Vùng đất Rạch Gốc - Tân Ân là nơi gắn liền với tên tuổi của người anh hùng Phan Ngọc Hiển, với cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai tạc vào sử sách. Những thế hệ tiếp nối nơi đây vẫn lấy gương sáng của ông cha để phấn đấu học tập, trui rèn. Cũng trên mảnh đất Rạch Gốc - Tân Ân này, những câu nói của thầy giáo Hiển với đồng chí Bông Văn Dĩa thêm khẳng định tầm quan trọng của hiểu biết, tri thức và giáo dục.
Vùng đất Rạch Gốc - Tân Ân là nơi gắn liền với tên tuổi của người anh hùng Phan Ngọc Hiển, với cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai tạc vào sử sách. Những thế hệ tiếp nối nơi đây vẫn lấy gương sáng của ông cha để phấn đấu học tập, trui rèn. Cũng trên mảnh đất Rạch Gốc - Tân Ân này, những câu nói của thầy giáo Hiển với đồng chí Bông Văn Dĩa thêm khẳng định tầm quan trọng của hiểu biết, tri thức và giáo dục.
Thầy giáo Hiển hỏi: “Anh có biết tại sao mình nghèo, bị áp bức không?”. Và chính thầy giáo Hiển chỉ ra rằng, cái nghèo gắn liền với sự thiếu hiểu biết, với giặc dốt, còn sự áp bức là từ phía giặc ngoại xâm. Đồng chí Bông Văn Dĩa đã lấy đó làm bài học lớn để phấn đấu trở thành một người anh hùng của quê hương, đất nước.
Làn gió mới
Trường THPT Ngọc Hiển đóng tại thị trấn Rạch Gốc, cách trung tâm huyện lỵ mới độ 3 cây số. Qua số liệu thống kê, những năm gần đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường thuộc tốp trung bình khá của toàn tỉnh. Tuy chưa có nhiều điểm nhấn đặc biệt về chất lượng giáo dục, nhưng môi trường và không khí học tập nơi đây lại cho thấy những tín hiệu mới mẻ, đầy tích cực. Thầy Lâm Quốc Toản, Bí thư Đoàn trường, cho biết: “Trường thuộc địa bàn khó khăn, điều kiện tiếp cận với thông tin, cọ xát thực tế bị hạn chế nên cả giáo viên và học sinh phải nỗ lực rất nhiều để bù đắp”. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên do khiến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm vừa qua, năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia, trường có tỷ lệ đỗ thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh.
Trường THPT Ngọc Hiển được trang bị phòng thí nghiệm, Đoàn trường, trực tiếp là thầy Toản, thường tổ chức để các em ứng dụng lý thuyết học được vào thực nghiệm, tạo không khí học tập sinh động, hấp dẫn. |
Được gặp gỡ những học sinh miền biển mới thấy các em chịu khó, ngoan và đầy ước mơ, hoài bão. Thầy Toản chia sẻ: “Có những em ở các xã như: Đất Mũi, Tam Giang Tây lên trọ học, tự chăm lo cho cuộc sống. Đoàn trường rất quan tâm đến các em học sinh này, thường xuyên động viên, tìm hiểu tâm tư tình cảm của các em để kịp thời giúp đỡ”.
Cơ sở vật chất của nhà trường được trang bị các phòng thí nghiệm, đang trong giai đoạn mở rộng và tạo cảnh quan khuôn viên, hứa hẹn sẽ có được môi trường giáo dục hiện đại, đầy đủ, thân thiện. Là người con của vùng Tân Ân, thầy Toản tâm sự: “So với hồi trước thì các em bây giờ có điều kiện tốt hơn, chúng tôi vẫn nhắc nhớ các em về điều kiện khó khăn của quê hương để từ đó xây dựng ý chí, khát vọng vươn lên”.
Một trong những điều trăn trở của người thầy làm công tác Đoàn đó là việc các em học sinh của mình còn thiếu nhiều kỹ năng sống. Thầy Toản khẳng định: “Kiến thức thì rõ ràng là cần, nhưng kỹ năng sống cũng không thể thiếu. Các em học sinh nơi đây sẽ là những người chủ quê hương trong tương lai nên cần phải trau dồi, học tập để có đủ bản lĩnh, trí tuệ”. Đoàn trường tham mưu Ban Giám hiệu để đề ra một chương trình hoàn toàn mới: “Khi tôi 18”. Đây là một chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng sống, tích hợp kiến thức cho học sinh những năm cuối cấp, giúp các em vững vàng hơn trước những lựa chọn dấn thân trong tương lai.
“Khi tôi 18” xây dựng cho các bạn học sinh cách thức học tập hiệu quả, thú vị ở từng bộ môn. Với sự tham gia hướng dẫn của các thầy, cô vừa làm công tác Đoàn, vừa dạy chuyên môn các bạn sẽ được làm việc theo nhóm, mang những kiến thức học được ứng dụng một phần vào thực tiễn cuộc sống. “Khi tôi 18” là sân chơi văn nghệ, thể thao, nơi các bạn rèn luyện sức khoẻ, giải trí lành mạnh và nơi phát hiện những nhân tố có tiềm năng. Sống trong môi trường lành mạnh, các bạn sẽ xa rời những thói hư, tật xấu, có điều kiện hoàn thiện và phát huy khả năng bản thân. Đặc biệt, “Khi tôi 18” lồng ghép tuyên truyền các vấn đề nhạy cảm như tệ nạn xã hội, giới tính, hiểu biết pháp luật giúp mỗi cá nhân trưởng thành hơn, làm chủ bản thân hơn và sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Khát vọng vươn lên
Một điều riêng có của học sinh miền biển đó là tấm lòng thành kính, ý thức sâu sắc về truyền thống cách mạng địa phương. Các bạn đoàn viên thường xuyên phát quang, dọn dẹp khu vực tượng đài. Những buổi các bậc cao niên, lão thành cách mạng nói chuyện về truyền thống cách mạng đều khiến các bạn say mê, thêm tự hào về nơi mình sinh ra. Thầy Toản cũng rất tự tin: “Nếu hỏi về thầy giáo Hiển, về đồng chí Bông Văn Dĩa, Khởi nghĩa Hòn Khoai hay bến Vàm Lũng thì đa phần các bạn học sinh sẽ trả lời được. Đơn giản vì đó là một phần máu thịt của vùng đất Ngọc Hiển, là nơi sinh ra và nuôi nấng các bạn. Những vị anh hùng ấy còn là tổ tiên, ông bà của các bạn trẻ hôm nay”.
Khi hỏi thầy Toản về vấn đề khó khăn nhất trong công tác Đoàn nói riêng, trong việc giảng dạy nói chung, thầy trăn trở: “Khó nhất vẫn là nhận thức, quan niệm của phụ huynh và học sinh. Ai cũng thấy, một ngày đi biển, bắt ốc, làm mướn thì cũng được trên 100.000 đồng, số tiền được coi là đủ sống. Học sinh có bỏ học cũng chẳng chết đói”. Cũng có thể vì ý nghĩ này mà Ngọc Hiển vẫn còn một dòng học sinh bỏ học, điều hết sức đáng tiếc khi các em đã ở bậc cuối phổ thông. Vì vậy, Đoàn trường đề ra chương trình cụ thể, đó là tiếp cận và giúp đỡ các bạn có nguy cơ bỏ học. Một điều hiển nhiên “nhân bất học bất tri lý”, và như lời thầy giáo Hiển năm xưa, cái dốt thường đồng hành với cái nghèo. Khi các em có ánh sáng của con chữ, của hiểu biết, bước vào đời các em cũng thấy tự tin hơn, biết tính toán hơn để thay đổi số phận, cuộc đời.
Thêm một điều nữa ở ngôi trường vùng cuối đất, đó là đội ngũ giáo viên rất trẻ, đầy nhiệt tình và trách nhiệm. Phần lớn các giáo viên đều từ ngoài tỉnh đến phục vụ công tác, do vấn đề nhà công vụ chưa được giải quyết nên điều kiện ăn, ở, giảng dạy vấp phải nhiều thử thách. Đến với ngôi trường mang tên người anh hùng Phan Ngọc Hiển, ai cũng khát khao được cống hiến, được góp sức mình để đào tạo nên những thế hệ kế thừa của vùng đất này, vì vậy, việc tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên nơi đây là điều chính đáng và cần nhanh chóng hiện thực. Với sức trẻ và khát vọng mãnh liệt, hy vọng trong thời gian không xa, ngôi trường sẽ khẳng định được mình trên bản đồ giáo dục trong tỉnh, nhiều con em của Ngọc Hiển sẽ thành tài để quay trở về phục vụ, xây dựng quê hương./.
Bài và ảnh: Quốc Rin