Tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn huyện U Minh diễn biến khá phức tạp, số ca bệnh không ngừng tăng lên. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em dưới 5 tuổi, gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không chữa trị kịp thời. Trước tình hình trên, ngành y tế huyện U Minh đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn.
Bác sĩ Lâm Hữu Ðoàn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết: “Bệnh TCM trên địa bàn huyện có chiều hướng tăng nhanh và diễn biến khá phức tạp. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 153 trường hợp mắc bệnh, trong đó từ đầu tháng 10 đến nay có 45 ca. Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận và điều trị nội trú từ 4-5 bệnh nhi mắc TCM. Dịch bệnh tăng nhanh là do gần đây chủng Enterovirus 71 xuất hiện chiếm ưu thế, đặc tính của chủng vi rút này là lây lan nhanh và độc lực cao”.
Tuy nhiên, nhờ địa phương tuyên truyền tốt, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân được nâng lên nên phần lớn các ca bệnh đều được phát hiện sớm, đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời, bệnh không diễn tiến nặng, các trường hợp đều khỏi bệnh trong thời gian từ 5-7 ngày điều trị.
Hầu hết các ca bệnh TCM điều trị tại Trung tâm Y tế huyện U Minh thời gian qua sớm bình phục, không có trường hợp bệnh nặng phải thở máy hoặc chuyển lên tuyến trên.
Như gia đình cháu C.L.M.K, 3 tuổi, ở Ấp 1, xã Khánh Hội, khi phát hiện cháu K có dấu hiệu sốt, biếng ăn, tay nổi vài mụn nước là gia đình lập tức đưa đến Trạm Y tế xã khám. Cháu được chẩn đoán mắc TCM mức độ 2, cần phải nhập viện tuyến trên để theo dõi và điều trị tốt hơn. Ngay lập tức, gia đình đưa cháu K đến Trung tâm Y tế huyện nhập viện. Sau 4 ngày điều trị, bệnh giảm đáng kể.
Chị Lê Thị Kiều Diễm, mẹ cháu K, cho biết: “Khi thấy con có dấu hiệu bệnh, nổi vài mụn nước trong lòng bàn tay là tôi đưa con đi khám liền, vì bệnh này chuyển biến rất nhanh, buổi sáng chỉ nổi vài mụn nhưng đến chiều và ngày hôm sau thì tay, chân và miệng của con hầu như bị nổi giáp hết. Cũng may nhờ đi khám sớm, điều trị kịp thời nên bệnh cũng hết nhanh”.
Không chỉ vậy, trong quá trình nằm viện điều trị, các bậc phụ huynh còn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của bệnh viện, thực hiện tốt các hướng dẫn của bác sĩ, nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, phải báo cáo ngay cho bác sĩ hoặc điều dưỡng để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh trường hợp bệnh diễn biến nặng. Nhờ vậy mà hầu hết các ca bệnh điều trị tại Trung tâm Y tế huyện U Minh thời gian qua đều sớm bình phục, không có trường hợp bệnh nặng phải thở máy hoặc chuyển lên tuyến trên.
Theo nhận định của ngành y tế huyện, thời gian tới bệnh TCM có thể sẽ gia tăng, bởi đây là giai đoạn cao điểm dịch bùng phát trong năm. Trước tình hình đó, ngành y tế huyện tích cực phối hợp với các địa phương chỉ đạo các trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân; tích cực phối hợp với ngành giáo dục huyện triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học.
Bác sĩ Lâm Hữu Ðoàn cho biết thêm: “Ngay từ đầu năm, ngành y tế huyện đã ký cam kết phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo huyện về việc phòng chống các bệnh thường gặp trong trường học, trong đó có bệnh TCM. Ngoài việc hướng dẫn các trường vệ sinh phòng học, đồ chơi cho trẻ em, Trung tâm còn cung cấp tờ rơi tuyên truyền phụ huynh giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ khi ở nhà, nếu phát hiện trẻ bệnh, không cho trẻ đến trường và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị, tránh để bệnh diễn biến nặng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng, góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng”./.
Trần Thể