(CMO) Thực trạng cả nước xảy ra nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian gần đây đã đặt ra vấn đề về điều kiện sát hạch cấp giấy phép lái xe. Chính vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã nâng mức độ khó trong việc thi cấp bằng lái đối với người có nhu cầu.
Riêng địa bàn tỉnh Cà Mau, công tác này đang được các ngành chuyên môn tăng cường quản lý bằng nhiều biện pháp quyết liệt. Tuy nhiên, việc siết chặt trong đào tạo đối với loại hình này đang gặp khó, chỉ dừng lại ở việc thay đổi quản lý sát hạch.
Đại diện Phòng Quản lý vận tải và người lái, Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau, cho biết, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn chưa ban hành nghị định thay thế sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP. Do đó, việc triển khai đào tạo sát hạch, dự kiến điều chỉnh bộ đề thi sát hạch đến nay vẫn chưa thực hiện. Mọi thứ chỉ là siết chặt quản lý như: Tuyệt đối cấm đem điện thoại vào trong phòng thi, các thiết bị có tính chất viễn thông hay vật dụng tư trang của thí sinh không được đem vào phòng thi…
Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 địa chỉ đào tạo lái xe ô tô được cấp phép hoạt động gồm: Trung tâm Đào tạo lái xe ô tô của Trường Kinh tế - Kỹ thuật và Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Khang Minh. Đối với loại hình đào tạo lái xe mô tô có 3 cơ sở nằm tại địa bàn TP. Cà Mau và 1 cơ sở tại địa bàn huyện Cái Nước.
Những nội dung trong đào tạo, thi sát hạch lái xe vẫn chưa thay đổi. |
Với nhu cầu học bằng lái như hiện nay, hàng tháng các đơn vị quản lý tổ chức sát hạch và cấp mới hàng ngàn giấy phép lái xe các loại. Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức sát hạch 6.223 giấy phép lái xe mô tô A1, 98 giấy phép lái xe mô tô A2, 2.021 giấy phép lái xe ô tô và cấp đổi 4.751 giấy phép lái xe các hạng.
Đây là những con số không hề nhỏ, điều gì sẽ xảy ra nếu như để “lọt sổ” những trường hợp không đủ trình độ, kỹ năng khi điều khiển phương tiện giao thông trên đường? Vì vậy, việc quản lý chặt trong đào tạo, sát hạch là tối quan trọng nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, hạn chế sai sót của lái xe khi xử lý các tình huống trên đường.
Mặc dù trong thực tế vẫn chưa có câu trả lời nào khẳng định việc không thắt chặt trong quản lý đào tạo sát hạch lái xe là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, tuy nhiên, việc thắt chặt quản lý đối với loại hình này là không hề thừa. Bởi một lẽ, nếu không đào tạo những kỹ năng cần thiết khi lái xe, người học không am hiểu luật giao thông thì nguy cơ gây TNGT là khó tránh khỏi.
Ngoài việc học ở cơ sở đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, người học lái xe còn cần phải có cách ứng xử, thái độ và ý thức chấp hành pháp luật giao thông. Đừng nên xem giấy phép lái xe như một loại giấy thông hành mà không chú trọng đến việc rèn luyện đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng lái xe.
Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục có những giải pháp tích cực, siết chặt hơn nữa việc quản lý đối với các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch giấy phép lái xe, góp phần hạn chế những vụ tai nạn giao thông thương tâm do người điều khiển phương tiện gây ra trong thời gian tới./.
Lê Chí