ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 8-7-25 01:38:27
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tâm lý chủ quan là ẩn hoạ

Báo Cà Mau (CMO) Khi chứng kiến những hình ảnh tàn khốc, đau lòng tại Ấn Ðộ vì đại dịch Covid-19 gây ra, ai cũng phải rùng mình kinh hãi. Và hãy nhìn xung quanh Việt Nam, các nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia, Lào, hay xa hơn là Indonesia, Malaysia, Singapore đều đang có diễn biến dịch bệnh hết sức báo động. Việt Nam được ví là vùng trũng mà xung quanh là cơn lũ bạo liệt mang tên Covid-19 bao vây. Việt Nam không khỏi tự hào vì thành tựu phòng, chống đại dịch Covid-19, nhưng những ám ảnh về các ổ dịch đã bùng phát trước đây hẳn chưa nguôi ngoai. Chúng ta có quyền tự hào, lạc quan nhưng tuyệt đối không thể chủ quan, vì ẩn hoạ, ngay lúc này, hiển hiện rất rõ ràng.

Cà Mau là 1 trong 3 địa phương được Bộ Y tế lưu ý đang trong nguy cơ đại dịch Covid-19 xâm nhập cao nhất ở khu vực Tây Nam Bộ. Sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu căng mình phòng, chống dịch bằng cách lập các chốt trạm kiểm soát, quản lý chặt lượng người đi về địa phương, Cà Mau đã làm rất tốt việc không để dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn. Tỉnh Cà Mau cũng đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, tổ chức loạt sự kiện du lịch - thương mại với mục tiêu đưa Cà Mau trở thành điểm đến an toàn, thân thiện. Các biện pháp phòng, chống dịch vẫn được triển khai, khuyến nghị đến các sự kiện có tập trung đông người. Những mũi tiêm vắc-xin Covid-19 đầu tiên cũng đã được triển khai với những đối tượng ưu tiên. Nhưng không có nghĩa, Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung đã an toàn trước đại dịch.

Kiểm soát phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tại chốt Quản lộ Phụng Hiệp.

Ấn Ðộ là nước sản xuất khoảng 60% vắc-xin Covid-19 cung cấp cho thế giới, nhưng đã trở thành nơi tang thương nhất vì Covid-19. Anh bạn đồng nghiệp bày tỏ quan điểm rằng: “Nguyên nhân có nhiều, nhưng thảm kịch này đến từ  nguyên nhân chính: Ðó là sự chủ quan, thờ ơ của con người trước đại dịch Covid-19”. Các chuyên gia y tế thế giới đã lên tiếng rằng, tiêm vắc-xin Covid-19 không có nghĩa là con người an toàn tuyệt đối trước đại dịch. Và, các biến thể nguy hiểm của Covid-19 đang lây lan, có xu hướng làm giảm tác dụng của vắc-xin. Nghĩa là, vắc-xin chỉ là một giải pháp hỗ trợ, chứ không phải là một giải pháp triệt để giải quyết đại dịch.

Hay nói về Thái Lan, cách đây khoảng 1 năm, được coi là một trong những hình mẫu về hiệu quả phòng, chống dịch. Với hạ tầng và trình độ y tế hàng đầu khu vực Ðông Nam Á, ít ai tin rằng, đất nước này đang rơi vào tình trạng hoảng loạn vì dịch bệnh trong thời điểm hiện tại. Ðiều này khẳng định rằng, một quốc gia đã từng có kết quả tốt trong ứng phó với dịch bệnh trước đây, không có nghĩa nguy cơ đại dịch bùng phát, hoành hành đã bị triệt tiêu. Việt Nam cần coi đó là bài học nhãn tiền. Ðặc biệt là nguy cơ dịch bệnh xâm nhập dịch chuyển về khu vực biên giới Tây Nam Tổ quốc.

Lại nói về biên giới Tây Nam với tình trạng báo động về việc người nhập cảnh trái phép từ các quốc gia láng giềng. Biên giới Tây Nam có đặc thù hoàn toàn khác với khu vực biên giới phía Bắc. Ở đây, con đường nhập biên trái phép diễn ra với mức độ phức tạp và khó kiểm soát trên cả đường bộ, lẫn đường biển, đường sông. Ðường biên quốc gia đôi khi chỉ đơn giản là con sông, đường mòn và chỉ một hải trình cực ngắn. Phải nói thêm, việc xuất nhập cảnh trái phép ở Tây Nam Bộ là vấn đề nan giải tồn tại từ lâu. Thế nhưng, với tình trạng như Bộ trưởng Bộ Y tế từng cảnh báo: “Có khi, trong 11 trường hợp nhập biên trái phép thì có đến 10 người dương tính với Covid-19”, nhất là các tỉnh của Campuchia có đường biên giáp Việt Nam, Covid-19 đang hoành hành dữ dội; thì đây là nguy cơ quá lớn, quá nguy hiểm.

Với Cà Mau, tình trạng nhập biên trái phép qua đường biển từng xảy ra. Chưa kể, khi dịch Covid-19 tạm lắng, dòng người dịch chuyển liên tục đi - về, nhất là các dịp lễ, Tết, sự kiện thì nguy cơ dịch bệnh xuất hiện, thậm chí là bùng phát vẫn chực chờ. Trước mắt là ngày lễ lớn 30/4 và 1/5 với hàng loạt hoạt động quảng bá du lịch với kỳ vọng sẽ đưa Cà Mau trở thành điểm đến của khách du lịch nội địa. Phòng, chống đại dịch Covid-19 cần ý thức, nguồn lực, cơ chế chính sách và sự đồng thuận của toàn xã hội. Trong đó, ý thức được coi là vấn đề hết sức quan trọng, nhưng cũng là điều dễ bị lơ là, bỏ qua. Không khó để nhận ra rằng, khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế đang bị ít nhiều phớt lờ. Với suy nghĩ chủ quan: “Dịch bệnh ở đâu chớ không phải ở đây”, một bộ phận người dân đang tự huỷ hoại đi thành trì phòng, chống dịch mà cả đất nước gồng mình gầy dựng. Ngay những lúc không ngờ nhất, đại dịch Covid-19 hoàn toàn có thể xuất hiện và trỗi dậy.

Người dân khai báo y tế tại chốt Xuyên Á, đóng trên địa phận xã Biển Bạch, huyện Thới Bình.

Ông bà xưa có câu: “Ðừng để mất bò mới lo làm chuồng”. Trong bối cảnh hiện tại, ý thức phòng, chống dịch của người dân cần phải gìn giữ như một tài sản quý báu trước đại hoạ Covid-19. Chúng ta có quyền tự hào, lạc quan, sống bình thường, nhưng là bình thường trong điều kiện mới. Sự cảnh giác với dịch bệnh phải duy trì ở mức thường trực, cao độ. Chỉ cần một lỗ hổng nhỏ, Việt Nam đang ở thế vùng trũng, dịch bệnh bao vây, bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi nào, Covid-19 cũng đe doạ quay trở lại. Mới đây nhất, TP Hồ Chí Minh đã dừng lại việc bắn pháo hoa nhân dịp lễ 30/4. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Lỡ có chuyện gì ân hận không kịp”.

 Danh nhân Nguyễn Trãi từng viết: “Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”. Nghĩa là chỉ một tổ kiến, có thể phá tan một con đê vững chắc, to lớn. Ðó là cảnh báo cho những ai đang chủ quan, hời hợt. Với khả năng phân tích, dự báo, Việt Nam đang tích cực xây dựng các bệnh viện dã chiến ở Hà Tiên, Kiên Giang, bệnh viện vùng ở Cần Thơ để có thể ứng phó nếu dịch bệnh xuất hiện, diễn biến phức tạp. Các tuyến biên giới trên bộ, biển được siết chặt giới nghiêm. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực ấy chỉ có được kết quả cao nhất khi xây dựng được thế trận ý thức toàn dân trong công tác phòng, chống dịch. Thông điệp 5K nên được nhắc lại, thực hành một cách nghiêm túc ở mọi cấp độ. "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế" chính là thành trì và giải pháp hữu hiệu nhất để mỗi người, mỗi nhà tự bảo vệ sức khoẻ, sinh mệnh của chính mình. Và thái độ thờ ơ, chủ quan, xin được nhắc lại chính là ẩn hoạ lớn nhất khi đại dịch Covid-19, dù chưa qua, nhưng được xác nhận là nỗi đau kinh hoàng nhất của lịch sử nhân loại từng chứng kiến.

THÔNG BÁO

Số điện thoại đường dây nóng phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (nCoV)

Trung tâm Kiếm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cung cấp số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch bệnh nCoV như sau:

Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế: Số điện thoại: 02903 836506

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau:

Số điện thoại: 0349 535657

Số điện thoại này thay thế cho 2 số điện thoại đã cung cấp trước đây, gồm:

Bác sĩ Nguyễn Quan Phú - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Số điện thoại: 0915 895919

Bác sĩ Nguyễn Hồng Cầu - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Số điện thoại: 0918 457825

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thông báo đến quý cơ quan và người dân được biết.

 

Phạm Quốc Rin

 

Sai lầm trong sơ cứu rắn cắn - Hậu quả khó lường

Mùa hè là thời điểm trẻ em nghỉ học, vui chơi nhiều hơn nên cũng là lúc dễ xảy ra các tai nạn ngoài ý muốn, trong đó có những tình huống nguy hiểm nhưng thường bị xem nhẹ, đó là bị rắn cắn.

Nuôi cá bảy màu phòng bệnh sốt xuất huyết

Hằng năm, đến mùa mưa, muỗi vằn phát triển mạnh, nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát cao. Những năm qua, ngành y tế Cà Mau đẩy mạnh các giải pháp phòng bệnh, trong đó, mô hình nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao.

Mối đe doạ thầm lặng với trẻ nhỏ

Hút thuốc lá không chỉ là thói quen có hại với chính người hút thuốc mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Cà Mau tăng cường quản lý, phòng chống bệnh không lây nhiễm

Các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và gánh nặng y tế tại Việt Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng. Cần có bước tiến trong công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm để tạo nền tảng vững chắc hướng đến một cộng đồng khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Tập huấn sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”

Sáng nay (30/6), Sở Y tế Cà Mau phối hợp Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh, Trung tâm thông tin Y tế Quốc gia và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức tập huấn khám chữa bệnh từ xa, sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” dành cho cán bộ nòng cốt ngành y tế tỉnh Cà Mau. 

Viện Pasteur nâng cao năng lực xét nghiệm cho y tế tuyến tỉnh, huyện

Sáng 25/6, Viện Pasteur phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau tổ chức khóa tập huấn “Đánh giá nội bộ về quản lý chất lượng xét nghiệm y học”.

Triển khai rộng rãi dịch vụ xét nghiệm HIV Online

Sau hơn 3 năm triển khai mô hình xét nghiệm HIV Online thông qua website: “tuxetnghiem.vn” tại tỉnh Cà Mau, cho thấy sự tiện ích rõ rệt từ mô hình này. Hiện nay, ngành y tế tăng cường các hoạt động truyền thông để đưa dịch vụ thực hiện rộng rãi trong cộng đồng.

Vì đôi mắt trẻ thơ

Với mong muốn mang lại ánh sáng và sự tự tin cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn bị các bệnh về mắt, vừa qua, Bệnh viện Mắt - Da liễu tỉnh phối hợp cùng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, các chuyên gia đến từ TP Hồ Chí Minh và Quỹ Chăm sóc mắt Hà Lan (ECF) tổ chức đợt phẫu thuật mắt miễn phí cho hơn 60 trẻ dưới 15 tuổi mắc các bệnh lý lé mắt, sụp mi.

Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch từ hút thuốc lá

Ngày càng có nhiều bằng chứng về mối liên quan giữa hút thuốc lá và bệnh tim mạch. Để phòng bệnh tim mạch, một trong những biện pháp đơn giản là không sử dụng thuốc lá và sống trong môi trường không khói thuốc lá.

Tận tâm vì sức khoẻ Nhân dân

Phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành y tế, những năm qua, đội ngũ thầy thuốc trẻ tỉnh Cà Mau nỗ lực học tập, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao y đức. Qua đó, đã có những tấm gương sáng, điển hình tiên tiến vì sức khoẻ của người dân.