(CMO) Ngày nay, điện thoại di động (ĐTDĐ) đã trở thành vật bất ly thân đối với nhiều người. Điện thoại di động giờ đây không chỉ để nghe, gọi, chụp ảnh, nhắn tin mà còn giúp kết nối qua việc lên mạng, facebook, zalo… Vì vậy, nhiều người sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi, thậm chí cả khi đang tham gia giao thông.
Hằng ngày, trên các tuyến đường tại địa bàn TP Cà Mau, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người vừa điều khiển phương tiện giao thông, vừa nghe điện thoại, thậm chí nhắn tin. Việc sử dụng điện thoại khi lái xe được xem là một cách tiết kiệm thời gian đối với nhiều người. Tuy nhiên, khi sử dụng điện thoại đồng thời với điều khiển xe cũng mang lại những rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).
Vừa lái xe ô-tô vừa sử dụng điện thoại di động đang diễn ra phổ biến. |
Theo Uỷ ban ATGT quốc gia, sử dụng ĐTDĐ khi lái xe là 1 trong 5 nguyên nhân lớn nhất dẫn tới TNGT trên thế giới. Theo số liệu thống kê, 1/4 số người bị tai nạn giao thông trong 2 năm gần đây, khi được hỏi thì có tới 6-8% số vụ TNGT rơi vào trường hợp sử dụng ĐTDĐ trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tỷ lệ sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển phương tiện hằng ngày cao nhất rơi vào nhóm đối tượng lái xe tải (50%), tiếp đến là nhóm đối tượng lái ô-tô con (39%), nhóm lái xe khách/xe buýt (37%), nhóm đối tượng lái xe máy chiếm 8%.
Khoảng 50-60% người được Uỷ ban ATGT quốc gia khảo sát trả lời rằng họ vẫn điều khiển xe chạy bình thường khi sử dụng ĐTDĐ. Trong đó, phần lớn cho rằng họ có niềm tin vào khả năng kiểm soát tay lái cũng như có sự tự tin trong thực hiện hành vi sử dụng điện thoại khi đang lái xe.
Trái ngược với sự tự tin trên, kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên thiết bị mô phỏng xe máy của ngành chức năng cho thấy, sử dụng điện thoại nhắn tin làm tăng rủi ro xảy ra tai nạn gấp 20,3 lần so với khi không sử dụng điện thoại. Nói chuyện điện thoại dạng cầm tay làm tăng rủi ro xảy ra tai nạn gấp 8,5 lần so với khi không sử dụng điện thoại.
Yếu tố vận tốc và số năm kinh nghiệm lái xe đều ảnh hưởng đến xác suất xảy ra tai nạn khi sử dụng điện thoại cầm tay và rảnh tay. Rủi ro xảy ra TNGT khi nhắn tin rất cao, kể cả với lái xe chuyên nghiệp và có kinh nghiệm. Nội dung tin nhắn càng phức tạp càng làm phân tâm lái xe và dẫn tới rủi ro gây tai nạn cao hơn.
Không những vậy, đây còn là hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hoá khi tham gia giao thông, góp phần tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật hoạt động. Đã có không ít vụ TNGT đau lòng xảy ra từ việc sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: "Cấm người đang điều khiển mô-tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động". Mới đây, Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng quy định: “Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường”. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại vẫn diễn ra phổ biến do nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế và một phần do mức xử phạt còn thấp, số người vi phạm bị xử phạt chưa đáng kể. Do đó, để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại di động mang lại, đòi hỏi ý thức của những người tham gia giao thông.
Không có cuộc gọi hay tin nhắn nào đáng giá bằng mạng sống của bản thân và những người xung quanh mình. Vì thế, mỗi người cần nói không với sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện giao thông./.
Song Khuê