ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 19-4-25 08:41:16
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tấm lòng sưởi ấm tấm lòng

Báo Cà Mau Xuất phát điểm của mô hình "Nấu ăn cho em" chỉ đơn giản là sự quan tâm và sẻ chia của những người trẻ dành cho những người kém may mắn trong cuộc sống. Họ là cụ già mất sức lao động, những anh chị, cô chú lao động chân tay miệt mài kiếm từng đồng lo cho cuộc sống giữa thời tiết khắc nghiệt... Và đặc biệt hơn cả là những em nhỏ với hoàn cảnh, góc khuất mà chỉ cần một lần chạm là thấy cảm động, rưng rưng.

Sức trẻ đặt đúng chỗ

Anh Lê Trần Anh Hùng, công tác tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (IPEC), Trưởng nhóm thiện nguyện "Nấu ăn cho em", chia sẻ: “Các bạn trẻ chính là người chuẩn bị nguyên liệu, tự tay nấu cơm, chiên gà... đã cảm nhận được sự cực khổ của người làm ra bữa ăn. Việc làm này không chỉ là nghĩa cử đẹp mà còn giúp các bạn cảm nhận được trái tim yêu thương của mình có giá trị thực tế, chứ không nói bằng lời”.

Mỗi chuyến đi của "Nấu ăn cho em" đều mang đến niềm vui cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn từ những món quà nhỏ đến cả những suất ăn.

Tính đến nay, anh Hùng đã trao gần 50 xe đạp và hơn 5 ngàn quyển tập từ nguồn quỹ của những người thiện nguyện. Nhờ sự tính toán kỹ lưỡng, anh Hùng cân bằng cho mỗi suất ăn đảm bảo dinh dưỡng, ngon miệng và chan chứa niềm vui cho người nhận. Các bạn trẻ tham gia đều là bạn bè từng hoạt động sinh hoạt Ðoàn, Hội cùng anh Hùng. Mỗi người một tay, lăn xả và cố gắng hoàn thành tốt phần việc để chương trình trọn vẹn nhất theo cách hứng khởi nhất.

Năm 2023, "Nấu ăn cho em" có bước chuyển mình lớn khi gần 1 ngàn em nhỏ được ăn ngon, vui đùa, nhận quà hỗ trợ tiếp bước đến trường. Ðó là niềm hạnh phúc không chỉ với những người làm dự án mà còn là hạnh phúc từ các mạnh thường quân. Trải qua 7 chương trình trong năm 2023 đã hỗ trợ gần 1 ngàn em nhỏ, với tổng giá trị gần 400 triệu đồng. Ðộng lực này tiếp thêm sức lực để mỗi thành viên của chương trình vun đắp thêm cho các hoạt động tiếp nối. Nụ cười tiếp sức nụ cười, san sẻ yêu thương không bao giờ là phí hoài tuổi trẻ. Mô hình "Nấu ăn cho em" vừa nhận được bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng trong Ngày hội Thanh niên tình nguyện Quốc gia 2023.

Anh Hùng nói thêm: “Từ sự chân chất, từ tấm lòng muốn san sẻ yêu thương, mỗi chương trình mà tôi cùng những anh chị em đoàn viên, thanh niên, các bạn trẻ chung tay vun đắp đều chan chứa và lan toả sự ấm áp đến từng nơi mà chúng tôi đặt chân đến".

Anh Lê Trần Anh Hùng mong mỗi bữa ăn sẽ lan toả được tình yêu thương và san sẻ sự quan tâm đến trẻ em ở những nơi khó khăn nhất của tỉnh nhà.

“Thù lao” nặng hơn cả tiền

So với thời điểm ban đầu thực hiện, "Nấu ăn cho em" thu hút được đông đảo các bạn trẻ đến từ nhiều trường học, ngành nghề... Không chỉ là đoàn viên, thanh niên mà còn có cả các TikToker, các doanh nhân trẻ mới khởi nghiệp tham gia. Mỗi chương trình lại phong phú, đa dạng hơn về hình thức, quà tặng và số lượng. Mỗi người một tay, mỗi người góp sức kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ từ tập sách, quần áo... đến tiền bạc. Bỏ thời gian, tâm sức, thậm chí cả tiền bạc... nhưng các bạn chấp nhận với hoạt động này, bởi cái họ nhận lại so với tiền bạc không thể so sánh.

Các em nhỏ được nhận khá nhiều quà tặng thiết thực sau mỗi bữa ăn và sinh hoạt cùng nhau.

Bạn Nguyễn Nam Bảo Ngọc, lớp 12 Chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, cho biết: “Em học được cách giao tiếp với trẻ em khi đến với "Nấu ăn cho em". Các bạn có thể thấy các em nhỏ hay ồn ào, hay đùa giỡn, không kỷ luật và thường không nghe lời dẫn đến sự quấy rầy khó chịu. Tuy nhiên, khi tiếp cận và bắt tay làm chương trình cùng các anh chị, em dần học thêm kỹ năng giao tiếp với các em nhỏ, kỹ năng sinh hoạt nhóm và hoạt náo cùng các anh chị khác, để làm sao cho các em hào hứng hơn với các trò chơi tập thể trước khi vào bữa ăn chính. Ngoài ra, em học được thêm kỹ năng nấu ăn... Những công việc mà trước đây em chưa từng làm, chưa có kinh nghiệm sống thì nay em học được rất nhiều, nên em rất thích và quý”.

Cũng giống như Bảo Ngọc, TikToker Lâm Kiều Phương hào hứng chia sẻ: “Em và vài bạn TikToker tham gia chương trình "Nấu ăn cho em" khá đều đặn. Tụi em muốn chung tay lan toả thông điệp tích cực đến mọi người trong cuộc sống, là dù bạn làm ngành nghề gì, giàu hay nghèo... chỉ cần bạn muốn đóng góp cho xã hội, muốn giúp đỡ người khác đều có cách làm đúng với điều kiện và năng lực của mình. Nụ cười, mỗi lời cảm ơn của những người kém may mắn hơn mình sau mỗi chuyến đi là món quà mà mình nhận được”.

Với mỗi tình nguyện viên, khi đến với "Nấu ăn cho em" đều là sự hứng khởi và xác định đây là một hành trình đặc biệt. Càng làm lại càng thấy yêu thương đong đầy và sự cho đi không bao giờ là lãng phí.

Bạn Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Chi đoàn Ðoàn Cải lương Hương Tràm, chia sẻ: “Ðiều lớn nhất mà tôi nhận được từ hành trình này chính là những niềm vui, nụ cười của các em nhỏ ở những nơi mà chúng tôi đã đến. Những món ăn ngon, sự chỉn chu trong từng phần quà mà chương trình mang đến là tất cả sự quan tâm, yêu thương của mỗi thành viên. Thông qua chương trình, tôi được làm quen với nhiều bạn trẻ, kết nối được với nhiều cơ sở đoàn và những mạnh thường quân có cùng mục tiêu là chia sẻ và cùng nhau lan toả tinh thần tình nguyện vì cộng đồng. Và có lẽ đối tượng của "Nấu ăn cho em" là trẻ em nên tôi được cùng ăn, được vui chơi với các em, nên tôi thấy mình trẻ ra nhiều lắm”.

Tiền không còn là thang đo cho thành công mà những bài học, những kinh nghiệm sống thông qua mỗi chương trình "Nấu ăn cho em" mới là điều đáng trân quý cho tuổi trẻ. Cuộc sống thời 4.0 không lạnh khi có những trái tim nóng từ sức trẻ, sự nhiệt huyết muốn làm đẹp cho đời./.

 

Lam Khánh

 

Thầm lặng nghề công tác xã hội

Công việc nhiều hơn, đối tượng yếu thế tăng lên, nhưng nguồn lực làm công tác xã hội (CTXH) vẫn chưa đảm bảo, nhất là nhân lực kế thừa.

Trao tình thương, tiếp thêm nghị lực

Ðược triển khai từ năm 2024, mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế tặng hội viên nghèo” của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Phường 6, TP Cà Mau, không chỉ giúp chị em có điều kiện khám chữa bệnh, mà qua đó còn góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của hội viên phụ nữ và người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của bảo hiểm y tế (BHYT).

Ðổi thay rõ nét diện mạo vùng đồng bào dân tộc

Bà Nguyễn Thu Tư, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, cho biết: "Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, hầu hết các nội dung chính sách dân tộc đều đã được tích hợp vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Với 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần, chương trình này được xem là chính sách tổng thể, tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống, xã hội của đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer".

Hạnh phúc là sự sẻ chia

Phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, hoạt động an sinh xã hội, từ thiện được các tổ chức, cá nhân và mạnh thường quân trên địa bàn huyện Ðầm Dơi quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức.

Lan toả nghĩa cử đẹp

Hiến máu tình nguyện (HMTN) là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tấm lòng nhân ái của mỗi người đối với cộng đồng khi một phần máu tốt của mình có thể cứu sống người bệnh. Thời gian qua, phong trào HMTN trên địa bàn TP Cà Mau luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực không chỉ của lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, các lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, mà còn nhận được sự tham gia của đông đảo người dân.

Ấm áp gian hàng 0 đồng của áo xanh tình nguyện

Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, các đoàn viên, thanh niên đã và đang chung tay tạo nên những gian hàng 0 đồng hoạt động liên tục để trợ giúp cuộc sống của người lao động chân tay, người nghèo bớt nỗi nhọc nhằn.

Đoàn doanh nghiệp và đại diện Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi hỗ trợ Cà Mau hơn 2 tỷ đồng xây nhà cho người nghèo

Chiều 2/4, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức tiếp đoàn các doanh nghiệp và đại diện Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đến thăm, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội tại tỉnh.

Cộng đồng chung tay chăm lo cho gia đình 2 người mất do tai nạn giao thông

Liên quan đến vụ việc chồng chở vợ đi khám thai bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong cả 2 trên tuyến Quốc lộ 1, những ngày qua, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, thông qua vận động của xã hội đã giúp gia đình lo hậu sự, yên lòng người ra đi.

Chàng trai trẻ thích làm việc thiện

Với tâm niệm góp sức nhỏ xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, suốt 7 năm qua, chàng trai trẻ Võ Trọng Hữu, 29 tuổi, ở Ấp 7, xã Nguyễn Phích, tích cực thực hiện các hoạt động thiện nguyện, kêu gọi hỗ trợ giúp đỡ bà con nghèo, khó khăn, bệnh tật như: xây dựng nhà ở, hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm; chia sẻ với các gia đình khó khăn không may có người thân qua đời; hỗ trợ địa phương xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn.

Trao 55 xe lăn cho nạn nhân da cam và người khuyết tật

Qua rà soát nhu cầu và nguyện vọng của bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Thới Bình, có 55 đối tượng là thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) và người khuyết tật cần xe lăn để thuận tiện hơn trong sinh hoạt hằng ngày.