(CMO) Công an tỉnh Cà Mau đang phối hợp cùng các lực lượng chức năng thành lập 3 đoàn tiến hành kiểm tra các bến thuỷ bao gồm: Bến khách ngang sông, bến lên xuống hàng hoá, bến vật liệu xây dựng, bến xăng dầu và đò dọc, đò đưa khách ngang sông.
Theo đó, địa bàn được kiểm tra gồm tất cả các tuyến giao thông đường thuỷ nội địa trong tỉnh, tập trung vào tuyến Trung ương, tuyến khu vực nội ô huyện, TP Cà Mau.
Đại uý Huỳnh Văn Chờ, Phòng CSGT, Công an tỉnh Cà Mau, thông tin: "Chúng tôi sẽ tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông cũng như những chủ bến bãi thực hiện nghiêm điều luật, Nghị định 132 của Chính phủ về TTATGT đường thuỷ nội địa. Những trường hợp nào cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý, tránh gây ra tình trạng mất ATGT".
Lực lượng liên ngành kiểm tra trang thiết bị trên phà tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. |
Qua kiểm tra, hầu hết chủ các bến thuỷ tại địa bàn TP Cà Mau đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc đăng ký và hoạt động. Bên cạnh đó, lực lượng liên ngành còn kiểm tra đột xuất tại một số địa bàn vùng nông thôn. Qua đó, các phương tiện hầu hết có đăng ký, đăng kiểm và trang bị đầy đủ các dụng cụ nổi, đảm bảo an toàn cho phương tiện và hành khách, dù hàng ngày chỉ có khoảng vài chục phương tiện qua lại ngang sông.
Ông Phan Minh Khải, chủ bến phà Ấp 8, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cho biết: "Gia đình làm đủ thủ tục khi hoạt động bến phà để phục vụ bà con được an toàn, đồng thời cũng là tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh".
Bên cạnh bến phà, đò đưa khách ngang sông được xem là thực hiện nghiêm các quy định thì tình trạng lên xuống hàng hoá tại các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng thuộc địa bàn xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước và tuyến sông Cái Tàu, huyện U Minh vẫn chưa được một số chủ cơ sở thực hiện nghiêm. Theo lực lượng liên ngành, dù đã làm cam kết ngưng hoạt động, thế nhưng chỉ sau một đêm các vật liệu lại được đổ đầy thêm.
Qua công tác kiểm tra, các chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng đều chấp hành và ký cam kết không vi phạm. Bên cạnh đó, họ cũng có một số kiến nghị, nhất là khoảng thời gian để cho họ di dời hoặc chuyển đổi cách thức vận chuyển hàng hoá.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, chủ cơ sở kinh doanh Thế Duy, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, chia sẻ: "Đầu tư bến bãi tốn kém nhiều, nếu di dời bây giờ cũng không đủ điều kiện. Còn thêm khó khăn nữa là không bán được đường sông...".
Hiện nay, một số phương tiện cỡ lớn chở cát đá ngang nhiên lấn chiếm gần nửa lòng sông. Đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Trong xử lý tình trạng này, lực lượng liên ngành cũng gặp không ít khó khăn từ phía các chủ bến.
Ông Đoàn Thế Tấn, Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam, cho biết: “Đối với bến vật liệu xây dựng không phép, trước đó đoàn đề nghị họ có phép mới được hoạt động, sau này tái kiểm tra nếu vẫn chưa có phép sẽ bị xử lý. Vì thế, họ tìm cách lẩn tránh, không gặp đoàn kiểm tra nên gây khó khăn nhất định. Hình thức né tránh thứ hai là họ chuyển sang lên xuống hàng hoá vào các ngày nghỉ, lễ, tết và vào ban đêm".
Thời gian tới, 3 đoàn công tác sẽ tiếp tục kiểm tra tại một số địa bàn trọng điểm trong tỉnh, trong đó sẽ tiến hành phúc tra đối với một số bến thuỷ hoạt động không phép đã được nhắc nhở, xử lý; Đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác này nhằm hạn chế và tiến tới phòng ngừa việc phát sinh các nguy cơ gây tiềm ẩn mất trật tự an toàn đường thuỷ nội địa./.
Hoàng Giang - Như Ý