Thời gian gần đây, nhiều bậc phụ huynh bắt đầu quan tâm, thực hiện tầm soát ung thư cho bản thân và tự ý thức tìm hiểu việc kiểm tra thăm khám về căn bệnh này cho con trẻ.
Qua các kênh thông tin truyền thông, qua những lần tự đến các bệnh viện tầm soát ung thư, các bậc phụ huynh nhận được nhiều lời khuyên từ bác sĩ và hiểu ra tình trạng bệnh ung thư đang có xu hướng trẻ hoá, không ai là ngoại lệ.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Minh Thuỳ cho biết, ung thư phổi là một trong những loại ung thư có xu hướng trẻ hoá cao.
Chị Trịnh Thị Bích Trâm, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, chia sẻ, chị có con trai năm nay 15 tuổi và con gái 8 tuổi, chị đều đưa các con đi tầm soát ung thư mỗi năm một lần.
“Tôi đi tầm soát ung thư cho bản thân thì được bác sĩ phân tích về việc nhiều bệnh ung thư đang có xu hướng trẻ hoá. Chưa kể căn bệnh ung thư rất phức tạp, nhất là các bệnh ung thư thường không có biểu hiện ở giai đoạn đầu, hoặc chỉ có những dấu hiệu thoáng qua, vì vậy chúng ta hay có tâm lý chủ quan, không đi khám sớm, đến giai đoạn giữa và giai đoạn cuối thì bệnh mới bắt đầu xuất hiện triệu chứng rõ rệt, nhưng cơ hội điều trị bệnh ở giai đoạn này sẽ thấp hơn rất nhiều. Vì vậy, tôi mua trọn gói tầm soát ung thư cho 2 con nhỏ, mỗi năm một lần. Chi phí có đắt một chút cũng đáng. Bởi, tôi ám ảnh hình ảnh mấy đứa nhỏ mắc ung thư phải điều trị rất khổ sở mà ba mẹ bất lực với việc đấu tranh sự sống cho con vì phát hiện quá muộn”, chị Trâm chia sẻ.
Phụ huynh tự trải nghiệm các trang thiết bị và cách tầm soát ung thư đường tiêu hoá trước khi cho con đến bệnh viện tầm soát.
Giống chị Bích Trâm, chị Ngô Kim Trang, Khóm 5, Phường 5, TP Cà Mau, cũng đưa 2 con gái, 17 tuổi và 8 tuổi của mình đi tầm soát ung thư từ sớm. Chị Trang cho biết, gia đình chị đã từng có người qua đời vì ung thư nên chị lo lắng các con cũng có nguy cơ bị gen di truyền căn bệnh quái ác này.
Chị Trang chia sẻ: “Lúc tôi đi tầm soát ung thư cho mình cũng có hỏi bác sĩ về việc các con mình có nguy cơ bị ung thư do di truyền không, bé nhỏ mới 8 tuổi có thể tầm soát không? Bác sĩ nói được và càng sớm càng tốt. Vì vậy, tôi liền đưa cả 2 đứa đi tầm soát. Chi phí có cao thiệt, nhưng sức khoẻ con mình vẫn phải đặt lên hàng đầu".
Ngoài yếu tố di truyền, chế độ ăn uống, tập thể dục, các thói quen khác có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tổng thể cũng như nguy cơ phát triển ung thư và các bệnh nghiêm trọng khác. Mỗi loại ung thư có yếu tố nguy cơ và diễn tiến sinh bệnh khác nhau, do đó việc sàng lọc ung thư cũng áp dụng cho từng độ tuổi phù hợp mỗi loại ung thư để dễ dàng điều trị khi phát hiện ở giai đoạn đầu.
Một bạn trẻ được phụ huynh đưa đến tầm soát ung thư phổi.
Theo Hiệp hội Ung thư học Việt Nam, những năm trở lại đây, tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng nhanh ở giới trẻ, nhất là ung thư đường tiêu hoá và ung thư phổi. Bác sĩ CKI Ðào Thiên Tứ, Trưởng khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải, cho biết, không chỉ người lớn tuổi, nhiều bạn trẻ cũng có nguy cơ bị ung thư đường tiêu hoá, nhất là ngày nay thói quen sinh hoạt và ăn uống của các bạn trẻ rất thất thường.
Một loại ung thư nữa cũng có xu hướng trẻ hoá là ung thư phổi. Mỗi năm ung thư phổi lấy đi sinh mạng của 1,3 triệu người. Thông thường các triệu chứng của bệnh ung thư phổi không xuất hiện cho đến khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Với sự phát triển của y học ngày nay, ung thư cũng như nhiều bệnh khác có thể chữa khỏi nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Minh Thuỳ, Phó khoa Chẩn đoán, Bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải, cho biết: “Việc tầm soát, phát hiện bệnh sớm đóng vai trò quyết định đến hiệu quả điều trị, tiên lượng sống cao hơn”./.
Lam Khánh