ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 15-4-25 17:41:03
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tài chính minh bạch - Ðạo đức là kim chỉ nam

Báo Cà Mau Trên hành trình phát triển của ngành ngân hàng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp luôn là kim chỉ nam cho mỗi nhân viên trong ngành. Tại Cà Mau, nơi kinh tế đang vươn mình mạnh mẽ, vai trò của những người làm công tác tài chính - ngân hàng càng trở nên quan trọng. Không chỉ là người quản lý dòng vốn, họ còn là những người dẫn lối tài chính, đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng và bền vững.

Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng

Từ ngày 6/5/1951, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, ngành ngân hàng Việt Nam đã có sứ mệnh rõ ràng: Giữ vững nền tài chính quốc gia, đảm bảo sự ổn định và phát triển kinh tế. Ngày nay, khi nền kinh tế Cà Mau hội nhập sâu rộng, vai trò của ngân hàng không chỉ dừng lại ở việc cấp vốn mà còn là bệ đỡ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muốn thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Với cán bộ ngân hàng, chữ “tốt” không chỉ nằm ở chuyên môn, mà còn ở đạo đức nghề nghiệp. Bởi với các khách hàng, từ doanh nghiệp lớn, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, đến bà con nuôi tôm, trồng lúa, ngoài mong muốn nhất về vốn vay, họ còn mong được sự hỗ trợ tận tâm, sự tư vấn đúng đắn để họ không bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần.

Cán bộ Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) luôn tận tình hướng dẫn khách hàng, thể hiện sự chuyên nghiệp và tận tâm trong từng giao dịch.

Cán bộ Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) luôn tận tình hướng dẫn khách hàng, thể hiện sự chuyên nghiệp và tận tâm trong từng giao dịch.

Ngân hàng luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ rằng, mỗi khoản vay không chỉ là con số, mà là sinh kế của một gia đình, là kỳ vọng vươn lên của doanh nghiệp. Vì vậy, mỗi quyết định tín dụng phải gắn liền với trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.

Ông Ðỗ Thanh Tịnh, Giám đốc Agribank Cà Mau, chia sẻ: "Với mục tiêu “Mang phồn thịnh đến khách hàng”, Agribank Cà Mau không ngừng đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn. Ngân hàng cũng là kênh dẫn vốn quan trọng đến vùng sâu, vùng xa, góp phần giảm nghèo, đẩy lùi tín dụng đen và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương".

Tại Cà Mau, với đặc thù là tỉnh có thế mạnh về thuỷ sản và nông nghiệp, cán bộ ngân hàng đóng vai trò như người bạn đồng hành của bà con. Một quyết định duyệt vốn có thể giúp hàng trăm hộ dân vươn lên, nhưng sự dễ dãi hoặc thiếu trách nhiệm trong kiểm soát tín dụng cũng có thể đẩy họ vào cảnh lao đao. Vì thế, giữ đạo đức nghề nghiệp chính là giữ niềm tin của Nhân dân.

Trong thư gửi cán bộ ngân hàng năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Cán bộ ngân hàng phải kiểm điểm lại: Ðã làm gì và còn phải làm những gì để giúp ích Nhân dân, để đẩy mạnh sản xuất?”. Câu hỏi ấy vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Làm việc với tiền bạc, tài sản của Nhân dân, cán bộ ngân hàng phải đặt lợi ích chung lên trên hết. Ở địa phương, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng họ cần môi trường tài chính công bằng, minh bạch để có thể yên tâm đầu tư. Ðiều này phụ thuộc vào từng nhân viên, từng giao dịch, chỉ cần  thiếu chuẩn mực, lòng tin sẽ bị tổn hại.

Bác cũng từng căn dặn: “Nói và viết cho đúng trình độ của người xem, rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”. Nhân viên ngân hàng không chỉ cần giỏi chuyên môn, mà còn phải có khả năng truyền đạt dễ hiểu, để người dân, đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa, có thể tiếp cận các chính sách tín dụng rõ ràng, minh bạch.

Hết lòng vì khách hàng, minh bạch trong nghiệp vụ

Năm 2024, khi kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều biến động, cán bộ ngân hàng không chỉ phải vững vàng trước áp lực công việc mà còn phải kiên định trước những cám dỗ. Thực tế cho thấy, một số vụ vi phạm trong ngành ngân hàng chủ yếu bắt nguồn từ những sai lệch trong đạo đức nghề nghiệp. Khi đồng tiền có thể khiến con người lung lay thì giữ vững nguyên tắc, đặt lợi ích khách hàng và cộng đồng lên trên hết mới là phẩm chất đáng quý nhất.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành nhiều chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách này không chỉ tập trung vào việc cung cấp vốn vay mà còn chú trọng tư vấn về lãi suất, kỳ hạn, rủi ro, giúp họ quản lý tài chính hiệu quả và tránh những rủi ro không đáng có.

Ngoài ra, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay trực tiếp đến hộ sản xuất, đảm bảo nguyên tắc hiệu quả kinh tế - xã hội, không phân biệt thành phần kinh tế.

Trong quá trình xét duyệt hồ sơ vay vốn, các ngân hàng phải cân nhắc kỹ lưỡng khả năng trả nợ của khách hàng. Trong một số trường hợp, dù khách hàng mong muốn vay vốn, nhưng nếu khả năng trả nợ quá thấp, ngân hàng có thể từ chối cho vay để tránh rủi ro cho cả hai bên. Những chính sách này thể hiện sự quan tâm của NHNN trong việc hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận nguồn vốn tín dụng hiệu quả và bền vững.

Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại như: Agribank, BIDV, Vietcombank... đang nỗ lực xây dựng đội ngũ nhân viên vừa vững nghiệp vụ, vừa kiên định đạo đức nghề nghiệp. Song song với đào tạo kỹ năng, các ngân hàng cũng đẩy mạnh các chương trình nâng cao ý thức trách nhiệm, minh bạch hoá quy trình.

Ðiển hình là Agribank, ngân hàng có mạng lưới rộng khắp tại các địa phương, không chỉ cung cấp tín dụng mà còn tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ giáo dục, giúp đỡ hộ nghèo. Những việc làm thiết thực này cho thấy nhân viên ngân hàng không chỉ làm việc với tiền mà còn làm việc với niềm tin của người dân.

Nhân viên BIDV thể hiện tinh thần đoàn kết và quyết tâm lan toả giá trị văn hoá doanh nghiệp.

Nhân viên BIDV thể hiện tinh thần đoàn kết và quyết tâm lan toả giá trị văn hoá doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng bắt đầu áp dụng công nghệ để giám sát đạo đức nghề nghiệp, như trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý rủi ro hay các hệ thống xác minh giao dịch minh bạch. Ðây là bước tiến quan trọng trong xây dựng hệ thống ngân hàng an toàn, đáng tin cậy.

Tuy nhiên, như chị Huỳnh Thanh Tuyền, Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) Chi nhánh Cà Mau, nhận định: “AI có thể phát hiện sớm bất thường, nhưng cốt lõi vẫn là đạo đức và bản lĩnh của mỗi nhân viên ngân hàng”.

Tại Cà Mau, các ngân hàng thương mại đang từng bước chuyển mình, không chỉ về năng lực tài chính mà còn ở chiều sâu văn hoá doanh nghiệp. BIDV là ví dụ tiêu biểu. Trong suốt 67 năm hình thành và phát triển, BIDV luôn lấy văn hoá làm nền tảng. Với 5 giá trị cốt lõi: Trí tuệ - Niềm tin - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Khát vọng, BIDV thể hiện rõ định hướng phát triển bền vững.

Không dừng lại ở khẩu hiệu, BIDV còn hiện thực hoá văn hoá doanh nghiệp bằng những hoạt động cụ thể, như Hội thi “Ðại sứ Văn hoá BIDV” tổ chức tháng 4/2024. Ðây là dịp để cán bộ thể hiện năng lực, là cơ hội soi chiếu bản thân, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và nâng cao chất lượng phục vụ. BIDV Cà Mau cũng tích cực hưởng ứng chương trình, lan toả tinh thần tận tâm, văn minh, lấy khách hàng làm trung tâm.

Một nhân viên ngân hàng giỏi không chỉ là người duyệt hồ sơ nhanh, xử lý nghiệp vụ chính xác, mà còn là người biết lắng nghe, thấu hiểu khách hàng và hướng dẫn họ đi đúng hướng. Ðiều này càng quan trọng hơn ở địa phương, nơi phần lớn khách hàng là nông dân, ngư dân, những người ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tài chính hiện đại.

Hơn ai hết, cán bộ ngân hàng cần là người tư vấn trung thực, giúp khách hàng tránh xa những khoản vay rủi ro, hướng dẫn họ sử dụng tài chính thông minh. Quyết định đúng đắn của nhân viên ngân hàng có thể giúp hộ gia đình thoát nghèo, doanh nghiệp nhỏ vươn lên, giúp cả ngành hàng phát triển.

Chỉ khi giữ vững đạo đức nghề nghiệp, ngành ngân hàng, nhân viên ngân hàng có thể duy trì lòng tin của Nhân dân, giúp hệ thống tài chính phát triển lành mạnh, từ đó đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

 

Việt Mỹ