tại xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời. Xã đã thực hiện khám sàng lọc lao tiềm ẩn và lao hoạt động hồi tháng 1/2024 tại 3 ấp của xã (đây cũng là xã có số lượng ấp được chọn nhiều nhất trong giai đoạn can thiệp của Dự án ACT5).

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết, ngay tại thời điểm triển khai dự án, UBND cùng với Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời triển khai các hoạt động tuyên truyền cho hoạt động sàng lọc trước khi triển khai. Tại khu vực các ấp được chọn, mỗi ấp điều động 3 người hỗ trợ đoàn khám sàng lọc, để hoạt động triển khai đạt hiệu quả cao nhất.

Trong 19 ngày thực hiện, nhân viên dự án đã tiếp cận hơn 900 gia đình, thực hiện tiêm xét nghiệm lao tiềm ẩn cho hơn 2 ngàn người, khoảng 700 người được xác định nhiễm lao tiềm ẩn. Số hoàn thành các xét nghiệm để điều trị lao tiềm ẩn khoảng 600 người, trong đó hơn 85% đã thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, bao gồm cả đàm và chụp X-quang. Ðiều này đáng khích lệ, do cơ sở hạ tầng tại các ấp khó khăn, trong khi nhóm nhân viên này hoàn thành công tác chỉ trong thời gian ngắn.

Theo cập nhật của Trạm Y tế xã Lợi An và nhân viên dự án, có 7 trường hợp mắc bệnh lao đã được phát hiện và đưa vào điều trị. Ðây là con số quan ngại, do đây là trường hợp phát hiện trong cộng đồng, nếu không thực hiện chủ động như Dự án ACT5, có thể hiện nay những bệnh nhân này vẫn sẽ không phát hiện và điều trị, dẫn đến lây nhiễm cao. Ngoài ra, tại 3 ấp đã có hơn 300 người bắt đầu điều trị lao tiềm ẩn.

“Việc khám tận nhà, tiếp cận trực tiếp đã tạo sự đồng thuận cao nên phát hiện sớm trường hợp cần can thiệp. Mong rằng thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục khám sàng lọc tầm soát bệnh lao và các bệnh không lây khác để bảo vệ an toàn sức khoẻ cho người dân”, ông Chương kiến nghị.

 Bác sĩ Trần Hiến Khoá, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cà Mau cho biết, sẽ có khoảng 156 ngàn người ở Cà Mau tiếp tục được sàng lọc bệnh lao.

Bác sĩ Trần Hiến Khoá, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cà Mau, cho biết, trong thời gian từ 2024-2025, dự kiến có khoảng 156 người tại 9 huyện, thành phố với 208 khóm/ấp tiếp tục được sàng lọc lao, cùng với việc triển khai sàng lọc bệnh không lây khác. Ðây cũng là dịp để nâng cao năng lực của ngành y tế tuyến cơ sở.

“Sở Y tế và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cà Mau cần tăng cường giám sát, hỗ trợ để đảm bảo công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh được tăng cường, các hoạt động được triển khai đúng tiến độ. Ðồng thời, phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để các công tác sàng lọc trong cộng đồng đạt tỷ lệ cao, không chỉ với Dự án ACT5, để đảm bảo tất cả các ca mắc lao được chẩn đoán và đưa vào điều trị”, TS. BSCC Ðinh Văn Lượng đề nghị./.

 

Băng Thanh

 

Ðảm bảo đủ vắc xin tiêm bù cho trẻ

Thời gian qua, do thiếu một số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nên tỷ lệ trẻ chưa được tiêm và chưa tiêm đầy đủ còn khá nhiều, nguy cơ các bệnh truyền nhiễm ở trẻ có thể quay trở lại. Ngay sau khi được phân bổ vắc xin, ngành y tế đẩy mạnh việc tiêm bù, tiêm vét cho trẻ, nhằm tăng cường miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng.

Hoạt động thể chất có ích cho người ung thư

Hoạt động thể chất (thể dục, thể thao) không những nâng cao sức khoẻ, tăng cường kháng thể, kéo dài tuổi thọ, cải thiện tinh thần và chất lượng cuộc sống… đối với người bình thường, mà còn là một liệu pháp hiệu quả trong công tác điều trị kết hợp dành cho người chẳng may mắc phải căn bệnh ung thư.

Chủ động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Hưởng ứng “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” (từ ngày 15/4-15/5), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau kết hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh ra quân thực hiện công tác tổng kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn.

Phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Bệnh không lây nhiễm (KLN), thường là các bệnh mạn tính, bệnh phát triển và tiến triển chậm kéo dài trong nhiều năm, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài thậm chí cả cuộc đời.

Chẩn đoán phát hiện sớm để điều trị hiệu quả

Ma tuý là chất kích thích thần kinh gây hưng phấn, giảm đau, buồn ngủ, nếu sử dụng nhiều lần sẽ gây nghiện và lệ thuộc. Hiện nay, ma tuý có nhiều dạng khác nhau: ma tuý tổng hợp, ma tuý đá, heroin, ngoài ra ma tuý còn biến tướng thành các dạng bột nước trái cây hoặc dạng viên kẹo hấp dẫn người sử dụng.

Vấn nạn chó thả rông đô thị

Vấn nạn chó thả rông không đeo rọ mõm hiện hữu nhiều nơi trên địa bàn các phường nội ô thành phố. Ðây luôn là vấn đề nhức nhối, không ít lần được lãnh đạo các cấp nhắc nhở trong các cuộc họp quan trọng, đặc biệt trong tình hình xây dựng các tuyến phố văn minh như hiện nay.

Kỹ thuật tân tiến cứu sống nhiều trẻ sinh non

Bằng những phương pháp và kỹ thuật hiện đại nhất, Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đã thành công cứu được nhiều trẻ sinh non chỉ với 27 tuần tuổi, cân nặng chỉ 700 gram.

Chủ động phòng bệnh dại

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 ổ dịch dại trên động vật ở các huyện Ngọc Hiển, Ðầm Dơi và TP Cà Mau. Tập quán nuôi chó thả rông; ý thức còn chủ quan của người dân, một số trường hợp khi bị chó cắn không tiêm phòng vắc xin bệnh dại; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi đạt thấp, là nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp xuất hiện ổ bệnh dại, tử vong ở người.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm những ngày lễ

Đại lễ 30/4-1/5 là kỳ nghỉ lễ dài trong năm, cũng là dịp để người dân vui chơi, giải trí, ăn uống. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh đã và đang tăng cường, liên tục kiểm tra vệ sinh thực phẩm tại các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần đảm bảo sức khoẻ cho người dân và du khách trong những ngày lễ.

Tầm soát sớm, nhẹ nỗi lo

Thời gian gần đây, nhiều bậc phụ huynh bắt đầu quan tâm, thực hiện tầm soát ung thư cho bản thân và tự ý thức tìm hiểu việc kiểm tra thăm khám về căn bệnh này cho con trẻ.