(CMO) Ðẩy mạnh việc cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế khi xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) là một trong những mục tiêu, giải pháp quan trọng được đặt ra trong Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Giảm thiểu TNGT cả 3 tiêu chí luôn là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự, ATGT. (Ảnh tư liệu). |
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt. Hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau tai nạn do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng, đường thở bị tắc hoặc do bị mất nhiều máu, tất cả những vấn đề này đều có thể xử trí được nhờ sơ, cấp cứu. Nếu được sơ, cấp cứu kịp thời, có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như những biến chứng, chấn thương cho nạn nhân. Nâng cao chất lượng sơ, cấp cứu được xác định là giải pháp quan trọng, góp phần giảm thiệt hại về người trong các vụ tai nạn.
Tuy nhiên, thực tế khi TNGT xảy ra, thông thường những người đầu tiên tiếp xúc với nạn nhân lại rất thiếu các kỹ năng cần thiết để sơ cứu kịp thời.
Uỷ ban ATGT quốc gia đánh giá, một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nạn nhân TNGT được sơ, cấp cứu trước khi đến bệnh viện còn thấp do hầu hết các trường hợp tai nạn xảy ra ở xa các khu vực dân cư, trên tuyến quốc lộ, thậm chí tại vùng sâu, vùng xa. Cấp cứu tại hiện trường chủ yếu do người đi đường thực hiện, chiếm hơn 90%, tỷ lệ được nhân viên y tế cấp cứu chỉ chiếm gần 5%.
Thực tế, việc cấp cứu TNGT đường bộ thời gian qua chủ yếu dựa vào cộng đồng, sự tham gia của hệ thống cấp cứu 115 rất hạn chế.
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau, cho biết, đã qua địa phương đã triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, nâng cấp hạ tầng giao thông, xoá bỏ điểm đen về bất ổn ATGT... thì hoạt động sơ cấp cứu nạn nhân tai nạn luôn được quan tâm đúng mức.
Cụ thể, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thường xuyên tổ chức lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho người bị tai nạn, đối tượng tập huấn là các tình nguyện viên, hội viên chữ thập đỏ. Các tình nguyện viên được tập huấn về cách di chuyển nạn nhân khẩn cấp, hồi sinh tim, phổi cho người bị ngưng tim, ngưng thở (hô hấp nhân tạo), sơ cứu chảy máu, cách băng bó, cố định xương gãy... Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đều tham gia cấp cứu, xử lý các trường hợp chấn thương do TNGT.
Trong 5 năm (2016-2020), các cơ sở y tế tiếp nhận 14.442 ca chấn thương do TNGT, trong đó có 2.426 trường hợp xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu, 1.022 trường hợp bị chấn thương sọ não.
Trong 9 tháng năm 2021, các cơ sở y tế tiếp nhận 4.278 ca chấn thương do TNGT, trong đó có 28 trường hợp tử vong sau khi nhập viện; 1.989 trường hợp xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu.
Xây dựng hệ thông cấp cứu, điều trị kịp thời, hiệu quả đối với nạn nhân bị tai nạn giao thông là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng trong Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Trong đó, đến năm 2030, địa phương tập trung đầu tư một số trạm cấp cứu, trung tâm cứu hộ, cứu nạn trên các tuyến Quốc lộ 1, đường Hành lang ven biển phía Nam với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm khả năng cấp cứu trong thời gian nhanh nhất kể từ khi nhận được thông tin yêu cầu cấp cứu. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị y tế cho bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế các huyện đảm bảo năng lực cấp cứu, tiếp nhận nạn nhân kịp thời, hiệu quả.
Xây dựng trung tâm cấp cứu y tế 115, đảm bảo khả năng tiếp cận nạn nhân TNGT trong thời gian nhanh nhất kể từ khi nhận được thông tin yêu cầu cấp cứu.
Tầm nhìn đến năm 2045, các trạm cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế được hiện đại hoá và giảm thời gian tiếp cận nạn nhân.
Ðể hoàn thành các mục tiêu trên, tỉnh Cà Mau xác định việc cần thiết là nâng cao năng lực các cơ sở y tế hiện có, đảm bảo khả năng cấp cứu theo quy định, ứng trực 24/24 giờ tại các bệnh viện đa khoa cấp huyện, đồng thời xây dựng mạng lưới thông tin hiện đại, đảm bảo khả năng tiếp cận nạn nhân trong thời gian không quá 30 phút kể từ khi nhận thông tin yêu cầu cấp cứu. Ðẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong việc xây dựng hệ thống cấp cứu y tế 115 trên phạm vi toàn tỉnh; đồng thời phát triển mô hình đội, nhóm tình nguyện sơ cứu bằng mô-tô, xe gắn máy...
Văn Ðum